Đặc biệt sốt ruột về thiên tai, Quốc hội lo nguồn lực ứng phó

Theo Chủ tịch Quốc hội, cần phải lồng ghép nội dung phòng ngừa thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược cho cả nhiệm kỳ tới.

Bây giờ bà con khổ lắm, nhà không có, không có gì ăn, mỳ tôm không có nước để nấu, phải ăn sống, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói về tình cảnh nhân dân vùng lũ miền Trung tại phiên thảo luận tổ sáng 2/11 của Quốc hội.

Bà đặc biệt nhấn mạnh, phải đánh giá những nguy cơ tổn thương do thiên tai mang lại để có chuẩn bị nguồn lực để ứng cứu, phải lồng ghép nội dung phòng ngừa thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược cho cả nhiệm kỳ tới.

Sốt ruột của Chủ tịch Quốc hội cũng được rất nhiều đại biểu quan tâm, bởi phiên thảo luận tại 19 tổ đại biểu Quốc hội không chỉ là bàn kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm sau, 5 năm  tới mà còn xem xét cả kế hoạch đầu tư công, kế hoạch tài chính trung hạn giai đoạn tiếp theo.

Vừa trở về từ Miền Trung, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng (Hà Giang) nhấn mạnh, thiệt hại về người, tài sản vô cùng lớn, trong đó có những câu chuyện đau lòng không tưởng tượng nổi.

Thực tế đi từ Hà Tĩnh, Quảng Trị quay về nước vẫn chưa xuống. Do đó, phải có Ban chỉ đạo giải quyết khẩn cấp hậu quả bão lũ, phải tập trung dồn sức, dồn người, dồn trí giúp cho các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi khắc phục hậu quả lũ lụt. Mất mát là cực kỳ lớn, chuẩn bị tiếp tục lại cơn bão số 10, thì xử lý vấn đề môi trường hết năm nay có thể không xong, dân kiệt sức rồi - đại biểu Thào Xuân Sùng phát biểu.

Nhấn mạnh tình hình chưa có năm nào thiên tai diễn biến bất thường như năm nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng khi thảo luận về kinh tế - xã hội cần gắn yếu tố đó để vừa khắc phục hậu quả, vừa chuẩn bị để đề phòng những diễn biến mới.

Chủ tịch khái quát: từ đầu năm đến nay đã diễn ra 16 loại hình thiên tai; 9 cơn bão trên biển Đông, hiện tại chuẩn bị bão số 10;  263 trận giông lốc mưa lớn; 49/63 tỉnh thành phố đều bị thiên tai các loại; 15 trận lũ lớn gây sạt lở đất; 72 trận mưa lớn gây ngập úng lũ, có 79 trận động đất.

"Quê tôi Bến Tre chưa bao giờ ngập mặn quá dài và sâu như thế, trước ngập từ biển vào các nơi 40 km nhưng giờ hơn 100 km, ảnh hưởng tới sản xuất cây trái, đời sống của bà con"- bà Ngân nói.

Từ tình hình trên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng khi bàn kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 thì đại biểu phải bàn các biện pháp để khắc phục hậu quả thiên tai của các tỉnh miền Trung.

Vẫn theo Chủ tịch Quốc hội thì sửa chữa nhà cửa, bố trí nơi ăn nơi ở là cái trước mắt. Nhưng cái lâu dài là kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các năm tới thì Quốc hội phải tính.

"Chính phủ phải chỉ đạo rà soát lại tất cả các kịch bản biến đổi khí hậu xem có đúng như dự báo hay không để điều chỉnh? Thứ hai cần nâng cao chất lượng dự báo thiên tai. Phải đánh giá những nguy cơ tổn thương do thiên tai mang lại để có chuẩn bị nguồn lực ứng cứu. Phải lồng ghép nội dung phòng ngừa thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược cho cả nhiệm kỳ tới. Đây là trách nhiệm nặng nề nhưng Chính phủ phải chỉ đạo cho các cơ quan, trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có trách nhiệm tham mưu giúp Chính phủ. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 và trong 5 năm tới không thể không lồng ghép những nội dung vừa khắc phục hậu quả bão lũ, vừa phòng chống thiên tai" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chia sẻ với khó khăn của bà con vùng lũ, một số vị đại biểu đã "truy" nguyên nhân và cho rằng trong đó có việc phát triển thuỷ điện.

Nên dừng một số thủy điện nhỏ và vừa, trả lại môi trường, vì an ninh quốc gia và đất nước - đại biểu Thào Xuân Sùng đề nghị.

Từ kỳ họp thứ hai tôi đã đề nghị dừng thủy điện cóc ở Tây Nguyên, hậu quả rất nhiều đại biểu nêu rồi, thủy điện nhỏ là phải chấm dứt, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nêu ý kiến.

Song, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, tất cả hồ đập thủy điện tại khu vực miền Trung đều đảm bảo an toàn về an toàn đập cũng như vận hành của hồ, đều thực hiện quy trình xả lũ và vận hành liên hồ, đơn hồ theo đúng quy định pháp luật.

Chia sẻ với quan điểm của đại biểu là cần phải xem xét việc phát triển thủy điện nhỏ để hạn chế phá rừng, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, tình hình vừa qua tại miền Trung chủ yếu là do mưa quá lớn và kết cấu địa chất là chính. Thảm thực vật còn đến 80-90%, nhưng mưa thối đất thì không có kết cấu nào chịu được, Thủ tướng nói.  

(Theo Báo Đầu Tư)