Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, châu Âu ghi nhận hơn 70,4 triệu ca nhiễm

Tâm dịch châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi châu lục này tiếp tục là khu vực duy nhất trên thế giới chứng kiến số ca mắc mới và tử vong do Covid-19 cùng tăng trong tuần qua, lần lượt ở mức 15% và 3%.

Các bệnh nhân Covid-19 được đặt nội khí quản tại Bệnh viện Đại học Bucharest, Romania, ngày 29/10/2021. (Ảnh: Inquam/Reuters)

Theo trang thống kê worldometers.info, trong 7 ngày qua, thế giới có thêm 3.641.536 ca mắc mới Covid-19, trong đó riêng châu Âu đã có tới 2.250.087 ca, chiếm hơn 61,7%. Chính tốc độ tăng số ca mắc ở châu Âu đã “đóng góp” chủ yếu trong hơn 3,6 triệu ca mắc mới Covid-19 toàn cầu, tăng 6% so với tuần trước đó.

Đồ họa: TRUNG HƯNG

Trong tuần qua, thế giới ghi nhận hơn 48 nghìn ca tử vong (giảm 2%) và châu Âu cũng chiếm phần lớn trong số này với 26.656 ca, chiếm hơn 1 nửa (55,1%) và tăng 3% so với 7 ngày trước đó.

Các khu vực còn lại đều chứng kiến số ca nhiễm mới giảm, với Bắc Mỹ ghi nhận 630.212 ca nhiễm mới (giảm 2%), châu Á: 599.303 ca (giảm 7%), Nam Mỹ: 125.477 ca (giảm 13%), châu Phi: 24.479 ca (giảm 6%), và châu Đại dương: 11.978 ca (giảm 1%).

Đồ họa: TRUNG HƯNG

Tốc độ tăng số ca mắc và tử vong ở châu Âu khiến các nước trong khu vực phải siết chặt trở lại các biện pháp hạn chế, đồng thời đẩy mạnh việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân.

Bắt đầu từ hôm nay, đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ tư chính thức có hiệu lực ở Áo, khiến nước này trở thành quốc gia Tây Âu đầu tiên áp dụng trở lại các biện pháp quyết liệt nhằm đối phó với tình trạng lây nhiễm đang gia tăng.

Cảnh sát Áo kiểm tra chứng nhận tiêm vaccine ngừa Covid-19 của người đi mua sắm tại 1 cửa hàng ở Vienna, Áo, ngày 16/11/2021. (Ảnh: Reuters)

Theo công bố từ Chính phủ Áo, những địa điểm công cộng, các nhà hàng, quán cà phê, quán bar, rạp hát, cửa hàng bán đồ không thiết yếu và tiệm làm tóc sẽ phải đóng cửa trong 10 ngày đầu của đợt phong tỏa, thậm chí có thể phải dừng hoạt động trong 20 ngày.

Bên cạnh đó, tiêm vaccine ngừa Covid-19 sẽ là yêu cầu bắt buộc đối với mọi người dân Áo kể từ ngày 1/2 năm sau.

Tuần trước, Chính phủ Áo đã phải áp dụng 1 lệnh cấm đối với những người chưa tiêm ngừa Covid-19, bao gồm nhiều hạn chế khi đến các địa điểm công cộng, song số ca nhiễm mới hằng ngày tại đây vẫn tiếp tục tăng cao hơn nhiều so với mức đỉnh đạt được 1 năm trước, trong khi các giường chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện đang thiếu hụt.

Áo hiện có tỷ lệ lây nhiễm thuộc hàng cao nhất châu Âu, với 991 ca bệnh trên 100 nghìn dân trong 7 ngày qua.

Ở Đức, các chính trị gia nước này đang tranh luận về việc có nên yêu cầu bắt buộc tiêm ngừa Covid-19 đối với mọi công dân hay không, trong bổi canh số ca nhiễm tăng cao và tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Người dân Đức xếp hàng chờ tiêm ngừa Covid-19 tại 1 trung tâm mua sắm ở Berlin, ngày 20/11/2021. (Ảnh: Reuters)

Tỷ lệ nhiễm Covid-19 trong 7 ngày qua tại Đức đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, và đây đã là ngày thứ 14 liên tiếp mốc này bị xô đổ, đạt 372,7 ca trên 100 nghìn dân trên toàn quốc tính đến ngày 21/11.

Ở một số vùng, con số này đã vượt qua 1.000 ca và 1 số bệnh viện đã không còn giường chăm sóc đặc biệt. Kỷ lục trong đợt dịch thứ ba vào tháng 12 năm ngoái là 197,6 ca trên 100 nghìn dân.

Đức hiện là điểm nóng tồi tệ nhất về dịch Covid-19 ở châu Âu, khi số ca mắc mới và tử vong trong tuần qua đều tăng cao lần lượt ở mức 32% (339.756 ca mắc mới) và 25% (4.037 ca tử vong).

Đồ họa: TRUNG HƯNG

Nhiều bang của nước này đã áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, đặc biệt với những người chưa tiêm chủng. Trong khi đó, Hội đồng Liên bang Đức (Thượng viện) đã thông qua những điểm sửa đổi trong Luật Phòng, chống lây nhiễm, theo đó sẽ đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn như áp đặt quy định 3G (đã tiêm, đã phục hồi và xét nghiệm âm tính) trên các phương tiện giao thông công cộng và tại nơi làm việc.

Không chỉ Đức và Áo, nhiều nước châu Âu khác cũng đã điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch theo hướng siết chặt hơn đối với những người chưa tiêm phòng.

Tại Hy Lạp, những người chưa tiêm phòng không được đến nhà hàng, rạp chiếu phim, bảo tàng, phòng tập gym…, kể cả khi họ có chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.

Tại Cộng hòa Séc, chỉ có những người đã tiêm phòng hoặc hồi phục sau khi mắc Covid-19 trong 6 tháng qua mới được phép đến các quán bar, nhà hàng, khách sạn hay sử dụng các dịch vụ khác.

Đan Mạch đã nối lại yêu cầu xuất trình thẻ thông hành y tế khi đến địa điểm công cộng sau 2 tháng tạm dừng biện pháp này, dù đã có 85,9% dân số trên 12 tuổi được tiêm phòng đầy đủ.

Lệnh hạn chế đối với người chưa tiêm vaccine cũng được đưa ra tại các nước khác như Slovakia, Hungary hay Bulgaria.