Diễn biến mới vụ Tân Hoàng Minh bỏ cọc gần 600 tỷ đồng đấu giá đất Thủ Thiêm

Sau khi Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất 3-12 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TPHCM sẽ mời đơn vị này lên, hướng dẫn các thủ tục theo quy định pháp luật để hủy hợp đồng mua bán đã ký trước đó cũng như thông báo quyền, nghĩa vụ phát sinh khi hủy hợp đồng.

Phải xử lý theo luật

Ngày 17/1, Trung tâm Đấu giá tài sản nhà nước TPHCM cho biết, Trung tâm vẫn chưa nhận được văn bản chính thức việc thông báo hủy hợp đồng mua bán liên quan đến quyền sử dụng lô đất số 3-12 Khu đô thị mới Thủ Thiêm của Công ty TNHH Bất động sản Ngôi Sao Việt (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) mà doanh nghiệp này đã trúng đấu giá trong phiên đấu giá vào ngày 10/12/2021.

Theo quy định, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán thì Công ty TNHH Bất động sản Ngôi Sao Việt phải có văn bản chính thức gửi đến Trung tâm và Trung tâm Phát triển quỹ đất TPHCM cũng như các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Công ty TNHH Bất động sản Ngôi Sao Việt phải có văn bản chính thức gửi đến Trung tâm Đấu giá tài sản nhà nước TPHCM và Trung tâm Phát triển quỹ đất TPHCM cũng như các cơ quan chức năng có thẩm quyền về việc bỏ cọc.

Sau khi UBND TPHCM nhận văn bản chính thức của Công ty TNHH Bất động sản Ngôi Sao Việt, sẽ giao cho một cơ quan chức năng mời đơn vị này lên, hướng dẫn các thủ tục theo quy định pháp luật để hủy hợp đồng mua bán đã ký trước đó cũng như thông báo quyền, nghĩa vụ phát sinh khi hủy hợp đồng.

Theo quy định tại Điều 48 Luật đấu giá tài sản 2016, kể từ lúc công bố kết quả trúng đấu giá thì người trúng đấu giá sẽ phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Nhưng vì trường hợp này cần có quyết định công nhận, nên trường hợp này đơn vị trúng đấu giá sẽ bắt đầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo thông báo nộp tiền từ cơ quan thuế. Cụ thể là theo thông báo mà Cục thuế TPHCM ban hành vào ngày 6/1.

“Nếu chưa đến hạn mà công ty trúng đấu giá có thông báo về việc không tiếp tục thực hiện kết quả trúng đấu giá, thì đây được xem như là hành vi đơn phương chấm dứt của họ. Trường hợp này, bắt buộc các cơ quan có liên quan sẽ trình hồ sơ lên UBND TPHCM. Căn cứ vào điểm D khoản 5 Điều 68 Nghị định 43/2014, UBND TPHCM sẽ ban hành quyết định hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá trước đó”, ông Phát nói.

Nếu Công ty TNHH Bất động sản Ngôi Sao Việt tiếp tục không thực hiện việc mua lô đất 3-12 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, xem như bỏ cọc và mất số tiền đặt trước gần 600 tỷ đồng.

Vị luật sư này cho biết thêm, số tiền đặt trước sẽ chuyển thành tiền cọc theo quy định tại khoản 5 Điều 39 của Luật đấu giá tài sản. Vì vậy, nếu đơn vị này tiếp tục không thực hiện nghĩa vụ, xem như bỏ cọc và mất số tiền này. Như vậy, phải tổ chức lại phiên đấu giá mới.

Chưa ngân hàng nào cho vay tiền

Liên quan đến việc rà soát cấp tín dụng cho 4 công ty tham gia đấu giá đất Thủ Thiêm, ông Nguyễn Văn Du, Quyền Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu tất cả các tổ chức tín dụng rà soát và báo cáo về việc có tham gia cho vay, dự thầu và đặt cọc tiền để tham gia đấu giá hay không. Cho đến nay, hầu hết các tổ chức tín dụng đều đã có báo cáo.

Tuy nhiên, ông Du khẳng định, Ngân hàng Nhà nước không chỉ căn cứ qua báo cáo của các tổ chức tín dụng mà còn rà soát qua cả CIC (Trung tâm Thông tin Tín dụng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước) để rà soát kỹ việc này. Quá trình rà soát cho thấy, hiện không có tổ chức tín dụng nào tham gia cho vay để Công ty CP Dream Republic, Công ty CP Sheen Mega, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Thương mại Bình Minh, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt dự đấu giá đất ở Thủ Thiêm. Việc rà soát là để kiểm tra, giám sát chứ không phải cấm các tổ chức tín dụng cho các doanh nghiệp này vay vốn.

Cận cảnh 4 lô đất được TPHCM bán đấu giá trong vào ngày 10/12.

Trong khi đó, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sau khi thông tin đấu giá đất Thủ Thiêm được công bố, Ngân hàng Nhà nước cũng được Chính phủ giao giám sát nghiêm vấn đề cho vay vào lĩnh vực bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã giám sát rất sát sao việc này. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề về lĩnh vực này vừa để cảnh báo, định hướng và tăng cường kiểm tra giám sát dòng tiền. Mục tiêu là hướng dòng tiền vào sản xuất, tránh tình trạng dòng tiền chảy vào lĩnh vực tiềm ẩn yếu tố đầu cơ.

Hiện nay, các bên và các đơn vị có liên quan đang trong quá trình thực hiện kết quả của đấu giá, căn cứ theo hợp đồng và quy định pháp luật. Các bên liên quan gồm người trúng đấu giá, các cơ quan chức năng của TPHCM và UBND TPHCM có trách nhiệm thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định.

“Nếu cá nhân và tổ chức nào có ý kiến gì khác, thì sẽ xem xét, xử lý theo các điều khoản của hợp đồng và theo quy định của pháp luật. Trong khả năng và thẩm quyền của mình, TPHCM tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trúng đấu giá thực hiện sớm dự án. TPHCM cũng kiên quyết chống để xảy ra tình trạng “thổi giá”, chống đầu cơ đất đai. Đặc biệt, TPHCM vẫn luôn theo dõi cũng như có biện pháp cần thiết để quản lý và điều tiết thị trường”, ông Toàn nói.