Để F0, F1 đi làm cần điều kiện gì?

12/03/2022 08:00

Để F0, F1 ít biểu hiện được đi làm với giám sát chặt và thực hiện đầy đủ 5K tại từng tổ sản xuất sẽ giải quyết được tình trạng đứt gãy lao động hiện nay.

Ngày 5-3, Bộ Y tế có đề xuất với Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 về việc cho trường hợp F0, F1 đang trong thời gian cách ly đi làm.

Theo đó, người nhiễm virus SARS-CoV-2 (F0) không có triệu chứng đang trong thời gian cách ly (bảy ngày kể từ ngày xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và chưa có kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 âm tính) tự nguyện tham gia làm việc.

Hiện vẫn chưa có thay đổi gì nhưng một số địa phương đã rục rịch áp dụng chính sách do bức bách về nguồn lao động.

Long An tiên phong cho F0, F1 đi làm

Mới đây, UBND tỉnh Long An đã ban hành văn bản quy định tạm thời các trường hợp F0, F1 đang trong thời gian cách ly được tham gia làm việc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Trao đổi với PV, ông Huỳnh Minh Phúc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An, cho biết chủ trương trên của tỉnh Long An dựa trên tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, đặc biệt là báo cáo và đề xuất “Công tác triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19” của Bộ Y tế ngày 5-3.

Cho F0, F1 ít biểu hiện đi làm là giải pháp để giải quyết tình trạng đứt gãy lao động tại các nhà máy. Ảnh minh họa: PHONG ĐIỀN

Cũng theo ông Phúc, trước đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có bày tỏ khó khăn thiếu nguồn lao động khi có nhiều trường hợp F0, F1 phải cách ly, điều trị, không giải quyết được công việc quan trọng.

“Dựa trên nhu cầu bức thiết đó, Sở Y tế tỉnh Long An đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định tạm thời thực hiện chủ trương cho F0, F1 đi làm trực tiếp nhằm tháo gỡ cho nhu cầu bức thiết trong thiếu hụt nguồn lao động, nguồn cán bộ, nhân sự đang giữ nhiệm vụ quan trọng để thực hiện công việc cấp bách. Tuy nhiên, với người là F0, F1 tham gia lao động tự nguyện phải thường xuyên theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện bất thường, người bệnh phải báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để theo dõi và xử lý kịp thời” - ông Phúc nói.

Với chủ trương trên của tỉnh Long An, ông Phạm Ngọc Huynh, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Giày Chinglul Bến Lức (huyện Bến Lức), cho biết công ty có trên 21.000 lao động, đang rà soát, thống kê số lượng F0, F1. Công ty cũng đang cân nhắc khi F0, F1 vào làm việc liệu có ảnh hưởng đếm tâm lý của người lao động hiện tại. “Do đó, hiện tại công ty chưa thể áp dụng ngay mà phải xem xét cụ thể, sớm nhất cũng phải tuần sau mới ra quyết định” - ông Huynh cho biết.

Cũng theo ông Huynh, khi áp dụng chủ trương trên, công ty sẽ bố trí những trường hợp F0, F1 làm việc ở mỗi khu vực riêng, có khu nhà ăn, nơi để xe riêng biệt… và luôn đảm bảo tuân thủ 5K.

Tại Công ty TNHH JIA HSIN, Khu công nghiệp (KCN) Cầu Tràm, huyện Cần Đước có hơn 5.000 công nhân, việc rà soát định kỳ về COVID-19 vẫn tiếp tục thực hiện chặt chẽ. Lượng công nhân, người lao động và chuyên gia tham gia điều phối vẫn thực hiện kiểm tra định kỳ để đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH JIA HSIN, KCN Cầu Tràm, cho biết công ty có 5.000 công nhân, dù thời điểm này không có nhiều F0 nhưng cũng đắn đo vì cho F0 đi làm, cái khó nhất của doanh nghiệp là tâm lý chung của những người còn lại. “Đồng ý là bố trí làm riêng, ăn riêng, khu vệ sinh riêng nhưng chắc chắc tâm lý người khỏe mạnh vẫn cảm thấy e dè” - bà Kim Anh nói.

“Đây là sự đột phá để công nhân lao động là F0 có thể tiếp tục làm việc, có thu nhập ổn định để lo cho gia đình. Ở góc độ này, tôi hết sức ủng hộ. Bởi tình hình hiện nay cũng bớt nguy hiểm và đã ổn định. Khi Nhà nước cho phép thì doanh nghiệp cũng tiếp nhận và xử lý từng tình huống sao cho phù hợp” - ông Trần Văn Ngọc, Chủ tịch HĐQT KCN Phú An Thạnh (huyện Bến Lức, Long An), nêu ý kiến.

Người lao động đang làm việc tại Long An. ảnh: NP

F0, F1 đi làm để không đứt gãy lao động

Là công ty sử dụng nhiều lao động nhất tại TP.HCM với khoảng 56.000 công nhân, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam đang thiếu hàng ngàn lao động để đảm bảo lực lượng phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, số ca F0 phát sinh trong nhà máy thời gian gần đây khiến công ty càng hụt lao động để xoay xở sản xuất.

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn công ty này, chia sẻ hiện đơn hàng của công ty rất ổn định nên công ty cần tuyển 3.000 công nhân để đảm bảo lực lượng lao động tại các chuyền sản xuất, tuy nhiên giai đoạn hiện tại rất khó để tuyển đủ đội ngũ.

