Đô la tăng giá gợi lên nỗi sợ hãi về khủng hoảng châu Á những năm 1990

Các chính phủ thị trường mới nổi đã đi vay bằng đồng đô la rất nhiều khi lãi suất thấp và hiện đang phải đối mặt với sự gia tăng chi phí tái cấp vốn, gợi lên về cuộc khủng hoảng nợ của châu Á những năm 1990.

Trái phiếu chính phủ bằng đồng đô la từ 1/3 số quốc gia trong Chỉ số trái phiếu chính phủ đô la của các nền kinh tế mới nổi của Bloomberg đang giao dịch với mức chênh lệch từ 1.000 điểm cơ bản trở lên so với trái phiếu Kho bạc Mỹ, đây là một thước thể hiện nguy cơ có rủi ro vỡ nợ.

Sự gia tăng lợi suất đang gợi nhắc các nhà đầu tư về các cuộc khủng hoảng nợ trước đây của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là cuộc khủng hoảng đã càn quét châu Á vào năm 1997 khi đồng nội tệ sụp đổ đẩy nhiều quốc gia rơi vào tình trạng vỡ nợ. Điều này giúp nhận ra một cách đau đớn rằng các khu vực nền kinh tế đang phát triển vẫn đang bị phụ thuộc bởi “original sin” - thuật ngữ phổ biến với các nhà kinh tế để mô tả sự phụ thuộc của các quốc gia đang phát triển vào nợ ngoại tệ.

Lisa Chua, Giám đốc danh mục đầu tư của Quỹ đầu cơ Man Group cho biết: “Sẽ có những quốc gia sẽ vỡ nợ và tái cơ cấu nợ. Các gánh nặng nợ nần gia tăng đang lấn át đầu tư và làm giảm tốc độ tăng trưởng khiến nhiều thị trường mới nổi khó tăng trưởng đủ nhanh để ổn định nợ”.

Khó khăn về nợ không chỉ giới hạn ở các thị trường mới nổi mà hàng loạt người đi vay là các doanh nghiệp trên khắp các thị trường phát triển cũng dễ bị ảnh hưởng bởi lãi suất cao hơn. Nhưng hậu quả từ làn sóng vỡ nợ ở khắp các quốc gia đang phát triển có thể có những tác động lớn hơn nhiều đối với nền kinh tế toàn cầu. Việc vay nợ bằng đồng đô la khiến các quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của tỷ giá hối đoái và sự thay đổi chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), từng là động lực chính đằng sau các cuộc khủng hoảng châu Á năm 1997, sau đó càn quét qua Nga và Mỹ Latinh.

Các thị trường mới nổi dường như đã tránh được sự phụ thuộc vào nợ ngoại tệ, vì nhiều quốc gia đã xây dựng thị trường trái phiếu địa phương và cắt giảm sự phụ thuộc vào nợ ngoại tệ. Nhưng những năm gần đây, một loạt các quốc gia đã tìm kiếm đi vay nợ nước ngoài vì bị thu hút bởi lãi suất toàn cầu chạm đáy và do sự thiếu hụt của thị trường vốn trong nước. Điều đó tiếp tục kéo dài đến năm 2020, dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy đó là thời điểm mà các chính phủ của các thị trường mới nổi và các doanh nghiệp trên toàn thế giới đi vay bằng đồng đô la và đồng euro đạt mức kỷ lục 747 tỷ USD.

Các nhà phân tích tại Man Group cho rằng quy mô tuyệt đối của khoản nợ của các nền kinh tế mới nổi có thể lây nhiễm sang các thị trường phát triển, trong đó thị trường tín dụng châu Âu đặc biệt dễ bị tổn thương.

Trong khi phần lớn các khoản tín dụng gặp khó khăn là các quốc gia nhỏ ở thị trường cận biên, một số quốc gia lớn hơn như Ai Cập, Nigeria và Pakistan cũng nằm trong danh sách. Ngoài Nga và Belarus bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt từ phương Tây, chỉ có Sri Lanka thực sự vỡ nợ vào năm 2022.

Điều đó cho thấy, 15 trong số 23 loại tiền tệ của thị trường mới nổi được Bloomberg theo dõi đã giảm hơn 10% trong năm nay, gây áp lực lớn lên các chính phủ vào thời điểm mà các hóa đơn năng lượng cũng đang tăng. Theo dữ liệu của Bloomberg, chính phủ các nước đang phát triển cần phải đáo hạn hoặc đảo nợ khoảng 350 tỷ USD trái phiếu bằng đồng đô la và đồng euro vào cuối năm 2024.

Các chiến lược gia của Deutsche Bank cho biết, áp lực lên tiền tệ và trái phiếu các nền kinh tế mới nổi sẽ tiếp tục ít nhất cho đến giữa năm 2023, sau đó sức mạnh của đồng đô la có thể giảm bớt. Trong đó, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số các quốc gia có nhiều hơn một nửa khoản nợ của họ bằng ngoại tệ và mức sụt giảm đã đủ lớn để đủ điều kiện xảy ra khủng hoảng.