Cuộc đua lãi suất toàn cầu giảm tốc: Sau Fed, đến lượt ECB và BOE “hãm phanh”

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) ngày 15/12 cùng tăng lãi suất với tốc độ chậm lại, nhưng nhấn mạnh rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục trong thời gian tới...
Chủ tịch ECB Christine Lagarde - Ảnh: Reuters.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde - Ảnh: Reuters.

Động thái và chủ trương này của ECB và BOE cũng tương tự như những sự giảm tốc và thông điệp mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra trước đó một ngày.

Sau khi rơi vào thế bị động vì giá cả tăng đột ngột, ECB năm nay đã khởi động một chiến dịch nâng lãi suất với tốc độ chưa từng có tiền lệ, đảo ngược chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo đã duy trì cả thập kỷ. Sau cú tăng 0,5 điểm phần trăm ngày 15/12, lãi suất cơ bản đồng Euro tăng lên mức 2%. Đây là sự giảm tốc so với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm trong hai cuộc họp trước và không nằm ngoài dự báo của giới phân tích.

BOE cũng tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm lên 3,5%, mức cao nhất kể từ năm 2008. Bước nhảy này cũng đã rút ngắn so với mức tăng 0,75 điểm phần trăm của lần họp trước, đồng thời phù hợp với dự báo.

Trước đó, vào ngày 14/12, Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm sau 4 đợt nâng 0,75 điểm phần trăm liên tiếp.

Lạm phát ở cả Mỹ, khu vực Eurozone và Anh đều đang có những dấu hiệu cho thấy đã qua đỉnh, một phần do giá năng lượng giảm, một phần do nguy cơ suy thoái kinh tế cận kề. Trong tháng 11, giá tiêu dùng của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng 10%, từ mức tăng kỷ lục 10,6% ghi nhận trong tháng 10 và thấp hơn mức dự báo tăng 10,4% mà giới phân tích đưa ra trước đó.

Tuy nhiên, cũng giống như thông điệp cứng rắn mà Fed bày tỏ sau khi giảm tốc, ECB và BOE cũng phát tín hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho tới khi lạm phát được khống chế thực sự.

Nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Reuters rằng để mức tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm được thông qua, Chủ tịch ECB Christine Lagarde phải nhượng bộ bằng cam kết rằng lãi suất sẽ tiếp tục tăng, có thể tăng 3 đợt nữa, với mức tăng 0,5 điểm phần trăm mỗi lần.

“Dựa trên thông tin mà chúng ta có hiện nay, chúng tôi có thể phải tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm nữa trong cuộc họp tiếp theo, thậm chí cả cuộc họp sau đó và sau đó nữa”, bà Lagarde phát biểu tại họp báo sau cuộc họp chính sách tiền tệ.

Phát biểu này cho thấy ECB đang cố gắng để thuyết phục nhà đầu tư rằng ECB thực sự cam kết chống lại sự leo thang của giá cả, sau khi ngân hàng trung ương này chậm trễ so với Fed và BOE trong việc tăng lãi suất. Dù đã giảm, lạm phát ở Eurozone vẫn cao gấp 5 lần so với mục tiêu 2% mà ECB đề ra. Dự báo mà ECB đưa ra ngày 15/12 cho rằng lạm phát sẽ còn cao hơn mục tiêu 2% cho tới hết năm 2025.

Thậm chí, bà Lagarde cho rằng lạm phát còn có thể tăng trở lại do khả năng tiền lương tăng trưởng mạnh hơn dự báo và nhu cầu ở Eurozone tăng tốc nhờ các biện pháp kích cầu của chính phủ.

Về phần mình, từ tháng 12/2021 đến nay, BOE đã có 9 lần tăng lãi suất, từ mức đáy 0,1%. Giờ đây, một số chuyên gia kinh tế cho rằng BOE có thể dừng tăng lãi suất tại một thời điểm nào đó trong quý 1/2023.

BOE thể hiện quan điểm thận trọng với những dự báo như vậy. “Thị trường việc làm vẫn còn thắt chặt và đang có những bằng chứng cho thấy áp lực lạm phát có thể dai dẳng hơn dự kiến. Điều đó đồng nghĩa chính sách tiền tệ vẫn cần phải có sự phản ứng mạnh mẽ”, tuyên bố của BOE có đoạn viết.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (BOE) ở London, Anh - Ảnh: Reuters.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (BOE) ở London, Anh - Ảnh: Reuters.

Thị trường tiền tệ đang phản ánh kỳ vọng lãi suất cực đại của ECB đạt đỉnh ở mức hơn 3% và tháng 7 năm tới, từ mức kỳ vọng 2,75% trước cuộc họp.

Trong khi đó, kỳ vọng về lãi suất cực đại của BOE giảm nhẹ, về mức 4,5% dự kiến thiết lập vào tháng 6/2023.

Số liệu thống kê chính thức công bố hôm thứ Tư tuần này cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh tăng 10,7% trong tháng 11, từ mức tăng 11,1% ghi nhận vào tháng 10.

Thống đốc BOE Andrew Bailey cho rằng BOE có thể đã qua đỉnh. Phát biểu trước báo giới, ông Bailey nói dữ liệu này cho thấy một tia hy vọng le lói rằng lạm phát có thể giảm mạnh trong năm 2023, nhưng áp lực từ thị trường lao động đồng nghĩa còn quá sớm để BOE tính đến việc chuyển sang một lập trường chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn.

Tháng trước, BOE nói rằng Anh đang rơi vào cuộc suy thoái kéo dài, và dự báo nền kinh tế sẽ suy giảm 0,3% trong quý 4 năm nay. Sau cuộc họp ngày 15/12, BOE dự báo nền kinh tế Anh chỉ suy giảm 0,1% trong quý 4.

Tuy nhiên, việc Chính phủ Anh thắt chặt ngân sách trong thời gian tới đồng nghĩa nền kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn trong vài năm tới. Các nhà dự báo của Chính phủ nước này đã cảnh báo rằng các hộ gia đình ở Anh có thể chứng kiến mức sống giảm mạnh nhất kể từ khi số liệu được ghi lại vào thập niên 1950. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo kinh tế Anh sẽ giảm mạnh hơn bất kỳ nền kinh tế nào khác ngoại trừ Nga trong năm 2023.