Để không còn tình trạng treo biển 'hết xăng'

Bộ Công Thương cần có chiến lược xây dựng thị trường xăng dầu thực thụ, cạnh tranh công bằng, bình đẳng và minh bạch.

Rất ít khi thị trường xăng dầu trong nước lại có nhiều biến động như năm nay. Chỉ trong tám tháng đầu năm, tình trạng nhiều cây xăng trên cả nước thông báo hết xăng hoặc bán cầm chừng với lý do thiếu nguồn cung đã xảy ra ít nhất hai lần.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều cuộc họp, thành lập nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh và làm lành mạnh thị trường xăng dầu. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định nguồn cung xăng dầu đáp ứng đủ, nói thiếu xăng dầu là hết sức phi lý. Thế nhưng thực tế, tình trạng treo biển hết xăng vẫn xảy ra.

Cần điều chỉnh cơ chế để thị trường xăng dầu vận hành trôi chảy. Ảnh: NGUYỆT NHI

Cần điều chỉnh cơ chế để thị trường xăng dầu vận hành trôi chảy. Ảnh: NGUYỆT NHI

 Một cửa hàng tại TP.HCM thông báo hết xăng vào tối 5-9. Ảnh: TÚ UYÊN

Một cửa hàng tại TP.HCM thông báo hết xăng vào tối 5-9. Ảnh: TÚ UYÊN

Thời gian điều hành, chi phí định mức không hợp lý

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều doanh nghiệp (DN) đánh giá cơ chế điều hành xăng dầu đang có nhiều bất cập. Nếu không kịp thời tháo gỡ những bất cập này, việc rối ren trên thị trường xăng dầu sẽ còn lặp lại.

Đơn cử dù thời gian điều chỉnh giá xăng dầu đã rút ngắn so với trước đây, từ 15 ngày xuống còn 10 ngày, song trong giai đoạn mà thị trường thế giới có nhiều biến động bất thường như thời gian gần đây thì Nghị định 95/2022 vẫn còn những bất cập, hạn chế.

Ví dụ, do thời điểm điều hành giá trùng vào lễ 2-9 vừa qua nên phải lùi lại đến ngày làm việc đầu tiên tiếp theo (ngày 5-9). Điều này đã tác động rất lớn đến thị trường xăng dầu trong nước, thậm chí đã xảy ra hiện tượng nhiều cửa hàng dừng bán hàng, nhất là kênh bán lẻ trực tiếp.

“Kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công Thương xem xét điều hành giá linh hoạt, theo đúng chu kỳ, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ, tết để không làm tăng độ trễ của thị trường trong lúc đang biến động” - Hội DN xăng dầu Cần Thơ kiến nghị.

Với giá cơ sở xăng dầu, nhiều công ty cho biết từ ngày 15-8 đến nay, họ phải mua xăng dầu với mức chiết khấu 0 đồng/lít. Thậm chí để đảm bảo có nguồn xăng dầu bán ra thị trường, nhiều thương nhân phân phối xăng dầu phải mua giá âm 1.000-3.000 đồng/lít dầu DO. Do vậy, mỗi lít xăng dầu bán lẻ nhà kinh doanh lỗ 1.000-3.000 đồng, dẫn đến tình trạng nhiều cửa hàng đóng cửa.

Về dài hạn, Nhà nước cần xây dựng và phát triển một thị trường xăng dầu thực thụ, theo đúng kinh tế thị trường.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh phân tích thêm: Chi phí logistics, chi phí vận tải từ nước ngoài về Việt Nam và các chi phí có liên quan trước đây tính bình quân khoảng 1 USD/thùng khi về Việt Nam. Nhưng 6-7 tháng nay, khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine, đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí vận tải, logistics tăng lên trên toàn cầu. Chẳng hạn hiện nay, chi phí vận chuyển từ Singapore về Việt Nam khoảng 2-3 USD cho một thùng dầu.

Điều này khiến chi phí của các công ty đầu mối nhập khẩu tăng. Nhưng về định mức, Nhà nước vẫn tính chi phí 1 USD/thùng khiến DN đầu mối chịu thiệt và phải gánh chịu phần giá cao lên.

Cạnh đó, Việt Nam đang tính tiêu chuẩn khí thải và phải đóng thuế theo mức tiêu chuẩn Euro 3, trong giá xăng dầu thông thường trước đây được trừ khoảng 1 USD/thùng. Nhưng khoảng gần một năm nay, chi phí cho khí thải trên thế giới tính theo mức tiêu chuẩn là Euro 5 với mức chi phí 7-8

USD/thùng dầu. Việc này khiến chi phí tăng lên rất nhiều, khoảng gần 1.000 đồng/lít.

“Rõ ràng nếu không tính lại cái này thì giá xăng dầu của chúng ta tính thấp hơn so với bên đầu mối hơn 1.000 đồng và các DN đầu mối phải gồng. Đang có lỗ hổng trong việc tính giá xăng dầu khiến nhà kinh doanh chịu thiệt lớn” - ông Thịnh phân tích.

