Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Bên cạnh diễn biến chung của thị trường trong tuần khai Xuân khá thuận lợi, hầu hết các cổ phiếu đưa ra khuyến nghị đều tăng mạnh.

Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* Theo BVSC, cổ phiếu hàng không có khả năng hồi phục tốt

Với tỉ lệ tiêm chủng cao, cùng các Chính sách của Chính Phủ cho thấy hướng tiếp cận mới khi coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, BVSC cho rằng thời điểm khó khăn nhất đã qua đi, và đây là thời điểm thích hợp để tích lũy cổ phiếu hàng không có khả năng hồi phục tốt, được thể hiện ở năng lực khai thác lớn với lợi thế cạnh tranh bền vững. Những cổ phiếu ưa thích là SCS, SGN, AST, VJC.

Cùng với triển vọng tương lai khá sáng và kết quả kinh doanh năm 2021 khả quan với lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng 22%, cổ phiếu SCS đã có tuần chào Xuân khởi sắc. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày 20/1, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SCS tăng 5.000 đồng (+3,13%) từ mức giá 159.500 đồng/CP lên 164.500 đồng/CP.

Bên cạnh đó, SGN cũng công bố kết quả kinh doanh quý IV/2021 với lợi nhuận đạt 9 tỷ đồng, tăng trưởng 41% so với cùng kỳ. Mặc dù chịu áp lực chốt lời sau chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp nhưng SGN cũng là một trong những mã giao dịch khởi sắc tuần qua. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SGN tăng 4.500 đồng (+6,57%) từ mức giá 68.500 đồng/CP lên 73.000 đồng/CP.

Cũng như các cổ phiếu hàng không khác, AST cũng đã “cất cánh” trong những phiên chào Xuân mới. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng, trong đó phiên 7/2 tăng trần và 3 phiên giảm nhẹ, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu AST tăng 3.900 đồng (+7,37%) từ mức giá 52.900 đồng/CP lên 56.800 đồng/CP.

Không chỉ tăng mạnh về giá, đại diện ngành hàng không – VJC cũng có tuần giao dịch sôi động với nhiều phiên khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng, trong đó phiên đầu tuần ngày 7/2 tăng trần và 2 phiên giảm vào cuối tuần, tính chung tuần qua, giá cổ phiếu VJC tăng 10.900 đồng (+8,94%) từ mức giá 121.900 đồng/CP lên 132.800 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị chốt lãi cổ phiếu TVS tại ngưỡng 55.3

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều cho thấy tín hiệu tích cực. Đường giá cổ phiếu đã vượt lên đường MA20 và đang tiếp cận ngưỡng MA50, cho thấy xu hướng tăng giá đang hình thành.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 47.70, chốt lãi tại ngưỡng 55.3 và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 43.5.

Sau khi giảm sâu trong 2 tuần cuối cùng của năm Tân Sửu, cổ phiếu TVS đã hồi phục mạnh mẽ. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng, trong đó 2 phiên cuối tuần tăng trần và 1 phiên giảm nhẹ duy nhất ngày 8/2, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TVS tăng 8.000 đồng (18,6%) từ mức giá 43.000 đồng/CP lên 51.000 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu PET với giá mục tiêu 47.935 đồng/CP

Chúng tôi duy trì khuyến nghị Outperform đối với PET, đồng thời nâng TP lên 47.935 đồng/CP (Upside: 31,2%, bao gồm suất cổ tức 5,3%), chủ yếu là do: (1) Điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận; và (2) Tăng P/E mục tiêu của chúng tôi lên 14,0x, từ 12,0x trước đó, dựa trên việc cải thiện nền tảng cơ bản của Công ty.

