Đến ngân hàng gửi tiết kiệm, vài năm sau phát hiện đã mua phải bảo hiểm

Nhiều khách hàng phản ánh đến ngân hàng để gửi tiết kiệm nhưng bị nhân viên tư vấn mập mờ để dẫn dụ sang sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bị khai khống mức lương lên gần cả trăm triệu đồng mỗi tháng.

Từ "tâm an" đến bất an

Phản ánh đến Dân trí, bà T. (yêu cầu giấu tên) cho biết bị nhân viên Ngân hàng SCB tư vấn không trung thực, dẫn đến việc từ gửi tiết kiệm lại thành ra mua bảo hiểm nhân thọ của Manulife. Bà T. cho biết tháng 12/2020, bà ra chi nhánh SCB gần nhà tại quận Tân Bình (TPHCM) để nhận tiền lãi tiết kiệm đáo hạn.

Tại đây, nhân viên ngân hàng giới thiệu cho bà T. tham gia sản phẩm "tâm an đầu tư" với kỳ hạn 6 năm, lãi suất bình quân 8,5-9%/năm, có thể vượt 10%/năm. Bà T. kể được nhân viên ngân hàng tư vấn 3 năm đầu tiên mỗi năm đóng 100 triệu đồng. 3 năm tiếp theo, bà chỉ cần gửi 7 triệu đồng/năm, đến năm thứ 7 sẽ rút cả gốc lẫn lãi ra.

Nghi ngờ đây là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ nhưng bà T. cho hay vì được nhân viên trấn an đây là sản phẩm của ngân hàng liên kết với công ty bảo hiểm nên bà đồng ý tham gia. Một năm sau, nhân viên báo bà T. đã đến kỳ đóng phí tiếp theo, khuyên bà giảm mức bảo hiểm còn 10 triệu đồng, 90 triệu đồng phân bổ vào phần đầu tư, bà T. cũng đồng ý và đến lúc này vẫn chưa thật sự hiểu mình đang tham gia sản phẩm gì. Chỉ biết 3 năm đầu tiên, mỗi năm, bà phải đóng 100 triệu đồng. 

bang-ke-khai-thu-nhap-theo-ba-t-nhan-vien-da-tu-khai-khong-1677473198.png
Bảng kê khai thu nhập theo bà T. nhân viên đã tự khai khống (Ảnh: NVCC).

Cuối năm 2022, vụ việc liên quan đến các trái phiếu do SCB phân phối nổ ra, bà T. lúc này tham khảo một số khách hàng khác mới biết mình đã mua bảo hiểm nhân thọ.

Đến kỳ đóng phí tháng 12/2022, bà không muốn tiếp tục đóng tiền nhưng nhân viên giải thích nếu dừng việc đóng tiền thì số tiền trong quỹ đầu tư sẽ bị cấn trừ sang phí bảo hiểm. Do đó, bà chấp nhận đóng tiếp 10 triệu đồng vì không muốn mất trắng.

"Lương giáo viên của tôi một tháng 9 triệu đồng mà nhân viên ghi vào hồ sơ là 50 triệu đồng/tháng. Lỡ đâm lao rồi thì phải theo lao. Tôi chỉ sợ mình từ "bị lừa" thành "lừa người ta" vì lúc làm hồ sơ khai theo nhân viên chỉ là không có bệnh trong khi đang bị cao huyết áp. Giả sử tôi qua đời, công ty bảo hiểm nói mình khai gian, không chi trả thì mất hết", bà T. buồn rầu. 

Người giúp việc, công nhân bỗng có thu nhập 70-80 triệu đồng/tháng

Trong khi đó, bà Lan (sinh năm 1960, ngụ Hà Nội) cho biết đang đi làm người giúp việc, được chủ nhà trả 6 triệu đồng/mỗi tháng nhưng lại bị nhân viên ngân hàng SCB và công ty bảo hiểm Manulife khai đã nghỉ hưu và có thu nhập hàng tháng 70 triệu đồng để hợp thức hóa giấy tờ.

