Đau đầu vì đồng USD quá mạnh, euro mất giá

Người tiêu dùng châu Âu có thể cắt giảm nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu, bao gồm cả hàng hóa từ Việt Nam.

Những đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Mỹ đã kéo giá đồng USD lên rất cao, khiến đồng tiền này lần đầu tiên ngang bằng với đồng euro trong vòng 20 năm qua. Điều này đang tạo ra các tình huống kinh doanh đau đầu cho doanh nghiệp Việt.

Trước mắt, việc đồng euro mất giá chưa ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu hàng Việt. Ảnh: PM

Kẻ cười, người khóc

Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Việt, nhận định hai đồng tiền có sức ảnh hưởng trên thế giới là USD và euro biến động trái chiều chắc chắn tác động đến các nhà kinh doanh Việt Nam.

“Hiện chúng tôi xuất khẩu gạo khá nhiều qua châu Âu nhưng hợp đồng tính bằng USD và hợp đồng thường chốt giá từ trước nên biến động tỉ giá ở thời điểm này chưa ảnh hưởng nhiều đến kinh doanh.

Nhưng câu chuyện kinh doanh sẽ không hề đơn giản trong tương lai trong bối cảnh hai đồng tiền này ngang giá. Với đồng USD mạnh giúp việc xuất khẩu qua Mỹ có lợi hơn, ngược lại đồng euro mất giá sẽ khiến hàng hóa xuất qua thị trường này sẽ đắt đỏ và khó cạnh tranh hơn” - ông Long nói.

Cũng theo ông Long, dù hợp đồng xuất khẩu sang châu Âu thanh toán bằng USD, song người mua hàng cuối vẫn phải trả bằng đồng euro. Khi quy đổi tỉ giá, người mua hàng sẽ thấy giá hàng hóa đắt đỏ hơn. Cuối cùng điều này sẽ tác động vào nhà xuất khẩu, vì giá cả cao khiến người tiêu dùng chi tiêu ít đi, đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt chậm lại.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty May Sài Gòn 3, kiêm Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM, phân tích: Đồng USD mạnh sẽ hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu nhiều hơn vào thị trường Mỹ.

Nếu tính toán đúng và đa dạng hóa thị trường, các doanh nghiệp sẽ có lợi, giảm rủi ro về mặt tỉ giá. Còn với đồng euro giảm giá, các doanh nghiệp nên tận dụng thời cơ này mua máy móc, công nghệ với giá tốt sẽ giúp tăng năng lực cạnh tranh trong tương lai.

Tuy vậy, chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM cũng cảnh báo trong tương lai, nhiều đơn vị sẽ thấy việc xuất khẩu qua thị trường châu Âu có khả năng khó khăn hơn. Lý do khu vực này đang chịu lạm phát cao, đồng thời tiền mất giá khiến cho họ giảm chi tiêu, tiết kiệm nhiều hơn.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải cho biết với việc đồng USD và đồng euro ngang giá nhau thì rõ ràng hiện nay, công ty nào xuất khẩu vào những thị trường thanh toán bằng USD sẽ thắng lớn. Còn những công ty xuất khẩu qua thị trường thanh toán bằng euro có khả năng bị thiệt hại nặng.

Đồng euro có thể sẽ tiếp tục mất giá mạnh so với đồng USD nếu như các vấn đề liên quan đến dầu mỏ với Nga chưa sớm được giải quyết. Theo các tổ chức tài chính quốc tế tính toán, nếu trường hợp này xảy ra thì 1 euro chỉ còn đổi được 0,95 USD, chứ không còn đổi được 1 USD như hiện nay.

“Do đó, các nhà xuất nhập khẩu Việt Nam nên phòng ngừa rủi ro bằng cách nếu thu bằng euro thì nên bán euro theo hợp đồng tương lai với một tỉ giá tương đối còn cao và mua lại bằng USD” - ông Hải khuyến nghị.

