Nhóm binh sĩ Mỹ cuối cùng đã rời Afghanistan đêm 30/8, kết thúc 20 năm chiếm đóng ngay sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Cuộc chiến đã tiêu tốn hơn 2.000 tỷ USD, cướp đi sinh mạng của hơn 170.000 người, nhưng cuối cùng đã thất bại trong việc đánh bại Taliban - nhóm chiến binh Hồi giáo đã cho phép al Qaeda hoạt động ở đó, New York Times cho biết.
Các quan chức Mỹ cho biết 5 máy bay vận tải quân sự C-17 cuối cùng đã rời sân bay Kabul ngay trước nửa đêm ngày 30/8, kết thúc cuộc sơ tán vội vàng. Hàng chục nghìn người Afghanistan, bao gồm những người có thị thực hợp lệ để vào Mỹ đã bị bỏ lại.
“Một chương mới về sự can dự của Mỹ ở Afghanistan đã bắt đầu. Đó là một trong những lĩnh vực mà chúng tôi sẽ dẫn đầu bằng chính sách ngoại giao của mình. Nhiệm vụ quân sự đã kết thúc”, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken nói.
Người Mỹ đã rời đi, nhưng những hình ảnh tuyệt vọng ở sân bay Kabul đã trở thành ký ức không thể xóa nhòa về những ngày cuối cùng của Mỹ ở Afghanistan.
Mỹ đã thất bại
Cuộc chiến do bốn tổng thống Mỹ theo đuổi trong hai thập kỷ qua đã mang lại cho người dân Afghanistan một chiến thắng nhỏ với nền dân chủ, giải phóng phụ nữ cho phép họ học tập và làm việc. Nhưng Washington đã thất bại trong hầu hết mục tiêu khác. Cuối cùng, Mỹ đã trao lại đất nước cho chính những chiến binh mà họ đã lật đổ vào năm 2001.
Thiếu tướng Chris Donahue, chỉ huy Sư đoàn dù số 82, bước lên một chiếc máy bay C-17 của Không quân Mỹ tại sân quốc tế Kabul đêm 30/8. Ông là lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Afghanistan. Ảnh: AP. |
Các chiến binh Taliban và những người ủng hộ họ đã vui mừng trong chiến thắng. Tiếng súng ăn mừng vang lên khắp Kabul, khi những chiếc máy bay cuối cùng của Mỹ rời Afghanistan.
“Những người lính Mỹ cuối cùng đã rời sân bay Kabul. Đất nước chúng tôi đã giành được độc lập hoàn toàn, nhờ ơn Thiên Chúa”, Zabihullah Mujahid, phát ngôn viên Taliban viết trên Twitter.
Cuộc chiến ở Afghanistan bắt đầu dưới thời Tổng thống George W. Bush. Nhiệm vụ ban đầu là săn lùng, tiêu diệt tổ chức khủng bố al Qaeda và trùm khủng bố Osama bin Laden - kẻ đã gây ra vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất vào nước Mỹ. Al Qaeda bị đánh đuổi, trùm khủng bố bin Laden bị tiêu diệt vào năm 2011 ở Pakistan.
Những ngày đầu của chiến dịch Tự do Bền vững Afghanistan năm 2001, Taliban bị choáng ngợp trước sức mạnh quân sự áp đảo của Mỹ và ngỏ ý muốn đầu hàng. Nhưng Washington quá tự tin rằng họ có thể đánh bại Taliban nên đã từ chối lời đề nghị.
Washington lao vào một nỗ lực to lớn, không chỉ đánh đuổi Taliban mà còn xây dựng một nền dân chủ kiểu phương Tây ở Afghanistan.
Nhưng sự chiếm đóng kéo dài của Mỹ đã cho phép Taliban tập hợp lại, trở thành cuộc kháng chiến toàn quốc chống lại Mỹ. Ba đời tổng thống tiếp theo của Mỹ bị cuốn vào cuộc chiến du kích.
Vết nhơ sát hại thường dân
Vài ngày trước khi rút quân, Mỹ đã không kích bằng máy bay không người lái vào mục tiêu mà họ gọi là tổ chức Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K) - nhóm khủng bố đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom liều chết ở sân bay Kabul ngày 26/8 khiến 13 lính Mỹ và hơn 170 thường dân thiệt mạng.
Hiện trường vụ không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ với cáo buộc giết hại 10 thường dân. Ảnh: New York Times. |
Theo những người sống sót ở hiện trường, cuộc không kích hôm 29/8 khiến 10 thường dân thiệt mạng, bao gồm 7 trẻ em. Một số nhân chứng nói rằng chiếc xe bị không kích là của một người thuộc tổ chức từ thiện Dinh dưỡng và Giáo dục Quốc tế.