Bà Lan cho biết vào tháng 3/2021 cùng chồng đến một phòng giao dịch của SCB tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) để gửi tiền tiết kiệm. Tại đây, nhân viên tư vấn cho vợ chồng bà một sản phẩm có lãi suất 9,5%/năm nhưng không được rút trong năm đầu tiên.

"Cô nhân viên ngân hàng hỏi vợ chồng tôi có bệnh gì không. Chồng tôi nói bị huyết áp thì họ nói không đứng tên được. Tôi thật thà bảo hơn 60 tuổi làm sao không có bệnh được nhưng mà chưa đi khám lần nào, thỉnh thoảng đau chân đau khớp thôi thì họ bảo vậy tôi đứng tên hợp đồng", bà Lan kể.

Sau khi đóng 100 triệu đồng, bà hỏi sổ tiết kiệm đâu thì nhân viên nói sau vài ngày sẽ gửi bà một quyển hợp đồng tượng trưng. Đến tháng 3/2022, bà Lan được nhắc đến kỳ đóng phí tiếp theo và được đóng chậm 2 tháng. Tháng 5/2022, bà báo với nhân viên chỉ mượn được chủ nhà ứng trước 10 tháng lương là 60 triệu đồng. Nhân viên bảo bà vẫn đóng 60 triệu đồng được nhưng sau này sẽ nhận lại ít tiền hơn so với dự kiến. Bà cũng đồng ý vì nghĩ đơn giản đóng ít thì sau này nhận ít. 

Tháng 9/2022, bà Lan không khỏe nên cần tiền đi khám bệnh. Lúc này, bà báo với nhân viên ngân hàng muốn rút tiền nhưng lại bị chuyển sang nhân viên công ty bảo hiểm. Bà đưa quyển hợp đồng nhờ chủ nhà xem giúp thì mới biết mình đã tham gia bảo hiểm nhân thọ. 

tu-nguoi-giup-viec-ba-lan-tro-thanh-nguoi-nghi-huu-co-thu-nhap-70-trieu-dong-moi-thang-1677473301.png
Từ người giúp việc, bà Lan trở thành người nghỉ hưu có thu nhập 70 triệu đồng mỗi tháng (Ảnh: NVCC).

Sau nhiều lần đòi rút tiền tại Manulife, bà nhận được gần 77 triệu đồng vào tháng 1/2023. Khoản tiền này được nhân viên giải thích là tiền đầu tư. "Tôi có biết đầu tư là cái gì đâu, chỉ biết đang ốm mà lại không có tiền. Giờ tôi cứ phải đạp xe lên Manulife để đòi lấy lại phần còn lại trong 160 triệu đồng nhưng họ không cho. 100 triệu đồng đóng vào lần đầu đó là tiền tôi tiết kiệm trong 8 năm", bà Lan chia sẻ.

Cũng tham gia sản phẩm bảo hiểm của Manulife phân phối tại SCB, anh Lâm Thanh Hùng (sinh năm 1988, ngụ TPHCM) cho biết lần đầu tiên được tư vấn vào tháng 2/2021, nhân viên ngân hàng quảng cáo đây là gói tiết kiệm mới, lãi suất tốt hơn gửi tại quầy, lại được tặng gói bảo vệ của Manulife. Khi anh hỏi có phải đây là bảo hiểm nhân thọ không thì nhân viên ngân hàng khẳng định đây là gói đầu tư của SCB kết hợp Manulife. 

Sau 2 lần đóng phí đầu tiên vào tháng 2/2021 và tháng 2/2021 với tổng số tiền 200 triệu đồng, đến tháng 12/2022, một nhân viên của Manulife gọi thông báo sắp đến kỳ đóng phí tiếp theo của hợp đồng bảo hiểm 18 năm. Đến lúc này, anh Hùng mới phát hiện mình đã mua bảo hiểm nhân thọ. 

