Cúp bóng đá thế giới và kinh tế

Thế giới đang chú ý đến sự kiện thể thao được gần năm tỷ người xem tại Qatar. Đây là lần đầu tiên Cúp bóng đá thế giới được tổ chức ở một nước Trung Đông.

Đọc tin trên báo chí chúng ta thấy Qatar đã chi gần 300 tỷ đô la để chuẩn bị và đăng cai sự kiện này. Đọc thêm chút nữa, có nhiều tin cho thấy Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) đã hưởng lợi nhờ nhiều cổ động viên lưu trú tại thành phố Du bai và Thủ đô Abu Dahbi để bay sang Doha để xem đá bóng. Tuy nhiên, xét về mặt kinh tế, Cúp bóng đá thế giới không chỉ có vậy.

Chịu khó nhìn sâu hơn một chút, chúng ta thấy sự kiện này có liên quan đến cả kinh tế thế giới. Trước hết, đó là việc chọn Qatar làm nước đăng cai. Việc FIFA chọn Nam Phi đăng cai năm 2010, Brazil năm 2014, Nga năm 2018 cũng như Qatar năm nay đều dựa trên một tiêu chí. Đó là những nền kinh tế mới nổi có tăng trưởng kinh tế cao trong hai thập niên vừa qua. Nhiều người cho rằng các nước thành viên khác của BRICS sẽ sớm đăng cai Cúp bóng đá thế giới.

Tuy nhiên, khó có thể đoán được tương lai của nền kinh tế toàn cầu sẽ như thế nào. Nếu kinh tế toàn cầu khác với 20 năm qua thì điều này sẽ được thể hiện trong quyết định của FIFA. Hiện nay, các nền kinh tế mới nổi đóng góp 24% cho GDP toàn cầu và hơn một điểm phần trăm cho tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thế giới. Nếu những đóng góp này giảm thì liệu FIFA có tiếp tục chọn một nước có nền kinh tế mới nổi không?

Việc FIFA chọn Nam Phi đăng cai World Cup năm 2010, Brazil năm 2014, Nga năm 2018 cũng như Qatar năm nay đều dựa trên một tiêu chí. Ảnh minh họa, nguồn: blog.datawrapper.de

Việc FIFA chọn Nam Phi đăng cai World Cup năm 2010, Brazil năm 2014, Nga năm 2018 cũng như Qatar năm nay đều dựa trên một tiêu chí. Ảnh minh họa, nguồn: blog.datawrapper.de

Đã có nhiều nghiên cứu về mối liên hệ giữa các giải bóng đá với thị trường chứng khoán. Một khảo sát năm 2016 cho thấy kết quả thi đấu của đội tuyển Italia có tác động đến thị trường chứng khoán nội địa. Điều này có thể được giải thích bằng niềm hân hoan của các nhà đầu tư sau khi đội tuyển của mình thắng trận. Ngược lại, nếu đội tuyển của mình thua sẽ làm các nhà đầu tư thất vọng, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Một nghiên cứu khác lại cho thấy ở các nước có đội tuyển thành công hơn như Anh, Tây Ban Nha, thì đội tuyển thua sẽ tạo ra tác động tiêu cực lớn hơn so với nước khác. Với các nước có đội tuyển tương đối thành công như Thổ Nhĩ Kỳ hay Chile, đội tuyển thắng thường làm cho các nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn.

Rõ ràng là nếu bạn càng cho rằng đội tuyển nước bạn thua thì khi đội tuyển thắng sẽ làm bạn phân chấn hơn và ngược lại. Điều này giải thích niềm phấn khởi và hoạt động chào mừng của cổ động viên khi Ả-rập Xê-út thắng Argentina 2-1 ngày 22 tháng Mười một hay Iran thắng Uruguay 1-0 ngày 23 tháng Mười một.

Bóng đá còn có tác động tích cực đến quan niệm về kinh tế. Một điều tra tiến hành năm 2006 sau mỗi trận đội tuyển Đức thi đấu ở Cúp bóng đá thế giới năm đó cho thấy kết quả tích cực của đội làm tăng sự tự tin của người Đức. Phát hiện của điều tra này khẳng định thêm luận điểm cho rằng tâm lý có vai trò thúc đẩy hoạt động kinh tế. John Maynard Keynes, nhà kinh tế học nổi tiếng đầu thế kỷ 20 đã từng viết: "Với các nhà thông thái điều có thể có ích là cần dự liệu tâm lý đám đông thay vì xu hướng của các sự kiện và làm những điều không hợp lý".

Một nghiên cứu tiến hành năm 2010 về tác động của Cúp bóng đá thế giới đối với thị trường chứng khoán Mỹ đã đưa ra kết luận trong thời gian tổ chức Cúp bóng đá thông thường tỷ lệ sinh lời của thị trường chứng khoán Mỹ giảm 2,6% thay vì tăng 1,6% nếu không có Cúp bóng đá, do không ai có thể dự đoán được kết quả của tất cả các trận đấu và lượng chứng khoán Mỹ ở bên ngoài là rất lớn. Càng vào sâu ở vòng trong thì càng có nhiều đội thua hơn và tác động tiêu cực với thị trường chứng khoán Mỹ càng lớn hơn, kết quả là thị trường suy giảm.

Chính vì thế, nhiều nhà đầu tư bán bớt chứng khoán Mỹ của mình trong dịp Cúp bóng đá thế giới và điều này càng làm cho thị trường chứng khoàn Mỹ giảm sâu hơn. Nhiều nhà đầu tư lại bán chứng khoán trước cả khi Cup bóng đá thế giới bắt đầu, làm giảm đột ngột giá chứng khoán và làm thị trưởng giảm sâu nhanh hơn.

Các nhà kinh tế cho rằng phản ứng như trên của thị trường sẽ vẫn tồn tại trong thời gian dài. Lý do chính tâm lý con người là khó đổi và các cổ động viên bóng đá không bao giờ chịu chấp nhận thực tế là đội mình, cho dù có thành công đến mấy, rồi cũng có ngày thua. Tuy vậy, lại có những ngày đẹp trời đội tuyển của bạn đột nhiên thắng như đội tuyển Nhật Bản thắng đội tuyển Đức ngày 23 tháng Mười một và Tây Ban Nha ngày 2 tháng Mười hai, hay đội tuyển Iran thắng đội tuyển Wales ngày 25 tháng Mười một vừa qua tại Qatar 2022. Những trận thắng như thế này làm cổ động viên, nhà đầu tư hy vọng "điều kỳ diệu" cũng sẽ đến với họ.

Cuộc sống là như vậy có nhiều điều không thể giải thích bằng lý mà phải coi đó là những điều phi lý.