Đê sông Hồng vừa nâng cấp tốn 300 tỷ đã nứt gãy: Trách nhiệm của Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội đến đâu?

Liên quan đến dự án nâng cấp đê hữu Hồng vừa nâng cấp tốn 300 tỷ đã bị nứt gãy là hàng loạt văn bản do ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hà Nội ký đề xuất vị trí đặt trạm bơm bất chấp cảnh báo của Tổng cục Phòng, chống thiên tai.

Vừa nâng cấp tốn 300 tỷ đã bị nứt gãy

Theo Quyết định số 4417 ngày 30/10/2017, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 1 (Ban 1) được Bộ NN&PTNT giao nhiệm vụ Chủ đầu tư Dự án nâng cấp đê, kè hữu sông Hồng từ K26+580 đến K32+000 và K40+350 đến K47+980, thuộc địa bàn huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội.

Theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt, đường giao thông mặt đê được thiết kế với tải trọng trục xe 10 tấn, đường hành lang chân đê được thiết kế với tải trọng trục xe 6 tấn. Dự án được triển khai thi công, hoàn thành tháng 12/2019 và chính thức bàn giao tháng 5/2020.

Tuy nhiên, từ tháng 3/2021 đến tháng 4/2021 Dự án Nhà máy nước mặt Sông Hồng triển khai thi công bể chứa nước tại khu vực cạnh trạm bơm Đan Hoài. Nhà thầu thi công bể chứa nước đã đào toàn bộ phần đất tiếp giáp với đường hành lang thượng lưu để thi công công tác cọc cừ, chiều sâu chênh lệch mặt đê, đường hành lang so với cao trình đáy hố móng bể chứa nước khoáng từ 20-22m.

Do đó, việc thi công đã tạo ra các cung trượt sâu tại mặt đê và đường hành lang, gây nên gãy dọc đường hành lang thượng lưu chiều dài 15-20m và gãy dọc mặt đê chiều dài 20-25m tại khu vực thi công.

Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội ký hàng loạt văn bản kiến nghị Bộ NN&PTNT thỏa thuận vị trí đặt trạm và đơn vị chuyên môn của Bộ này đã cảnh báo nguy cơ mất an toàn. Ảnh: Hữu Thắng.

Sau đó, ngày 29-30/4/2021 nhà thầu thi công bể chứa nước đã cho xử lý các khe nứt gẫy bằng trát vữa xi măng, nhựa đường, tuy nhiên các khe nứt gãy ngày càng mở rộng gây mất an toàn công trình và an toàn giao thông. Điều đáng lưu ý, gói thầu này (K40+350 đến K47+980) đang còn thời gian bảo hành công trình.

Về vấn đề này, ngày 23/6, ông Phạm Đức Luận (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Bộ NN&PTNT) cho biết, cơ quan này đang ráo riết vào cuộc. Tổng cục Phòng, chống thiên tai xác định đây là sự cố đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và khả năng chống lũ của đê sông Hồng địa phận TP Hà Nội khi đã bước vào mùa mưa lũ chính vụ năm 2021.

Trước đó, ngày 10/5, các bên liên quan đến sự cố nêu trên đã có buổi làm việc tại Tổng cục Phòng, chống thiên tai. Sau khi các bên liên quan báo cáo, ông Phạm Đức Luận, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Phòng, chống thiên tai kết luận: "Sự cố nứt đê tại vị trí K46+130 đê hữu Hồng là do việc đào hố móng của trạm bơm nhà máy nước mặt sông Hồng gây ra".

Hiện nguyên nhân chính xác gây ra sự cố đặc biệt nghiêm trọng, uy hiếp đến an toàn của hàng triệu người dân Thủ đô trong mùa mưa lũ tới đang được gấp rút làm rõ.

Trách nhiệm của ông Chu Phú Mỹ đến đâu?

Để chủ đầu tư là Công ty CP nước mặt Sông Hồng được cấp phép xây dựng công trình tại vị trí xảy ra sự cố hiện nay, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hà Nội đã ký hàng loạt văn bản gửi Bộ NN&PTNT trong đó có xác định vị trí đặt trạm dù đơn vị chuyên môn của Bộ NN&PTNT đã có văn bản cảnh báo về vị trí này có thể gây mất an toàn đê điều.