Theo đó, để đảm bảo đơn hàng kịp giao cho đối tác trong tình thế thiếu lao động, công ty đã thực hiện giải pháp trước mắt là kéo dài thời gian tăng ca thêm 1 tiếng. “Trước mắt, anh chị em công nhân F0 vẫn chưa đi làm để chờ hướng dẫn mới” - ông Nghiệp cho biết.

Về tình hình phục hồi sản xuất và đội ngũ lao động tại các khu chế xuất (KCX) - KCN và khu công nghệ cao, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp KCN TP.HCM Nguyễn Văn Bé đánh giá: Qua hai tháng sản xuất đầu năm, TP.HCM và các tỉnh, thành cả nước có sự tăng trưởng vượt bậc so với năm 2021. Đáng chú ý, phần lớn nhà máy/doanh nghiệp đều có đơn hàng từ sáu tháng đến một năm. Đặc biệt, 1.500 nhà máy tại các KCX-KCN tại TP.HCM, trong đó có 500 doanh nghiệp FDI đều có đơn hàng nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Tuy nhiên, do dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, tình trạng F0 ít biểu hiện xuất hiện nhiều kéo theo hàng loạt F1 tại các nhà máy phải nghỉ, khiến lực lượng lao động bị thiếu hụt, khó đảm bảo sản xuất. Các nhà máy/doanh nghiệp thiếu 50.000-70.000 lao động trong năm 2022, riêng 18 KCX-KCN và khu công nghệ cao thiếu khoảng 30.000 lao động.

Để F0, F1 ít biểu hiện được đi làm với giám sát chặt và thực hiện đầy đủ 5K tại từng tổ sản xuất sẽ giải quyết được tình trạng đứt gãy lao động giai đoạn hiện nay là giải pháp cần thiết. “Dù vậy, người lao động không nên chủ quan, đồng thời các nhà máy cần bố trí khu vực làm việc đảm bảo khoảng cách, tăng cường giám sát, theo dõi hằng ngày để hạn chế lây lan dịch bệnh, giữ vững đội ngũ lao động là vốn quý lúc này” - ông Bé chia sẻ.

Năm lưu ý để F0, F1 có thể đi làm

F0 hiện có thể phân thành hai loại: Thứ nhất, những người không có triệu chứng nên được xếp là người nhiễm virus, không phải người bệnh. Họ hoàn toàn có đủ sức khỏe, sức lao động và tỉnh táo thực hiện nhiệm vụ. Thứ hai, những người xét nghiệm dương tính và có triệu chứng lâm sàng gọi là người bệnh. Nếu có triệu chứng bệnh, F0 nên được cho ở nhà theo dõi sức khỏe và xem xét cho F0 không có triệu chứng làm việc trực tiếp trong điều kiện bất khả kháng không thể bố trí nhân sự của các đơn vị.

TS-BS Lê Quốc Hùng.

Để cho F0 và F1 đi làm, theo tôi, trước hết bản thân F0 và F1 phải có tinh thần tự nguyện. Người bệnh phải cảm thấy có đủ sức khỏe đảm bảo công việc. Cơ quan, tổ chức nên bố trí cho F0, F1 các công việc nhẹ nhàng, tránh lao động đòi hỏi sự tập trung, dễ gây tai nạn lao động như lái xe, lái tàu, vận hành máy móc. Bên cạnh đó, cơ quan, tổ chức nên bố trí cho F0, F1 các công việc tránh tiếp xúc với khách hàng, người dân, nếu có điều kiện nên bố trí cho làm online hoặc khu vực cách ly với những nơi khác. Phòng làm việc có F0, F1 phải mở cửa thông thoáng, tất cả phải đeo khẩu trang 100% trong lúc làm việc, liên tục rửa tay khử khuẩn sau khi tiếp xúc.

Đơn vị, tổ chức phải thông báo chủ trương cho F0, F1 đi làm để các nhân viên khác hiểu rõ và phối hợp cùng có ý thức giữ khoảng cách, phòng lây lan dịch bệnh. Bản thân các nhân viên cũng sẽ là những người kiểm tra, giám sát, phản ánh kịp thời những trường hợp nguy cơ lây nhiễm cao để ngăn chặn.

Đối với F0 và F1, phải có ý thức và tuân thủ nghiêm túc 5K khi đến chỗ làm và thực hiện “một cung đường - hai điểm đến” từ nhà đến chỗ làm và ngược lại; không được la cà, lang thang, tiếp xúc với những người khác trên đường.

Để xác định người nhiễm COVID-19 và kịp thời quản lý, các cơ quan, đơn vị cần xác định đúng đối tượng F1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế để tránh xét nghiệm quá nhiều gây tốn kém, lãng phí.

Thời hạn xét nghiệm có thể biến thiên tùy theo thực tế chủng virus hoành hành ở địa phương. TP.HCM được cho là trên 80% người bệnh nhiễm biến chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn chủng virus cũ, do đó thay vì xét nghiệm sau 5-7 ngày thì có thể thực hiện xét nghiệm cho F1 sau khoảng ba ngày.

Hiện tại, ở Việt Nam đang có 3-4 chủng virus lưu hành, do đó người dân đã mắc bệnh không nên chủ quan vì có thể nhiễm chủng virus khác và nếu tình trạng sức khỏe ở lần nhiễm trước chưa phục hồi hoặc gặp các di chứng hậu COVID-19, bệnh nhân có thể bị bệnh nặng hơn ở lần nhiễm sau.

TS-BS LÊ QUỐC HÙNG,Trưởng Khoa bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy (TP.HCM)

Bạn đang đọc bài viết "Để F0, F1 đi làm cần điều kiện gì?" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#