Petrosetco vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2021 bùng nổ với lợi nhuận trước thuế đạt 360 tỷ đồng, tăng trưởng 74%, vượt 44% kế hoạch và là kết quả cao nhất kể từ năm 2012. Trong đó, mảng bán lẻ điện thoại, laptop thời gian qua là hoạt động đem lại doanh thu và lợi nhuận cao cho Petrosetco, với nhân tố đóng góp chính là doanh số bán các sản phẩm Apple trong bối cảnh tình trạng hàng hóa khan hiếm diễn ra. Nhờ vậy, cổ phiếu PET đã có tuần giao dịch chào Xuân mới khá ấn tượng.

Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên giảm duy nhất vào giữa tuần ngày 9/2, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PET tăng 3.900 đồng (+11,11%) từ mức giá 35.100 đồng/CP lên 39.000 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị nhà đầu tư chốt lãi SMC tại ngưỡng 47.2

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều cho thấy tín hiệu tích cực. Đường giá cổ phiếu đã vượt lên đường MA20 và đang tiếp cận ngưỡng MA50, cho thấy xu hướng tăng giá đang hình thành.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 40.35, chốt lãi tại ngưỡng 47.2 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 38.5.

Không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường, nhóm cổ phiếu thép cũng có tuần giao dịch khởi sắc sau chuỗi ngày dài u ám trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trong đó, cổ phiếu SMC cũng không nằm ngoài xu hướng chung với công bố lợi nhuận trước thuế năm 2021 lên tới 1.100 tỷ đồng, EPS đạt gần 14.400 đồng/CP.

Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng, trong đó có 2 phiên tăng trần, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SMC tăng 6.000 đồng (+17,8%) từ mức giá 33.700 đồng/CP lên 39.700 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị nhà đầu tư chốt lãi HPG tại ngưỡng 55

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều cho thấy tín hiệu tích cực. Đường giá cổ phiếu đã vượt lên đường MA20 và đang tiếp cận ngưỡng MA50, cho thấy xu hướng tăng giá đang hình thành.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 45.55, chốt lãi tại ngưỡng 55 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 42.0.

Tương tự SMC, với kết quả lợi nhuận sau thuế năm 2021 hơn 34.500 tỷ đồng, vượt tới 92% kế hoạch, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát cũng tăng mạnh mẽ trong tuần qua. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên giảm ngày 10/2, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HPG tăng 4.950 đồng (+11,73%) từ mức giá 42.200 đồng/CP lên 47.150 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu CTG

CTG có mức định giá tương đối hấp dẫn thì chúng tôi đánh giá OUTPERFORM đối với CTG với mức giá mục tiêu là 42.500 đồng/CP (tiềm năng tăng giá là 17% so với mức giá đóng của ngày 07/02/2022 là 36.300 đồng/CP).

Trong khi các nhóm cổ phiếu thép, hàng không hồi phục mạnh, thì dòng bank vẫn chưa phát tín hiệu “chạy” trong tuần đầu năm mới. Trong đó, cổ phiếu CTG đã đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày 11/2, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CTG giảm nhẹ 100 đồng (-0,27%) từ mức giá 36.900 đồng/CP xuống 36.800 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu OCB

Do kết quả kinh doanh quý IV/2021 của OCB tương đối sát với dự báo của chúng tôi, chúng tôi giữ nguyên khuyến nghị Outperform và giá mục tiêu (TP) theo Phương pháp Thu nhập thặng dư ở mức 32.098 đồng/cổ phiếu (Upside: 15,6%).

Cổ phiếu OCB có phần khởi sắc hơn “người anh” CTG khi đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu OCB tăng 950 đồng (+3,44%) từ mức giá 27.650 đồng/CP lên 28.600 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu BMI

BSC khuyến nghị mua cổ phiếu BMI với giá khuyến nghị 47.000 đồng/CP (tương đương upside 27.7% so với giá đóng cửa ngày 07/02/2022 là 36.800 đồng/CP) với mức PB mục tiêu = 2.1x.

