Nguy cơ suy giảm nghiêm trọng
Việt Nam có tính đa dạng sinh học cao, gần 12.000 loài thực vật có mạch, 330 loài thứ, 918 loài và phân loài chim, 517 loài bò sát, gần 3.000 loài cá. Chỉ riêng vùng Tây Nguyên - Nam Trung Bộ có tới 36 khu vực đa dạng sinh học trọng yếu, hơn 3,76 triệu ha rừng tự nhiên, nhiều trung tâm đặc hữu thực vật, chim, bò sát, ếch nhái với nhiều loài đặc hữu. Ước tính sơ bộ hơn 5.000 loài thực vật. Có ít nhất 142 loài thú, 448 loài chim, hơn 120 loài bò sát và 84 loài lưỡng cư.
Tuy nhiên, với các áp lực đe dọa chính, như mất rừng và suy thoái sinh cảnh sống, suy giảm quần thể, ô nhiễm môi trường, bệnh dịch, biến đổi khí hậu, loài ngoại lai, săn bắn, bẫy bắt... trong đó đặc biệt có việc sử dụng tài nguyên không hợp lý, đã đe dọa đến 58,5% loài thực vật và 86,1% loài động vật.
Hoạt động nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đe dọa đến 52% số loài thực vật và 39,3% loài động vật. Phát triển khu dân cư và cơ sở hạ tầng đã đe dọa đến 49,3% loài động vật. Số loài bị đe dọa cấp độ toàn cầu phân bố ở Việt Nam theo sách Đỏ IUCN (năm 2021) là 891 loài động vật và 367 loài thực vật.
PGS.TS Võ Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng trường đại học Sư phạm Đà Nẵng nhận định, hưởng ứng thông điệp toàn cầu "Thập niên 2021-2030 là thập niên Liên Hợp Quốc về phục hồi hệ sinh thái", Việt Nam cùng với các tổ chức chuyên môn lẫn các doanh nghiệp đã hợp tác với các hành động cụ thể trong nỗ lực bảo tồn các loài nguy cấp, phục hồi rừng, đại dương, cũng như cam kết phát thải zero...
Tuy nhiên, những cam kết, những nỗ lực của các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan vẫn chưa đủ mạnh để ngăn cản tác động của biến đổi khí hậu nói chung, cũng như áp lực kinh tế với tư duy khai thác tài nguyên để làm giàu nhanh; các dự án lấp sông, lấn biển khai thác quỹ đất bừa bãi; khai thác rừng tự nhiên "núp" dưới nhiều tên gọi dự án khác nhau; phát triển rừng sản xuất đơn loài ào ạt; phát triển công nghiệp và xả thải chất ô nhiễm ra môi trường...
Nỗ lực hoàn thiện chính sách pháp luật
Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học cao và xếp vị trí thứ 16 trên thế giới. Đa dạng sinh học của Việt Nam thể hiện ở đa dạng các hệ sinh thái tự nhiên, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu.
Trong những năm qua, Việt Nam đã đưa vào các văn bản Luật những quy định yêu cầu các dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao và một số dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường phải thực hiện đánh đánh giá tác động đa dạng sinh học. Nội dung phải này đã được quy định chi tiết tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022.
Bên cạnh đó, Luật BVMT 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 cũng quy định rõ nội dung của báo cáo ĐTM phải nhận định, đánh giá hệ thực, động vật, xem xét đến mối quan hệ giữa sinh vật với hệ sinh thái. Đánh giá mức độ tác động đa dạng sinh học đến khu vực, đến hệ sinh thái, đến hiện trạng sử dụng và sự can thiệp về sự bảo tồn đa dạng sinh học. Đặc biệt, báo cáo ĐTM phải đánh giá, nhận dạng các sự cố môi trường có thể xảy ra; đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch BVMT quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy định của pháp luật về BVMT và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Được biết, công tác xây dựng Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia là nội dung được các chuyên gia, nhà khoa học quan tâm. Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia nhằm định hướng việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học trong thời kỳ quy hoạch; bảo đảm các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm được bảo tồn và phát triển bền vững; tăng cường hợp tác hiệu quả giữa các ngành trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo đó, đến năm 2050, bảo đảm các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, bảo tồn và phát triển bền vững các loài và nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm; duy trì và phát triển dịch vụ hệ sinh thái chủ động thích ứng với BĐKH nhằm thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.
Theo PGS.TS Lê Xuân Cảnh, trong thời gian tới, Việt Nam cần ban hành hướng dẫn kỹ thuật chi tiết cho đánh giá tác động đa dạng sinh học trong ĐTM để các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn tổ chức xây dựng báo cáo ĐTM và các cơ quan có thẩm quyền thẩm định có cơ sở triển khai thực hiện. Ban hành bộ chỉ số đa dạng sinh học quốc gia làm cơ sở để thu thập số liệu, đánh giá hiện trạng và đánh giá tác động thông qua so sánh mức độ thay đổi đa dạng sinh học so với hiện trạng trước khi thực hiện Dự án.
Bên cạnh đó, quy định cụ thể về nội dung tham vấn cộng đồng về đa dạng sinh học trong các báo cáo ĐTM và cách thức thực hiện thu thập thông tin, kiến thức bản địa về đa dạng sinh học. Hướng dẫn kỹ thuật riêng trong công tác giám sát đa dạng sinh học. Mở nhiều lớp tập huấn liên quan đến đánh giá tác động đa dạng sinh học, hướng dẫn cách thức tiếp cận và các bước lồng ghép đánh giá tác động đa dạng sinh học trong ĐTM, các biện pháp giảm thiểu tác động và quản lý đa dạng sinh học, nội dung thẩm định đánh giá tác động đa dạng sinh học lồng ghép trong ĐTM.
Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học phải được xây dựng phù hợp với các loại quy hoạch trong quy hoạch tổng thể quốc gia và cần có sự thống nhất, liên thông về quy hoạch giữa các bộ, ngành và các địa phương; trong đó, cần có sự giải thích rõ hơn về thuật ngữ. Đồng thời những thuật ngữ này phải có sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật, vấn đề tổ chức, cơ chế quản lý trong lĩnh vực này tại cơ sở.
Theo dự kiến, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia sẽ quy hoạch 258 khu bảo tồn, 100 cơ sở bảo tồn, 8 hành lang đa dạng sinh học, 32 khu vực đa dạng sinh học cao, 28 cảnh quan sinh thái quan trọng, 40 vùng đất ngập nước quan trọng. Quy hoạch sẽ tập trung vào các giải pháp: tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; cơ chế, chính sách; khoa học và công nghệ; tài chính, đầu tư; đào tạo, tăng cường năng lực; hợp tác quốc tế; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.