Vẫn còn cây xăng đóng cửa

Ghi nhận vào chiều 5-9 tại một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP.HCM cho thấy vẫn còn tình trạng hết xăng dầu. Đơn cử một số cửa hàng xăng dầu trên các đường Phan Văn Trị, Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp) tiếp tục không bán xăng dầu cho người dân. Nhiều khách hàng ghé vào đổ xăng, nhân viên thông báo “hết xăng”.

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường TP.HCM xác nhận ngày 5-9 có bảy cửa hàng trên địa bàn TP tạm hết xăng dầu. Cơ quan này sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, nắm tình hình hoạt động của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm sẽ xử lý theo đúng quy định.

Tạo môi trường xăng dầu thực sự cạnh tranh

Nhiều ý kiến đánh giá quy định đại lý bán lẻ chỉ được nhập hàng từ một nhà phân phối, đầu mối duy nhất là không phù hợp, thậm chí triệt tiêu cạnh tranh.

Đại diện một công ty phân phối xăng dầu cho rằng quy định này có mục đích là để kiểm soát chất lượng xăng dầu nhưng đi kèm lại có quá nhiều bất cập. Cụ thể, trong giấy phép đăng ký hoạt động của cửa hàng bán lẻ phải có luôn thông tin cửa hàng bán lẻ lấy hàng từ thương nhân phân phối hay đầu mối nào.

Vì vậy, dù có thể lựa chọn đầu mối cung cấp hàng nhưng khi đã đăng ký thì trong vòng 4, 5 năm tới đầu mối đó chẳng dại gì phải bán giá tốt vì họ biết thừa cửa hàng bán lẻ sẽ không lấy ở nguồn nào khác được, vì cố tình lấy thì cửa hàng bán lẻ vi phạm quy định sẽ bị xử phạt.

“Mục đích của quy định này nhằm giám sát chất lượng xăng dầu trên thị trường. Nhưng cần lưu ý cửa hàng bán lẻ là đơn vị lo lắng nhất về chất lượng, vì đó là uy tín của cửa hàng với cư dân xung quanh. Thứ hai, các đầu mối, thương nhân phân phối khi giao hàng cho các cửa hàng bán lẻ đều có phần mẫu lưu lại, niêm phong kẹp chì. Cửa hàng bán lẻ mua của 3-4 đầu mối khác nhau thì khi giao hàng, các đầu mối đều phải lưu lại mẫu. Đến khi xảy ra sự cố thì mang các mẫu đó đi phân tích, mẫu nào sai thì đầu mối đó chịu. Còn trường hợp các mẫu đều đạt chất lượng thì kiểm tra bồn téc cây xăng mà bẩn thì cây xăng phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, không lo chuyện không truy được nguồn gốc khi xăng dầu có vấn đề” - vị lãnh đạo công ty nhấn mạnh.

Từ phân tích trên, vị lãnh đạo công ty kiến nghị cần phải bỏ quy định cửa hàng bán lẻ chỉ được lấy hàng từ một thương nhân phân phối hoặc thương nhân đầu mối. Bởi làm như vậy mới tạo ra sự cạnh tranh giữa các đầu mối, thương nhân phân phối, đảm bảo sự ổn định của nguồn cung xăng dầu.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng cần phải xây dựng được một thị trường kinh doanh xăng dầu thực thụ, cạnh tranh công bằng, bình đẳng, tự do. Điều này cũng có nghĩa Nhà nước không cần quản lý đầu vào - đầu ra, định giá, không cần quỹ bình ổn… nghĩa là giá cả theo cơ chế thị trường.

“Bộ Công Thương cần có chiến lược xây dựng một thị trường xăng dầu mang tính thị trường thực thụ, theo đúng kinh tế thị trường. Khi đó, các DN làm ăn với nhau lời ăn lỗ chịu, đàm phán mua bán theo hợp đồng. Bộ cũng cần ghi nhận, nắm bắt các phản hồi từ DN cũng như thực tiễn của thị trường để từ đó có những điều chỉnh cho phù hợp” - ông Thịnh chia sẻ.•

Lo nguồn cung sẽ căng thẳng

Ngày 6-9, Bộ Công Thương đã thông tin về việc xử phạt đối với một số DN đầu mối xăng dầu. Theo đó, ngoài hình thức xử phạt tiền đối với 18 đơn vị gồm các thương nhân đầu mối, công ty con, cơ quan chức năng còn áp dụng hình phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu đối với năm thương nhân đầu mối.

Tuy nhiên, Petimex cho biết việc Bộ Công Thương tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu sẽ khiến công ty thêm khó khăn. Lý do là hệ thống phân phối của công ty sẽ bị mất nguồn cung trên 75.000 m3/tháng, nhất là địa bàn tại Đồng Tháp, nơi công ty cung ứng chiếm 60% thị phần, sẽ làm bất ổn thị trường.

“Petimex tha thiết kính mong Thủ tướng, bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét dừng quyết định tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu với công ty nhằm giúp công ty không bị ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cũng như giữ ổn định thị trường và bảo tồn vốn của Nhà nước” - Petimex kiến nghị.

Tương tự, Saigon Petro cho biết nếu bị tước giấy phép thì hệ thống phân phối của công ty này sẽ bị mất nguồn cung trên 50.000

m3/tháng và trên 1.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối có thể sẽ phải đóng cửa.