Lo người dân, doanh nghiệp chịu tác động
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi.
Trong đó, đề xuất đưa đồ uống có đường (nước ngọt) vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt "với mức phù hợp" đang được dư luận quan tâm.
Việc này được lý giải nhằm bảo vệ sức khỏe người dân theo khuyến nghị của WHO, cũng như chủ trương của Đảng, Chính phủ và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Cơ quan này dẫn các số liệu cho thấy tình hình tiêu thụ nước ngọt ở Việt Nam đã tăng mạnh, gấp 7 lần trong 15 năm, từ mức trung bình 6,6 lít/người năm 2002 lên 46,5 lít/người năm 2017 và 50,7 lít/người năm 2018.
Thực tế, ghi nhận từ PV Báo Giao thông cho thấy, trên thị trường có các loại nước ngọt phổ biến như: Sting hương dâu, number1, wake up 247 vị cà phê, pepsi cola, coca cola, Redbull, trà xanh c2, trà xanh 0 độ, 7Up Mojito hương chanh bạc hà…
Chị Nguyễn Hương, chủ cửa hàng tạp hóa lớn ở Phúc Lợi (Long Biên, Hà Nội) cho biết, khách hàng chủ yếu là nhà hàng, còn các hộ gia đình gần như tiêu thụ rất ít, hoặc nếu có thì chỉ mua lúc có công việc.
“Tôi kinh doanh nghề này hơn 10 năm, nhớ rõ từng khách hàng và nắm rõ từng mặt hàng… Người dân không phải đối tượng tiêu thụ chính các dòng nước ngọt, nên việc áp thuế chỉ lo tăng thêm gánh nặng cho người dân”, chị Hương băn khoăn.
Ông Nguyễn Văn Nam, một nhà phân phối các loại nước ngọt, nước giải khát khu vực miền Bắc lo lắng, thị trường nước ngọt, nước giải khát sẽ tiếp tục chịu thêm cú sốc nếu chịu thêm thuế TTĐB, sau khi đã chịu tổn thất nặng nề sau gần 3 năm Covid-19.
“Việc đánh thuế sẽ làm tăng giá bán, từ đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng, ảnh hưởng đến các đơn vị sản xuất, kinh doanh”, ông Nam nói và cho rằng, cần xem xét kỹ thời gian áp thuế theo đề xuất mới.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cũng cho rằng, chúng ta cần cân nhắc thêm thời điểm phù hợp hơn, nhất là năm 2023 dự báo còn nhiều khó khăn hơn năm 2022.
Trong bối cảnh, tín dụng thắt chặt, lãi suất tăng cao, doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn, biến động giá thế giới còn là nỗi lo lạm phát, ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của người dân.
Cho rằng, tăng thuế sẽ đẩy giá, tăng ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân, trong khi đó Nhà nước vẫn đang tiếp tục triển khai, gia hạn thêm các gói hỗ trợ, ông Việt kiến nghị, nên xem xét lộ trình từ sau năm 2025.
Đây là lần thứ 2 Bộ Tài chính đề xuất áp thuế TTĐB với nước ngọt. Năm 2014, Bộ này đã từng đề xuất áp mức thuế suất 10% nhưng nhiều bộ, ngành không đồng thuận. Bộ Công thương lo tác động tiêu cực tới triển vọng kinh doanh, trong khi, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, luận cứ áp thuế chưa thực sự thuyết phục…
“Cần đánh giá rõ tiêu thụ nước ngọt ảnh hưởng sức khỏe ra sao”
Lần đề xuất này, Bộ Tài chính cũng dẫn số liệu kết quả điều tra dinh dưỡng giai đoạn 2000 - 2010 và 2010 - 2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia để đưa ra luận cứ áp thuế.
Cụ thể, tỷ lệ thừa cân, béo phì của trẻ em Việt Nam tăng lên nhanh chóng ở tất cả lứa tuổi và khu vực, thành thị cũng như nông thôn.
Các nước đã dần áp thuế TTĐB với đồ uống có đường. Theo bộ này, năm 2012 chỉ khoảng 15 quốc gia, đến 2021 có ít nhất 50 nước thu sắc thuế trên. Trong khu vực có 6 nước gồm: Thái Lan, Philippines, Malaysia, Lào, Campuchia, Myanmar áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt.
"WHO khuyến cáo các Chính phủ tiến hành nhiều hành động khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh, qua biện pháp đánh thuế vào đồ uống có đường để định hướng tiêu dùng", Bộ Tài chính nêu.
Về vấn đề này, đại diện Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng đưa ra quan điểm, việc áp thuế TTĐB với sản phẩm này không giúp giảm tình trạng thừa cân béo phì.
Dẫn kinh nghiệm tại Anh, nước ngọt có tỷ lệ đường trong sản phẩm càng cao thì chịu thuế càng nhiều. Như đồ uống không đường, hoặc độ đường ít hơn 6% thì thuế suất là 0%... đại diện VBA góp ý, Bộ Tài chính nên tính thuế theo hàm lượng đường, điều này sẽ góp phần xây dựng thói quen, thúc đẩy tiêu dùng có trách nhiệm của người dân.
Cũng bình luận về luận cứ trên, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, cần đánh giá rõ tiêu thụ nước ngọt có đến mức tạo ra mặt bằng chung về béo phì, tim mạch hay chưa?
“Nếu thực tế chỉ một vài trường hợp do nghiện hoặc lạm dụng thì chưa thuyết phục để cần hạn chế tiêu dùng thông qua tăng thuế”, TS. Việt nói.