Liên tiếp các vụ mạo danh công an để lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản
Liên quan đến việc mạo danh công an để lừa đảo, ngày 1-11 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra – CATP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can; lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Ngô Thị Chinh (SN 1974, ở xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 BLHS 2015.
Kết quả điều tra đến nay xác định, từ tháng 4-2018 đến nay, Ngô Thị Chinh đã mạo danh là cán bộ công tác trong ngành công an để lừa đảo và chiếm đoạt hàng tỷ đồng của nhiều bị hại thông qua việc hứa hẹn xin việc làm và đổi tiền Việt Nam đồng mới, ngoại tệ. Vụ việc đang tiếp tục được xác minh, làm rõ.
Trước đó, Cơ quan CSĐT- CAQ Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Mai Thị Lan (sinh năm 1977, trú tại phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội) để điều tra, làm rõ về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Đây cũng là đối tượng chính trong một đường dây chuyên giả danh công an và mạo nhận là có mối quan hệ với các lãnh đạo cấp cao để xây dựng lòng tin và thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại trên toàn quốc.
Mai Thị Lan giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng
Tại cơ quan công an, Lan đã khai báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của mình. Lan đặt làm giả 3 quyển số tiết kiệm trên mạng internet trên đó ghi số tiền hàng trăm tỷ đồng. Lan cũng thường xuyên chia sẻ hình ảnh, thông tin liên quan đến việc mình là đại tá Công an, còn chồng là nhà báo để tạo niềm tin ở các bị hại.
Đến 28-10-2021, cơ quan công an đã xác định Mai Thị Lan lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền gần 20 tỷ đồng.
Manh động hơn, tại TPHCM, các đây không lâu 2 đối tượng trong trang phục cảnh sát đến đọc lệnh bắt, khám xét một gia đình nhằm chiếm đoạt 200 triệu đồng.
“Hành vi mạo danh công an để lừa đảo không chỉ xâm hại tài sản của người dân, gây hoang mang trong dư luận, mà còn còn bôi nhọ hình ảnh, uy tín, danh dự của lực lượng CAND” – Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định.
Cũng theo Luật sư Hồng Vân, đối tượng giả mạo công an, chủ yếu để thực hiện hành vi lừa đảo (lừa tiền, lừa tình, lừa chạy việc, cướp, cưỡng đoạt tài sản…). Chúng đánh trúng tâm lý lo sợ khi bị kiểm tra, khi phải đối diện với lực lượng chức năng, ngại liên quan đến pháp luật và sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân.
Trong khi đó, lực lượng công an có sức mạnh đại diện cho pháp luật, được trang bị đầy đủ về phương tiện, biện pháp… chứa đựng sức mạnh và khả năng trấn áp mọi hành vi chống đối.
Làm thế nào để nhận diện kẻ giả danh?
Để tránh rơi vào bẫy của những kẻ giả danh công an, theo Luật sư Hồng Vân, người dân cần nắm được quy trình công tác của ngành công an đã được pháp luật quy định.
Theo đó lực lượng công an khi thi hành lệnh bắt hoặc khám xét chỗ ở công dân thì phải có công an sở tại đi cùng, sự chứng kiến của đại diện tổ dân phố, chính quyền địa phương và đại diện VKSND…Khi nghi ngờ hoặc phát hiện hành vi mạo danh công an cần ngay lập tức trình báo công an nơi gần nhất.
Bên cạnh đó, khi phát hiện những biểu hiện nghi vấn của kẻ giả danh công an như trang phục CAND thiếu biển tên, cách nói không thể hiện là người hiểu biết pháp luật, cần yêu cầu cán bộ đó cho xem giấy chứng minh CAND (thẻ ngành), các giấy tờ liên quan (lệnh bắt, khám xét...).
Người dân cũng cần hỏi rõ về đơn vị công tác, xin số máy lãnh đạo và xác minh nhanh (tra số trên đường dây nóng, cổng thông tin các đơn vị công an niêm yết trên mạng). Có thể hỏi tên một số người tại đơn vị mà đối tượng nói làm việc ở đó.
Quan trọng nhất là mỗi cá nhân cần nghiêm chỉnh chấp hành quy định và yêu cầu của lực lượng thực thi nhiệm vụ, tự nâng cao hiểu biết về pháp luật, các quy định, quy trình công tác của ngành công an, bình tĩnh xử lý tình huống khi phải đối diện với những người mặc trang phục CAND - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.