"Tôi nói sẽ không đóng tiếp năm 3 vì bị lừa thì bên công ty bảo hiểm bảo nếu như vậy hợp đồng có khả năng bị vô hiệu, tôi sẽ mất hết số tiền đã đóng. Lên ngân hàng SCB thì SCB bảo không giải quyết được, tôi phải tự sang Manulife. Trong khi người tư vấn ban đầu là nhân viên của SCB, họ còn ghi thu nhập của tôi là 80 triệu đồng/tháng, làm kinh doanh tự do trong khi mình làm công nhân tháng chỉ được hơn 10 triệu đồng. Dù sao mình cũng mới 35 tuổi, còn làm lại được, vẫn may hơn các cô chú 50-60 tuổi", anh Hùng kể. 

Có người đã đóng hơn 700 triệu đồng

Chị Thiên Kim (sinh năm 1991, ngụ TPHCM) cho biết bản thân cùng mẹ cũng là nạn nhân của sản phẩm đầu tư đội lốt tiền gửi tiết kiệm này và đã cùng hơn 120 khách hàng ký tên gửi đơn khiếu nại tập thể đến Công ty TNHH Manulife Việt Nam yêu cầu doanh nghiệp làm việc trực tiếp với cấp có thẩm quyền để giải quyết khiếu nại, cung cấp nội dung ghi hình, ghi âm thời điểm nhân viên Manulife tư vấn sản phẩm, cung cấp các giấy ủy quyền của khách hàng cho phép nhân viên Manulife khai thay các nội dung trên hồ sơ bảo hiểm, cung cấp hồ sơ bản chính để đối chiếu chữ ký. 

Trong trường hợp không cung cấp được, nhóm khách hàng này đề nghị Manulife hủy hợp đồng, hoàn trả toàn bộ số phí họ đã đóng, cộng với số tiền lãi bị thiệt hại do tư vấn sai.

noi-dung-ngan-hang-nha-nuoc-tra-loi-chi-kim-1677473390.png
Nội dung Ngân hàng Nhà nước trả lời chị Kim (Ảnh: NVCC).

Theo thông tin chị Kim cung cấp, người đóng phí nhiều nhất trong nhóm khách hàng cùng nộp đơn khiếu nại đã nộp hơn 700 triệu đồng. Nhiều người đã đóng từ 200 triệu đồng trở lên. Điểm chung là nhiều người cho biết nhân viên tư vấn đã tự khai khống nghề nghiệp, thu nhập của khách hàng. 

Chị Kim cũng đã gửi đơn đến Cơ quan thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước phản ánh với nội dung cho rằng nhân viên của SCB và Manulife tư vấn sai sự thật, lừa đảo khách hàng. Trong văn bản phúc đáp gửi chị Kim ngày 21/2, cơ quan quản lý ngành ngân hàng đề nghị chị gửi đơn đến Manulife để được xem xét, giải quyết. Trường hợp khách hàng không đồng ý với việc giải quyết của Manulife, khách hàng có thể khởi kiện ra cơ quan tòa án cấp có thẩm quyền. 

Trong thông cáo báo chí chính thức gần nhất về sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị 'Tâm An Đầu Tư' được phân phối thông qua SCB, Manulife "cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xử lý các yêu cầu của khách hàng, nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng cũng như của công ty phù hợp với quy định của pháp luật và các quy tắc, điều khoản của hợp đồng bảo hiểm mà khách hàng đã ký kết với công ty Manulife Việt Nam".

Công ty cho hay rất thấu hiểu các quan ngại của khách hàng, đang xem xét giải quyết các yêu cầu này "một cách nghiêm túc, công bằng và thỏa đáng", đồng thời không khoan nhượng cho bất cứ hành vi sai trái hoặc gian lận nào.