Cuộc "so găng" không cân sức

Tập đoàn Bất động sản CRV là đơn vị thành viên của Tập đoàn Hoàng Huy vừa nộp hồ sơ tham dự dự án đầu tư có sử dụng đất tại Hưng Yên với quy mô lớn. Công ty cũng đang lên kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán tập trung. Đi sâu tìm hiểu cho thấy, Bất động sản CRV chiếm ưu thế lớn tại cuộc cạnh tranh này.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên vừa công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án Khu nhà ở thương mại 319 trên địa bàn xã Tân Lập và thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ.

Có 2 nhà đầu tư đã nộp hồ sơ đăng ký tham gia thực hiện dự án là Công ty CP Tập đoàn Bất động sản CRV (viết tắt là Công ty CRV) và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Yên Mỹ (Công ty Yên Mỹ).

Khu nhà ở thương mại 319 có tổng vốn đầu tư tạm tính là trên 942 tỷ đồng. Trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 38,7 tỷ đồng và tổng chi phí thực hiện hơn 903,5 tỷ đồng.

Hình minh họa
Công ty CRV là thành viên của Tập đoàn Hoàng Huy (hình minh họa)

Dự án có quy mô diện tích đất khoảng 92.788,6m2, dự kiến cung cấp ra thị trường 272 căn nhà ở liền kề và 56 căn biệt thự, đáp ứng dân số gần 1.300 người. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được cấp văn bản chấp thuận nhà đầu tư. Tiến độ hoàn thành dự án trong thời hạn 60 tháng.

'Chiến tướng' của Tập đoàn Hoàng Huy

Theo tìm hiểu, Công ty CRV là thành viên của Tập đoàn Hoàng Huy, thương hiệu quen thuộc được đông đảo nhà đầu tư biết đến với hai mã cổ phiếu niêm yết trên HOSE là TCH (Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy) và HHS (Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy).

Công ty CRV tiền thân là Công ty CP Thương mại Hưng Việt, thành lập ngày 21/7/2006, vốn điều lệ ban đầu là 5 tỷ đồng. Hiện ông chủ Tập đoàn Hoàng Huy Đỗ Hữu Hạ đang nắm ghế chủ tịch HĐQT doanh nghiệp này. Ngoài ra, ông Đỗ Hữu Hậu, Phó tổng giám đốc TCH cũng là thành viên HĐQT Công ty CRV.

Cập nhật đến cuối tháng 6/2022, vốn điều lệ đạt của Công ty CRV đạt 6.724 tỷ đồng, trong đó TCH sở hữu 38,09% vốn điều lệ, HHS sở hữu 35,17% vốn điều lệ, Công ty CP Phát triển Dịch vụ Hoàng Giang (công ty con của TCH) sở hữu 8,41% và còn lại 18,33% vốn thuộc về các cổ đông khác.

Một trong số dự án nổi bật của Công ty CRV là Dự án Trung tâm thương mại Dịch vụ Golden Land Building tại số 275 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội), được triển khai đầu tư từ năm 2010 đến nay. Bên cạnh đó, trong năm 2020, doanh nghiệp đã thực hiện bàn giao 106 căn hộ, 21 văn phòng và 4 gian hàng thuộc công trình cao tầng Gold Tower thuộc dự án Golden Land Building.

Trong thời gian tới, Công ty CRV sẽ tiếp tục triển khai và thực hiện 3 dự án ở TP. Hải Phòng, bao gồm Hoang Huy Commerce (tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng), Hoang Huy New City (tổng mức đầu tư hơn 1.692 tỷ đồng) và Hoang Huy Green River (tổng mức đầu tư hơn 13.945 tỷ đồng).

Tính đến ngày 30/6/2022, tổng tài sản của Công ty CRV đạt 8.825 tỷ đồng, trong đó tập trung ở khoản tiền gửi dưới 12 tháng với 5.544 tỷ đồng. Doanh nghiệp đang giữ hơn 877 tỷ đồng tiền nhàn rỗi, và hơn 1.036 tỷ đồng giá trị hàng tồn kho, chủ yếu là chi phí sản xuất dở dang tại dự án Hoàng Huy - Sở Dầu (Hoang Huy Grand Tower).

Đối ứng nguồn vốn, nợ phải trả của Công ty CRV ở mức 1.114 tỷ đồng, còn lại phần lớn là vốn chủ sở hữu với 7.711 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã tích lũy được 988 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, tính đến hết tháng 6/2022.

Nhìn lại năm tài chính 2021 (từ 1/4/2021 - 31/3/2022), Công ty CRV ghi nhận doanh thu thuần hơn 410 tỷ đồng, giảm 25% so với năm trước. Tuy nhiên nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp rưỡi lên 333 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vẫn tăng trưởng 15% cùng kỳ, lên 432 tỷ đồng.

Sang năm 2022, trước thềm niêm yết cổ phiếu trên HOSE, Công ty CRV đặt kế hoạch doanh thu 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 750 tỷ đồng, tăng đáng kể so với mức thực hiện năm trước.

Công ty Yên Mỹ - doanh nghiệp hơn 1 năm tuổi

Trái với Công ty CRV là một thương hiệu đã được định danh trên thương trường, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Yên Mỹ, đối thủ đối đầu trực tiếp tại dự án lại là pháp nhân non trẻ chỉ với hơn 1 năm tuổi. Cụ thể, Công ty Yên Mỹ thành lập ngày 11/1/2021, địa chỉ đặt tại huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Công ty có vốn sáng lập là 230 tỷ đồng, được góp bởi 5 cá nhân là ông Trần Đăng Tuấn (nắm 30% cổ phần), ông Trịnh Văn Công (25% cổ phần), bà Bùi Thị Dung Huyền (20%), ông Nguyễn Thế Phang (15%) và bà Lê Thị Thu Phương (10%). Bà Phương là tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Trần Đăng Tuấn, cổ đông lớn nhất của Công ty Yên Mỹ từng tham gia thành lập Công ty CP Ô tô Đông Phong Yên Mỹ - công ty con của Công ty TNHH Ô tô Đông Phong - là doanh nghiệp thương mại khá có tiếng trên địa bàn tỉnh.

Theo tài liệu của Kinh tế Chứng khoán, tính đến hết năm 2021, Công ty Ô tô Đông Phong có vốn điều lệ khiêm tốn với 95 tỷ đồng. Tuy vậy, Công ty có nguồn lực lên đến 1.000 tỷ đồng, tài trợ chủ yếu từ nợ phải trả. Nợ lớn nhưng đáng lo ngại hơn là vốn chủ sở hữu đã âm 18 tỷ đồng tại ngày 31/12/2021.

Tình trạng âm vốn là hệ quả của việc nhiều năm liên tiếp chịu lỗ của Công ty Ô tô Đông Phong. Cụ thể các năm gần đây, doanh thu thuần đã giảm rõ rệt sau khi đạt đỉnh vào năm 2019, với lần lượt 1.109 tỷ đồng (2017), 1.577 tỷ đồng (2018), 1.606 tỷ đồng (2019), 684 tỷ đồng (2020) và 658 tỷ đồng (2021).

Doanh nghiệp báo lỗ lần lượt 11,5 tỷ đồng, 21,8 tỷ đồng, 44,5 tỷ đồng, 32,7 tỷ đồng, 38,8 tỷ đồng giai đoạn 2017-2021. Như vậy, lỗ lũy kế đã lên tới hơn 110 tỷ đồng vào cuối năm 2021