Cũng như phần lớn thị trường, nhóm cổ phiếu bảo hiểm đã tuần giao dịch khởi sắc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trong đó cổ phiếu BMI đã có 3 phiên tăng khá tốt vào đầu tuần và đảo chiều giảm do áp lực chốt lời ở 2 phiên cuối tuần. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BMI tăng 2.750 đồng (+7,76%) từ mức giá 35.500 đồng/CP lên 38.250 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PVI

BSC khuyến nghị mua cổ phiếu PVI với giá khuyến nghị 59.300 đồng/CP (tương đương upside 20.5% so với giá đóng cửa ngày 28/01/2022 là 49.200 đồng/CP) với mức PB mục tiêu 1.6x.

Cổ phiếu bảo hiểm khác là PVI đi ngang sau khi đã trải qua tuần tăng khá mạnh trước đó. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên giảm ngày 7/2, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVI giảm nhẹ 200 đồng (-0,4%) từ mức giá 49.200 đồng/CP xuống 49.000 đồng/CP.

* KBSV khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu THG

Năm 2022, chúng tôi ước lợi nhuận đạt 214,1 tỷ đồng (tăng 64,3% so với năm trước) và doanh thu ước đạt 2.089 tỷ đồng (tăng trưởng 59,1%). Khuyến nghị mua cho cổ phiếu THG với mức giá mục tiêu cho giai đoạn 1 năm là 120.500 đồng/CP, tương ứng mức sinh lời 51,1% so với giá đóng cửa ngày 7/2/2022.

Khuyến nghị của KBSV khá chuẩn xác khi tuần qua cổ phiếu THG đã tăng tốc mạnh mẽ. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên giảm nhẹ ngày 10/2, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu THG tăng 7.000 đồng (+9,21%) từ mức giá 76.000 đồng/CP lên 83.000 đồng/CP.

* PHS khuyến nghị mua cổ phiếu TNH với giá mục tiêu 60.600 đồng/CP

Chúng tôi ước tính năm 2022, doanh thu của TNH đạt 497 tỷ đồng (tăng 20% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế đạt 195 tỷ đồng (tăng trưởng 31,7%) nhờ kỳ vọng nhu cầu khám chữa bệnh tại các tỉnh Đông Bắc Bộ gia tăng sau dịch.

Bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, mức giá hợp lý cho cổ phiếu TNH là 60.600 đồng/cổ phiếu (tăng 46% so với giá hiện tại). Từ đó đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu này.

Cổ phiếu TNH đã lấy lại đà tăng sau tuần giảm sâu trước kỳ nghỉ lễ với thông tin kết quả lợi nhuận năm 2021 đạt 142 tỷ đồng, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày 10/2, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TNH tăng 1.300 đồng (+3,28%) từ mức giá 39.600 đồng/CP lên 40.900 đồng/CP.

* VCBS khuyến nghị mua cổ phiếu KBC với giá mục tiêu 69.048 đồng/CP

VCBS dự phóng doanh thu năm 2022 của KBC đạt 7.810 tỷ đồng (tăng 86,4% so với năm trước), lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 2.077 tỷ đồng, tương ứng với EPS là 2.864 đồng/ cổ phiếu.

Trong trường hợp doanh nghiệp có thể ghi nhận phần lớn doanh thu từ giao dịch bán buôn tại Tràng cát trong năm 2022, doanh thu dự kiến đạt 11.560 tỷ đồng (tăng 175,9% so với năm trước), lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 4.175 tỷ đồng, tương ứng với EPS là 5.758 đồng/ cổ phiếu. Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu KBC với mức định giá hợp lý là 69.048 đồng/ cổ phiếu.

Trong khi hầu hết các cổ phiếu bất động sản khai Xuân không mấy thuận lợi thì nhóm bất động sản khu công nghiệp là điểm sáng của ngành với những phiên giao dịch khởi sắc, trong đó KBC cũng không nằm ngoài xu hướng chung. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên giảm ngày 9/2, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu KBC tăng 4.100 đồng (+7,64%) từ mức giá 53.700 đồng/CP lên 57.800 đồng/CP.