Khoản vay 500 tỷ đồng trái phiếu và khối nợ của Trường Quốc tế Mỹ - AISVN

Sử dụng đòn bẩy ở mức cao với nợ vay lên đến 2.000 tỷ đồng, gấp 2-3 lần vốn chủ sở hữu, vì thế Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS đều phải chi trả hàng chục tỷ đồng lãi vay mỗi năm qua, là nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh trở nên sa sút.

Khoản vay 500 tỷ trái phiếu 'tiết lộ' khối nợ của Trường Quốc tế Mỹ - AISVN

Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS vừa phát hành thành công lô trái phiếu có mã AIECH2223001, giá trị 250 tỷ đồng, kỳ hạn 18 tháng. Ngày phát hành 26/1/2022, ngày đáo hạn 26/7/2023.

Trước đó, doanh nghiệp cũng huy động 250 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 12 tháng, được phát hành trong ngày 11/10/2021, tương ứng ngày đáo hạn 11/10/2022. Tuy nhiên, các chi tiết về về lãi suất, tài sản đảm bảo, trái chủ, bên thu xếp phát hành... đều không được công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS là một trong số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Út Em (1963), người sáng lập và điều hành chuỗi giáo dục quốc tế Mỹ tại TP.HCM, tiêu biểu là Trường Quốc tế Mỹ - AISVN, tọa lạc ở huyện Nhà Bè.

Đây là ngôi trường có mức học phí đắt đỏ bậc nhất cả nước, với học phí từ lớp tiểu học đến trung học phổ thông nằm trong khoảng 512 triệu đồng đến 724 triệu đồng. Để con em mình tham gia vào bậc dự bị tiểu học của trường, các phụ huynh cũng cần chi ra hơn 470 triệu đồng mỗi năm (2021-2022).

Tuy nhiên, với khuôn viên trường lên tới 6,5ha, sở hữu cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, cùng nhiều phòng chức năng (mỹ thuật, công nghệ thông tin, phòng thí nghiệm, khu thể thao đa năng trong nhà, thư viện...), mức chi phí của trường AISVN được cho là hấp dẫn đối với các gia đình có điều kiện, mong muốn thế hệ sau được sinh hoạt, học tập trong môi trường đào tạo bài bản theo chương trình học của nước ngoài.

AISVN cũng là một trong số các trường quốc tế tại Việt Nam dạy chương trình tú tài quốc tế IB toàn phần từ 3 tuổi tới hết lớp 12. Đây là chương trình tốp đầu thế giới được các trường quốc tế ưa chuộng bởi mục tiêu hướng tới việc đào tạo học sinh phát triển một cách toàn diện, và là chương trình dự bị đại học có chất lượng cao.

Khối nợ vay của Công ty AIS

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động đến toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội suốt thời gian dài, ngành giáo dục cũng không tránh khỏi lao đao khi học sinh không thể đến trường, việc giảng dạy, học tập online chỉ là phương pháp tạm thời, chưa thể giải quyết những vướng mắc cả từ phía phụ huynh đến nhà trường.

Vì thế, động thái vay trái phiếu của Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS (Công ty AIS) cũng hoàn toàn dễ hiểu, nhiều khả năng là để bù đắp dòng tiền thiếu hụt trong thời dịch, đồng thời bổ sung vốn phục vụ hoạt động kinh doanh.

Được biết, Công ty AIS thành lập ngày 15/10/2018, vốn điều lệ 50 tỷ đồng, trụ sở tại số 220 Nguyễn Văn Tạo, xã Long Thới, huyện Nhà Bè (địa chỉ của AISVN). Các cổ đông sáng lập bao gồm bà Nguyễn Thị Út Em, ông Hồ Quang Tri (1969) và ông Hồ Quang Trung (1961). Trong đó bà Út Em sở hữu 90% vốn, và đảm nhiệm vai trò chủ tịch hội đồng quản trị.

Bà Nguyễn Thị Út Em và ông Barry Sutherland, Tổng hiệu trưởng AISVN

15 ngày sau đó, Công ty AIS tăng vốn gấp 20 lần, vọt lên 1.000 tỷ đồng và duy trì đến thời điểm hiện tại.