Cụ thể, ngày 2/7/2020, ông Chu Phú Mỹ ký văn bản số 2060/SNN-ĐĐ gửi UBND TP Hà Nội về việc cấp phép hoạt động liên quan đến đê điều thi công hạng mục công trình thu và trạm bơm nước thô thuộc dự án nhà máy nước mặt sông Hồng. Trong văn bản này, ông Chu Phú Mỹ trình UBND TP Hà Nội xem xét để Công ty CP nước mặt sông Hồng xây dựng công trình thu và trạm bơm nước thô tại vị trí K46+130 đến K46+280 thượng lưu đê hữu Hồng thuộc địa bàn xã Liên Hà, huyện Đan Phượng.

Sau đó, ngày 23/10/2020, ông Chu Phú Mỹ ký văn bản số 3420/SNN-ĐĐ và ngày 15/12/2020 ký tiếp văn bản số 4064/SNN-PCTT gửi Tổng cục Phòng, chống thiên tai có nội dung trích dẫn các thông tin khẳng định việc xây dựng tại vị trí đê nêu trên là an toàn.

Cụ thể, các văn bản này trích dẫn ý kiến của đơn vị tư vấn thiết kế là Viện thủy điện và Năng lượng tái tạo, cho rằng: "Thực hiện việc tính toán, lựa chọn giải pháp đảm bảo an toàn đê điều và công trình, không gây xói lở bờ sông và cản trở thoát lũ, không ảnh hưởng đến hoạt động của công trình thủy lợi lân cận; kết quả tính toán ổn định, tính toán thấm mái đê, thân đê đều trong giới hạn cho phép đối với các trường hợp làm việc khác nhau".

Phần trích dẫn kết luận của Viện Thủy công, đơn vị tư vấn thẩm tra có nội dung: "Hồ sơ thiết kế công trình thu, trạm bơm nước thô thuộc dự án xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng đảm bảo ổn định và đảm bảo an toàn cho tuyến đê tương ứng từ K46+130 đến K46+ 280 đê hữu Hồng".

Tiếp đó, văn bản của Sở NN&PTNT Hà Nội trích dẫn khẳng định của đơn vị thi công có đoạn: "Thực hiện việc xây dựng biện pháp tổ chức thi công, tiến độ thi công đảm bảo an toàn chống lũ của đê và giao thông trong quá trình triển khai thi công".

Với những nội dung nêu trên, ông Chu Phú Mỹ kiến nghị Tổng cục Phòng, chống thiên tai xem xét, thỏa thuận để cho Công ty CP nước mặt sông Hồng được phép thi công công trình tại vị trí đê nêu trên. Đây cũng là cơ sở vững chắc để ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký văn bản số 3026/UBND-KT ngày 10/7/2020 gửi Bộ NN&PTNT đề nghị đồng ý cho Công ty CP nước mặt sông Hồng thi công trạm bơm tại vị trí nêu trên.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đê đã nứt gãy mặc dù đơn vị thi công mới đào phần đất tiếp giáp tiếp giáp với đường hành lang thượng lưu.

Điều đáng nói, năm 2016 Tổng cục Thủy lợi (nay là Tổng cục Phòng, chống thiên tai) cũng đã ký văn bản số 442/TCTL-ĐĐ gửi UBND TP Hà Nội cảnh báo không nên xây trạm bơm nước thô tại vị trí mà Sở NN&PTNT Hà Nội đề xuất.

Văn bản nêu rõ: "Vị trí dự kiến xây dựng công trình thu, trạm bơm nước thô tương ứng từ K46+130 đến K46+280 đê hữu Hồng nằm ở khu vực bãi sông hẹp, đê cát sông, liên quan trực tiếp đến tuyến đê cấp I bảo vệ cho Thủ đô Hà Nội. Trong quá trình xây dựng và vận hành, nếu công trình có nguy cơ mất an toàn thì cũng là nguy cơ mất an toàn của toàn tuyến đê.

"Vì vậy, đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo rà soát, nghiên cứu lựa chọn vị trí xây dựng phù hợp (nơi có bãi sông rộng, cách xa đê) để đảm bảo an toàn đê điều" - Tổng cục Thủy lợi, nay là Tổng cục Phòng, chống thiên tai cảnh báo.

Vậy, trách nhiệm của Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hà Nội trong sự việc này như thế nào?