CTCP Chứng khoán Sacombank (SBS) mới đây đã đưa ra báo cáo phân tích về TCP Tư vấn – Thương mại – Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (mã HQC). Theo đó, cổ phiếu HQC chỉ được định giá 2.918 đồng/cp và đặt ở mức DANGEROUS (NGUY HIỂM). Trong ngày 14/6, giá chốt phiên của cổ phiếu HQC là 5.100 đồng/cp, giảm tới 50% so với mức đỉnh đạt được vào giữa tháng 3 vừa qua.
Nhìn lại về kết quả kinh doanh của Địa ốc Hoàng Quân, có thể thấy rằng lợi nhuận quý 1 năm 2022 của đơn vị này tăng trưởng không đúng như kỳ vọng. Doanh thu thuần quý 1 năm 2022 đạt 64,2 tỷ đồng, giảm tới 12% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế lại đạt 5 tỷ đồng, cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, SBS đánh giá đây là khoản lợi nhuận đột biến, không phải định kỳ trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp.
Đến hết quý 1 năm 2022, vốn chủ sở hữu của Địa ốc Hoàng Quân đạt 4.345 tỷ đồng, nợ phải trả của doanh nghiệp đạt 5.131 tỷ đồng, nợ ngắn hạn chiếm 3.935 tỷ đồng. Cơ cấu tài sản với khoản nợ ngắn hạn chiếm số lượng lớn như vậy được đánh giá là khá rủi ro cho một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Kết quả kinh doanh của HQC trong 3 năm trở lại đây cũng không có quá nhiều tín hiệu tích cực. Trong năm 2019, doanh thu thuần đạt 656 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 41 tỷ đồng. Đến năm 2020, doanh thu có sự sụt giảm nhẹ xuống mức 538 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế giảm tới 4 lần, xuống chỉ còn 10 tỷ đồng. Đỉnh điểm là năm 2021, HQC ghi nhận doanh thu 279 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức 4 tỷ đồng. Tương đương với mỗi quý chỉ ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 1 tỷ đồng mặc cho doanh thu lên tới hàng trăm tỷ.
Để thanh toán các khoản nợ trong tình trạng kinh doanh kém hiệu quả trong năm 2021, Địa ốc Hoàng Quân lên kế hoạch phát hành riêng lẻ cổ phiếu để hoán đổi nợ. Tuy nhiên, với mức giao dịch chỉ ở quanh ngưỡng 6.000 đồng/cp, thì việc phát hành riêng lẻ với mức giá 10.000 đồng/cp sẽ gặp nhiều khó khăn theo ý kiến của SBS.
Tình trạng này có thể sẽ được cải thiện nếu doanh thu của các dự án nhà ở xã hội mà Địa ốc Hoàng Quân thực hiện trong tương lai được bàn giao và ghi nhận vào cơ cấu doanh thu. Các dự án bao gồm: Biên Hòa Glory (231 tỷ), dự án HQC Nha Trang (78 tỷ), dự án HQC Bình Trưng Đông (11 tỷ).
Báo cáo của SBS cũng cho rằng rủi ro về các khoản phải thu khi giá trị các khoản này chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản nhưng Hoàng Quân lại dự phòng khá ít cho khoản này. Việc chuyển đổi định hướng từ lĩnh vực Nhà ở xã hội sang Nhà ở thương mại cũng chưa phải là lợi thế của Địa ốc Hoàng Quân.Điểm yếu của HQC – theo SBS là việc chậm tiến độ bàn giao sản phẩm của một số sản phẩm đã gây ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu, gây chậm trễ về nguồn thu cho các dự án kế tiếp. Đây được cho là bởi nguồn vốn doanh nghiệp nhỏ, lượng tiền mặt ít trong khi triển khai nhiều dự án quy mô lớn.