Theo số liệu mà VietnamFinance nắm được, dù chỉ hoạt động chưa đầy một quý cuối năm 2018, song Công ty AIS đã ghi nhận 108,2 tỷ đồng doanh thu thuần, tương đối cao so với quy mô vốn doanh nghiệp. Dẫu vậy, khoản chi phí lãi vay lên đến 66,3 tỷ đồng đã làm lu mờ biên lợi nhuận gộp 53,2% trong năm, khiến doanh nghiệp lỗ sau thuế 24,5 tỷ đồng.

Năm 2019, doanh thu thuần tăng mạnh lên 439,5 tỷ đồng, thế nhưng lợi nhuận cuối năm vẫn khá hạn chế với 19,7 tỷ đồng, do gánh nặng chi phí vận hành, lãi vay. Đáng nói hết năm "Covid thứ nhất", doanh thu thuần vẫn tăng trưởng gần 10% cùng kỳ, tuy nhiên Công ty AIS lỗ ròng tới 334 tỷ đồng, cho thấy doanh nghiệp gặp khó khăn lớn trong hoạt động kinh doanh, hoặc chỉ là số liệu trên báo cáo.

Bảng cân đối kế toán thể hiện, tổng tài sản cuối năm 2018 của Công ty AIS là 3.987 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 1.468 tỷ đồng, nợ phải trả chiếm 2.519 tỷ đồng, trong đó nợ vay dài hạn 2.079 tỷ đồng. Doanh nghiệp tiếp tục sử dụng đòn bẩy ở mức cao tại những năm kế tiếp, thời điểm 31/12/2020, nợ phải trả đã lên 3.056 tỷ đồng, nợ vay dài hạn 2.189 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu giảm còn 965,6 tỷ đồng do ghi nhận khoản lỗ kỷ lục kể trên.

Dòng tiền kinh doanh các năm 2018-2020 cũng liên tục âm, với 24,2 tỷ đồng, 94 tỷ đồng và 16,6 tỷ đồng. Trong khi dòng tiền đầu tư biến động không đáng kể, để bù đắp hao hụt cho tổng dòng tiền, Công ty AIS phải dịch chuyển sang dòng tiền tài chính, với giá trị lần lượt là 34,1 tỷ đồng, 86,4 tỷ đồng, 15,4 tỷ đồng.

Cùng với tỷ số nợ vay/vốn chủ sở hữu bình quân là 2,7 lần trong các năm 2018-2020, phần nào hiểu được nguyên do Công ty AIS thường xuyên phải bỏ ra một khoản tiền lớn để chi trả lãi vay hàng năm. Theo một quan sát của VietnamFinance, sang năm 2021, nhà lãnh đạo của Công ty AIS đã mang 40 triệu cổ phần doanh nghiệp để làm tài sản bảo đảm cho hợp đồng vay 01/2021/HĐBĐ/NHCT908-AIS tại Vietinbank - Chi nhánh 4 TP.HCM. Giá trị tài sản bảo đảm xác định theo mệnh giá là 400 tỷ đồng.

Theo thống kê của VietnamFinance, bà Út Em cũng đứng tên và sở hữu cổ phần chi phối tại một số pháp nhân khác, chẳng hạn Công ty Cổ phần Đầu tư Giáo dục Quốc tế Mỹ, Công ty Cổ phần Tập đoàn Quốc tế Mỹ, Công ty Cổ phần Đầu tư Đại học Quốc tế Mỹ, Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Quốc tế, Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ đầu tư 247 và Công ty Cổ phần Quản trị Tài nguyên Tri Thức.

Đáng chú ý trong đó, Công ty Cổ phần Quản trị Tài nguyên Tri Thức đang ghi nhận âm vốn chủ sở hữu gần 520 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả là 870 tỷ đồng, tính đến cuối 2020. Đây là hệ quả tất yếu của tình trạng nhiều năm thua lỗ, có năm mức lỗ lên đến 218,1 tỷ đồng (năm 2016).

Công ty Cổ phần Quản trị Tài nguyên Tri Thức có địa chỉ tại Lô 14, Công viên phần mềm Quang Trung, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP.HCM - địa chỉ của Trường Kỹ thuật Tin học Sài Gòn (SaigonTech). Không chỉ là chủ đầu tư SaigonTech, doanh nghiệp này cũng là chủ đầu tư của AISVN và là đơn vị quản lý trường, trước khi Công ty AIS được thành lập.