Để đồng vốn nhà nước được mua sắm hiệu quả

Chiều nay (20/9/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến họp và cho ý kiến về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Sau gần 10 năm Luật Đấu thầu năm 2013 có hiệu lực thi hành, việc sửa đổi lần này nhằm mục đích tiếp tục tạo dựng khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước một cách hiệu quả và minh bạch.

anh-chi-mang-tinh-minh-hoa-1663730259.pngẢnh: minh họa

Bên cạnh những đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, Luật Đấu thầu năm 2013 cũng bộc lộ một số hạn chế, tồn tại, yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi, bổ sung. Một trong những nội dung cần sửa đổi là quy định về hoạt động mua sắm của doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), năm 2020, khi Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được ban hành, khái niệm DNNN được bổ sung rộng hơn so với quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014. Sự thay đổi về khái niệm DNNN dẫn đến thực tế phát sinh một số khó khăn khi xác định phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu đối với một số lĩnh vực cụ thể.

Cụ thể, Luật Doanh nghiệp 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015) nêu: DNNN là DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp 2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) dành Điều 88 quy định: DNNN là DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Như vậy, Luật Doanh nghiệp 2020 đã mở rộng khái niệm DNNN, theo đó, số lượng DNNN chịu sự điều chỉnh theo quy định của pháp luật về đấu thầu cũng rộng hơn.

Tại Luật Đấu thầu 2013, liên quan đến hoạt động mua sắm của DNNN, điểm b Khoản 1 Điều 1 về phạm vi điều chỉnh của Luật nêu rõ áp dụng đối với các dự án đầu tư phát triển của DNNN. Bên cạnh đó, điểm c Điều 1 của Luật Đấu thầu quy định, dự án đầu tư phát triển có sử dụng vốn nhà nước, vốn của DNNN từ 30% trở lên hoặc dưới 30%, nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật.

Nhằm bảo đảm tính thống nhất, đầy đủ của hệ thống pháp luật hiện hành cũng như tạo thuận lợi cho các chủ thể trong quá trình thực hiện các luật, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đề xuất tiếp tục áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của DNNN thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020. Theo đó, Luật Đấu thầu áp dụng đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của các DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và các DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Cũng liên quan đến hoạt động mua sắm công, ghi nhận từ thực tế cho thấy, một số ý kiến đề xuất rằng, trong một số trường hợp, pháp luật nên tạo môi trường mua sắm chủ động hơn cho DNNN, tương tự như với khối DN tư nhân. Khối DN tư nhân muốn đầu tư hay mua sắm, họ có thể thực hiện được ngay, không phải đấu thầu. Trong khi đó, việc mua sắm cho các dự án đầu tư kinh doanh của DNNN có khi phải mất cả năm mới thực hiện được.

Tuy nhiên, sự khác biệt là ở chỗ, với khu vực tư nhân, đồng vốn thuộc các cá nhân đóng góp để hoạt động kinh doanh với nguyên tắc “lời ăn, lỗ chịu”. Còn với khối DNNN, đồng vốn dùng để mua sắm không thuộc sở hữu của người đứng đầu doanh nghiệp, mà người đứng đầu chỉ là người đại diện tài sản nhà nước, thực hiện việc mua sắm theo mục tiêu trong từng thời kỳ. Theo đó, việc hoàn thiện nền tảng pháp lý và các cơ chế đánh giá, giám sát đồng vốn nhà nước trong mua sắm công là rất quan trọng, để thúc đẩy tính minh bạch, hiệu quả trong sử dụng vốn.

Trong lần sửa Luật Đấu thầu này, Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật cho biết, để tạo sự linh hoạt, chủ động, tự quyết và tự chịu trách nhiệm cao hơn cho người đứng đầu DNNN, nâng cao tính chủ động của DNNN nhưng vẫn bảo đảm sự chặt chẽ trong giám sát mua sắm hiệu quả, Dự thảo Luật có một số điểm mới và cụ thể hơn so với quy định hiện hành.

Cụ thể, đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống và DN có cổ phần, vốn góp của DNNN thì người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của DNNN tại DN quyết định việc tổ chức lựa chọn nhà thầu trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc, hiệu quả quản lý vốn nhà nước tại DN theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN, mà không phải áp dụng Luật Đấu thầu (khoản 7 Điều 3 Dự thảo Luật).

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) bãi bỏ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu năm 2013 để không áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu thuộc dự án đầu tư phát triển của DN không phải là DNNN, nhưng có sử dụng vốn nhà nước, vốn của DNNN.

Ngoài ra, Dự thảo Luật (khoản 53 Điều 4) đã sửa đổi khái niệm “vốn nhà nước” để bảo đảm đồng bộ với quy định tương ứng của Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN; đồng thời bỏ quy định “vốn đầu tư phát triển của DNNN” ra khỏi phạm vi “vốn nhà nước” cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu đối với DNNN.