Dự án bỏ hoang sau gần 20 năm giao đất
Đầu tiên phải kể đến là Dự án Khu du lịch Trung Sơn-Hồ Tràm do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Sơn (Công ty Trung Sơn) làm chủ đầu tư, có diện tích hơn 11ha ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được giao đất gần 20 năm nhưng đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống, bỏ hoang lãng phí.
Theo đó, năm 2003, Bà Rịa-Vũng Tàu ra quyết định thu hồi đất và giao cho Công ty Trung Sơn làm dự án với thời hạn sử dụng đất là 50 năm, cho thuê đất trả tiền sử dụng đất hàng năm. Tuy nhiên, dự án bỏ hoang không triển khai.
Sau gần 20 năm giao đất, dự án Khu du lịch Trung Sơn-Hồ Tràm vẫn là bãi đất trống.
Đến năm 2014, Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư về dự án nhưng không thu hồi dự án. Năm 2017, UBND huyện Xuyên Mộc tiếp tục có văn bản đề xuất thu hồi dự án vì chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, chưa thực hiện được công tác giải phóng mặt bằng...
Nhưng bất ngờ, tháng 4/2019, Bà Rịa-Vũng Tàu giao Sở Tài nguyên Môi trường, Cục Thuế tỉnh, UBND huyện Xuyên Mộc và các cơ quan liên quan rà soát toàn bộ hồ sơ của dự án, tham mưu UBND tỉnh báo cáo xin ý kiến Tỉnh ủy về việc giãn tiến độ dự án. Tiếp đó, Chi cục Thuế khu vực Xuyên Mộc-Châu Đức có thông báo việc nộp tiền sử dụng đất và chậm nộp đối với diện tích hơn 11ha đất được giao cho Công ty Trung Sơn, với nghĩa vụ tài chính là 7,6 tỷ đồng.
Ngày 27/5/2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có văn bản số 1587 nêu rõ: “Từ khi được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Công ty Trung Sơn chưa hoàn tất các thủ tục tiếp theo để triển khai dự án như lập và trình phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập thiết kế cơ sở, phòng cháy chữa cháy, giấy phép xây dựng; dự án thuộc diện chậm triển khai”.
Công ty TNHH Trung Sơn chưa hoàn tất các thủ tục tiếp theo để triển khai dự án như lập và trình phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án Khu du lịch Trung Sơn-Hồ Tràm.
Tương tự, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa có công văn gửi Bộ KH&ĐT về đề xuất giải pháp để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc chấm dứt dự án Khu du lịch Vũng Tàu Paradise vì đã hết thời hạn hoạt động và thời hạn sử dụng đất.
Cụ thể, Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị Bộ KH&ĐT xem xét, trình cấp thẩm quyền quyết định phương án xử lý, hỗ trợ tỉnh giải quyết số tiền thuê đất phát sinh theo kiến nghị của UBND tỉnh. Dự án này dù đã hết thời hạn nhưng Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn quyết không cho gia hạn thêm.
Nguyên nhân do dự án có tổng diện tích đất được giao 220ha nhưng nhà đầu tư chỉ đưa vào sử dụng khoảng 140ha (phần diện tích đã đầu tư hạng mục sân golf và khu nhà rông), còn lại 80ha (quy hoạch xây dựng khu khách sạn và khu văn hóa dân tộc) sử dụng không hiệu quả và không sử dụng trong thời gian dài, vi phạm quy định pháp luật về đất đai.
Ngoài ra, thời hạn hoạt động của Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise đã hết theo quy định tại giấy phép đầu tư, công ty không đăng ký lại hoạt động theo quy định.
“Việc chấm dứt hoạt động dự án do hết thời hạn hoạt động sẽ đồng thời chấm dứt hoạt động của tổ chức kinh tế, do đó không còn chủ thể để gia hạn thực hiện dự án”, Bà Rịa-Vũng Tàu thông tin.
Liên tục điều chỉnh quy hoạch, xin phân lô bán nền huy động vốn
Một dự án khác là Khu liên hiệp thương mại văn phòng thể thao trường học và nhà ở tại phường 10, TP.Vũng Tàu có diện tích hơn 13ha do Công ty TNHH Khang Linh làm chủ đầu tư được Bà Rịa-Vũng Tàu phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 lần đầu vào năm 2004. Điều đáng nói, sau nhiều năm quy hoạch này đã được phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch, điều chỉnh mở rộng đến 7 lần.
Đáng chú ý là theo quy hoạch được phê duyệt lần đầu thì chủ đầu tư phải bố trí 24.111m2 để xây trường phổ thông cơ sở. Nhưng sau 7 lần phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch, điều chỉnh mở rộng và thực hiện dự án, năm 2013 chủ đầu tư lại bàn giao đất để Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP.Vũng Tàu thực hiện đầu tư xây dựng trường tiểu học với diện tích chỉ còn 11.082m2; Khu thể thao kết hợp vui chơi trẻ em được hoàn thành chỉ có diện tích 5.340m2, giảm 14.123m2 so với quy hoạch được phê duyệt ban đầu, trong khi dự án lại được mở rộng.
Dự án Khu du lịch Vũng Tàu Paradise còn lại 80ha quy hoạch xây dựng khu khách sạn và khu văn hóa dân tộc sử dụng không hiệu quả và không sử dụng trong thời gian dài.
Sau 16 năm dự án được triển khai, đến ngày 31/8/2020, Công ty Khang Linh có văn bản đề nghị Bà Rịa-Vũng Tàu cho phép chủ đầu tư được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô bán nền với lý do việc huy động vốn từ ngân hàng rất khó khăn nên doanh nghiệp không thể triển khai xây dựng đồng bộ công trình nhà ở.
Tuy nhiên, việc xây dựng hạ tầng dự án, các công trình công cộng, phân lô bán nền không đúng với quy định dẫn đến không thể thực hiện các thủ tục cấp sổ hồng cho các hộ dân đã mua nền đất và tự xây dựng nhà. Hiện nay nhiều hộ dân mua đất phản ứng, gửi nhiều đơn thư đến cơ quan chức năng đề nghị Công ty Khang Linh thực hiện thủ tục cấp sổ hồng.
Ngoài ra, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng có văn bản gửi Sở Tư pháp phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Du lịch và các cơ quan có liên quan rà soát toàn bộ hồ sơ pháp lý dự án Safari của Công ty CP Đầu tư Vườn thú hoang dã Safari và Khu du lịch nghỉ dưỡng Bình Châu Việt Nam. Các cơ quan này cũng được giao phải có ý kiến về cơ sở pháp lý của dự án nêu trên có bảo đảm theo quy định của pháp luật hay không (trước và sau khi chấm dứt chủ trương đầu tư dự án?).
Dự án nêu trên được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2005. Năm 2009, Bà Rịa-Vũng Tàu đã cấp giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án tại xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc.