Đang mở rộng điều tra những sai phạm tại Bệnh viện TP.Thủ Đức

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Phó giám đốc Công an TP.HCM đã cho biết như thế tại cuộc họp báo thông tin về tinh hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2022 vào chiều nay (7.3).

Theo Công an TP.HCM, trong thời gian qua, Công an TP đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, tiêu cực. Trong đó có tình trạng tham nhũng đang khởi tố; trục lợi thông qua việc tiêm phòng xin phòng COVID-19; chiếm đoạt thuốc Molnupiravir để bán ra thị trường, vi phạm về đầu thầu trang thiết bị y tế như tại Bệnh viện TP.Thủ Đức.

mo-rong-dieuu-tranhung-sai-pham-1646719317.jpeg Công an TP.HCM đang mở rộng điều tra những sai phạm tại Bệnh viện TP.Thủ Đức - Ảnh: PV

Hiện nay, hầu hết các vụ án liên quan đến sai phạm trong hoạt động y tế đã điều tra hoàn tất chuyển Viện kiểm soát để truy tố; còn một số vụ hiện nay đang trong quá trình điều tra và mở rộng điều tra.

“Hiện nay vụ án liên quan đến sai phạm tại Bệnh viện TP.Thủ Đức đang mở rộng điều tra”, ông Quang cho biết.

Liên quan đến những sai sót trong việc cấp mã dịnh danh cho người dân cũng như việc chậm trong việc cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử, ông Quang cho biết do việc trên khai thực hiện phát sinh một số vướng mắc, gây khó khăn trong quá trình giải quyết hồ sơ cho người dân.

Công an TP đã chỉ đạo nhiều cán bộ, chiến sĩ phối hợp, tham gia thực hiện phòng chống dịch (truy vết F0, chốt chặn, thực hiện gói an sinh xã hội...), việc liên lạc với người dân để đối chiếu thông tin cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nhân khẩu tạm trú (do có rất nhiều người dân đã về quê tránh dịch). Đồng thời số lượng cán bộ, chiến sĩ là F0 trong lực lượng công an TP nói chung, lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính nói riêng ngày càng tăng cũng ít nhiều ảnh hưởng việc triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, tình hình dân cư biến động liên tục, phức tạp, lịch sử quản lý giấy tờ thủ tục còn nhiều bất cập dẫn đến các giấy tờ tùy thân của công dân mâu thuẫn, sai lệch với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên cần điều chỉnh khi làm Căn cước công dân. Tuy nhiên, một bộ phận công dân làm Căn cước công dân một nơi, nơi thường trú lại là một nơi khác (nơi tạm trú và nơi thường trú) nên việc phối hợp điều chỉnh, cập nhật thông tin gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, cũng do nhiều người dân không đăng ký tạm trú khiến việc kiểm tra, xác minh thông tin gặp khó khăn. Một số trường hợp khi đi làm còn khai sai thông tin hoặc cán bộ nhập nhầm; thị trường “chip” bị khan hiếm...

“Dù vậy, hiện vẫn có gần 100% công dân thường trú trên địa bàn TP được cấp căn cước công dân gắn chíp; còn tạm trú đã cấp gần 50.000 người. Về cơ bản đã đạt yêu cầu đặt ra của Bộ Công an và yêu cầu của người dân”, ông Quang nói.

Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế trên, ông Quang cho biết hiện công an TP đã thông báo cho người dân chưa nhận được căn cước công dân, nếu muốn tra cứu thông tin hãy truy cập website dancuquocgia.mps.gov.vn. Đồng thời tại cấp TP, người dân có thể liên hệ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; còn cấp huyện người dân có thể liên hệ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Tại mỗi đơn vị, công an các cấp đều công khai số điện thoại và thông tin trên các trang mạng xã hội chính thống để hỗ trợ người dân cũng như người dân có thể phản ánh các bất cập khi đi làm căn cước công dân.

Trong thời gian sắp tới, Phó giám đốc công an TP cho biết sẽ chỉ đạo công an quận, huyện, TP.Thủ Đức, công an phường, xã, thị trấn tiếp tục tập trung rà soát làm sạch dữ liệu dân cư nhằm hạn chế thấp nhất sự sai lệch thông tin của người dân khi làm Căn cước công dân.

Hiện nay Bộ Công an, Công an TP đang tập trung triển khai cấp Căn cước công dân cho người dân thông qua việc khai thác trực tiếp dữ liệu dân cư trên nền tảng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên tỷ lệ sai sót rất thấp.