Những thiệt hại về dân sự ngoài ý muốn như vậy là lý do chính khiến nhiều người Afghanistan quay lưng với Mỹ. Những thiện chí với người Mỹ sau những năm đầu can thiệp quân sự dần mất đi.
Theo dự án Tổn thất trong chiến tranh của Đại học Brown, bang Rhode Island, hơn 47.000 thường dân Afghanistan thiệt mạng, gần bằng số chiến binh Taliban chết trong cuộc chiến.
Thương vong dân sự trong cuộc không kích hôm 29/8 nếu được xác nhận sẽ là một di sản cay đắng trong cuộc can thiệp quân sự kéo dài hai thập kỷ của Mỹ ở Afghanistan.
Hôm 30/8, đại úy Bill Urban - phát ngôn viên Bộ tư lệnh Trung tâm - quân đội Mỹ xác nhận rằng quân đội đã đánh trúng mục tiêu hợp lệ. Đó là một chiếc xe tải chở đầy chất nổ của IS-K. Ông Urban nói thêm quân đội đang điều tra về báo cáo thương vong dân sự.
Ông cho rằng nếu có bất kỳ thương vong dân sự nào có thể là do lượng chất nổ lớn bên trong xe gây ra. New York Times không thể xác minh độc lập vụ không kích của Mỹ có giết hại 10 thường dân hay không.
Những người bị bỏ lại
Chiến dịch không vận ở Kabul đã sơ tán khoảng 123.000 người khỏi Afghanistan, trong đó khoảng 6.000 người Mỹ. Trong những giờ cuối cùng của cuộc di tản, các máy bay chiến đấu và giám sát khóa chặt bầu trời Kabul, cho đến khi chiến máy bay vận tải cuối cùng cất cánh.
Hy vọng rời khỏi đất nước của nhiều người Afghanistan đã bị dập tắt, sau khi những chiếc máy bay cuối cùng của Mỹ rời sân bay Kabul. Ảnh: New York Times. |
Khoảng 300 người Mỹ vẫn ở lại Kabul do lựa chọn cá nhân, hoặc có thể không đến được sân bay. Nhưng chiến dịch sơ tán đã không thể đến được với tất cả những người Afghanistan làm việc cho Mỹ trong hai thập kỷ qua.
Những người bị kẹt lại có thể phải đối mặt với sự trừng phạt từ Taliban. Một số người được cấp thị thực đặc biệt nhưng không thể đến được sân bay.
“Tôi đã làm việc cho người Mỹ và không thể sống ở Afghanistan. Tôi đã mạo hiểm tính mạng của mình để làm việc cho người Mỹ và bây giờ cuộc sống của tôi gặp rủi ro lớn hơn”, một người có thị thực đặc biệt bị kẹt lại ở Kabul nói. “Nếu tôi quay lại nhà của mình, Taliban sẽ đuổi theo tôi. Hàng xóm của tôi đã nói với Taliban rằng tôi làm việc cho người Mỹ. Tôi đang ở trong một tình huống khốn khổ. Người Mỹ đã phản bội chúng tôi”.
Mike - biệt danh của một cựu thông dịch viên cho lực lượng đặc nhiêm Mỹ - cho biết mọi người trong làng của anh đều biết anh làm việc cho quân đội Mỹ.
“Tôi rất thất vọng vì bị bỏ lại phía sau. Tôi thức giấc lúc nửa đêm và nghĩ về những gì sắp xảy ra với cuộc sống của gia đình và con cái chúng tôi”, cựu thông dịch viên nói.
Các sinh viên tại Đại học Mỹ Afghanistan - một trong những dự án dân sự lớn nhất của Mỹ - cũng bị bỏ lại. Ngôi trường này từng là mục tiêu khủng bố của Taliban vào năm 2016. Khoảng 600 sinh viên và người thân đã lên xe buýt đến sân bay, nhưng cuối cùng không thể vào bên trong.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken trấn an những người bị bỏ lại, rằng Mỹ đã làm việc hết mình để sơ tán những người Afghanistan có nguy cơ bị trả thù.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để giúp họ. Cam kết của chúng tôi với họ là không có thời hạn”, Ngoại trưởng Blinken nói. Ông cũng nói thêm rằng Taliban đã cam kết bất kỳ ai có giấy tờ hợp lệ được tự do rời khỏi Afghanistan.
Taliban đã hứa sẽ ân xá cho những người từng làm việc cho Mỹ, nhưng đó là một lời hứa mà họ có thể không đủ sức để giữ nó, New York Times kết luận.