Đồng USD và đồng euro lần đầu tiên ngang giá nhau đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình thế kinh doanh không hề dễ dàng.

Phía trước sẽ nhiều khó khăn

Công ty Chứng khoán SSI nhận định đồng USD mạnh sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu của các công ty dệt may Việt Nam sang thị trường Mỹ nhưng các yếu tố khác đang gây tác động đến đơn hàng như chi phí, hàng tồn… Thực tế một số đối tác đã rút ngắn thời gian đặt trước đơn hàng do lượng hàng tồn kho ở thị trường xuất khẩu ở mức cao và áp lực lạm phát.

Ví dụ, trước đây khách hàng thường đặt hàng trước sáu tháng thì nay chỉ đặt hàng trước ba tháng. Do đó, tăng trưởng doanh thu của các công ty sản xuất dệt may tại Việt Nam sẽ giảm tốc trong sáu tháng cuối năm 2022 và năm 2023.

Không chỉ vậy, chi phí sợi, vải, logistics và nhân công vẫn neo ở mức cao sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ chuỗi cung ứng hàng dệt may, từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ. Điều này sẽ khiến biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất trong nước bị thu hẹp.

Cùng góc nhìn, ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, cho rằng nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ đang đè nặng lên nhu cầu đối với các sản phẩm “made in Vietnam” như tivi, đồ nội thất và điện thoại thông minh. Theo khảo sát mới nhất của ĐH Michigan, nhu cầu mua hàng tiêu dùng giá trị lớn của người Mỹ đang giảm thấp nhất trong vòng 70 năm qua. Lạm phát tăng cao đang ảnh hưởng lớn tới những người có thu nhập trung bình và thấp, buộc họ phải thắt chặt chi tiêu.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, cho biết về lâu dài, việc đồng nội tệ yếu kéo lạm phát lên cao tại EU, hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Sức mua yếu làm người tiêu dùng EU có thể hạn chế chi tiêu, nhất là với các mặt hàng không thiết yếu. Điều này có thể làm giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường, trong đó có Việt Nam.

Những khó khăn, thách thức này đã được Chính phủ, Bộ Công Thương nhận định từ đầu năm khi đánh giá về cơ hội và thách thức đối với xuất nhập khẩu của Việt Nam. Do đó, để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt là thúc đẩy tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do vốn đang được giảm thuế theo lộ trình cam kết.

Đồng USD mạnh gây áp lực lên tỉ giá hối đoái của Việt Nam. Ảnh: PM

Giá hàng hóa nhập khẩu có thể bị đẩy lên

TS Chu Thanh Tuấn, ĐH RMIT Việt Nam, cho biết tỉ giá USD/VND có dấu hiệu tăng nhanh từ cuối tháng 6 cho đến gần đây đang gây ra lo ngại sẽ có những tác động tiêu cực lên lãi suất, khi hai biến số kinh tế vĩ mô quan trọng này thường ảnh hưởng lẫn nhau.

Trước những diễn biến bất lợi từ bên ngoài, trong sáu tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước áp dụng chính sách điều hành linh hoạt thông qua tỉ giá trung tâm. Gần đây, cơ quan này đã chủ động bán ra một lượng USD khá lớn để bình ổn nhu cầu thị trường, giữ ổn định tỉ giá và hút bớt lượng tiền đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng thương mại… Tuy nhiên, tỉ giá tăng sẽ kéo chi phí giá nhập khẩu tăng, tạo ra những áp lực lạm phát, nhất là cộng thêm việc giá xăng dầu liên tiếp tăng mạnh và neo ở mức cao.

“Khi phải đối mặt với rủi ro và thiệt hại từ tỉ giá, những doanh nghiệp vay ngoại tệ lớn có thể tìm cách chuyển bớt thiệt hại sang người tiêu dùng bằng cách tăng giá sản phẩm, dịch vụ, do đó cũng có thể kéo giá hàng hóa lên” - ông Tuấn phân tích.