Doanh nghiệp mệt mỏi vì cán bộ 'sợ' ký

Việc các sở, ngành chậm trong xét duyệt hồ sơ pháp lý khiến hàng trăm dự án bị chậm làm nhiều doanh nghiệp bức xúc.

Điều này không chỉ đi ngược lại chủ trương của Chính phủ mà còn ảnh hưởng lớn đến phục hồi, tăng trưởng kinh tế.

Đúng cũng không giải quyết

Mới đây lãnh đạo Công ty TNHH Gotec Việt Nam đã có đơn gửi Thủ tướng và các cơ quan truyền thông “tố” Sở Xây dựng TP.HCM làm khó dễ, làm sai luật khiến doanh nghiệp (DN) bị thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng.

Cụ thể, dự án khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp ở đường Bến Nghé (Q.7, TP.HCM) đã hoàn thành các thủ tục pháp lý, đã thi công hoàn thành xong phần móng, hầm và tầng 1. Hiện dự án đang tiếp tục thi công các tầng tiếp theo kế hoạch... Nghĩa là theo các quy định của pháp luật, dự án đã đủ điều kiện để được bán. Dù vậy, từ ngày 24.6.2022 đến nay công ty đã nộp hồ sơ nhiều lần đề nghị Sở Xây dựng cấp thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua đối với nhà ở thương mại hình thành trong tương lai nhưng Sở Xây dựng không giải quyết mà “cứ hỏi ý kiến lòng vòng khắp nơi” - lãnh đạo DN này bức xúc.

gotec-1673314800.jpg Dự án của Công ty TNHH Gotec Việt Nam ĐÌNH SƠN

Đại diện Công ty TNHH Gotec cho biết đến nay các khoản thiệt hại trước mắt đã lên khoảng 1.052 tỉ đồng. Nếu không sớm cấp thông báo đủ điều kiện bán nhà, DN sẽ không còn khả năng chi trả chi phí và duy trì hoạt động, mức độ thiệt hại sẽ lớn hơn do các đối tác sẽ ngừng hợp đồng, yêu cầu thanh toán tiền phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại...

“DN cũng bước đường cùng, hết cách rồi nên có làm đơn khiếu nại về việc Sở Xây dựng TP.HCM không giải quyết thủ tục cấp thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật, mặc dù dự án đã đủ điều kiện. Đồng thời, chúng tôi cũng cầu cứu nhờ sự can thiệp của các bộ ngành để giải quyết tình trạng ách tắc khốn khổ hiện nay”, một đại diện Công ty TNHH Gotec Việt Nam cho hay.

Mới đây, Công ty Anh Tuấn cũng đã đưa ra công luận việc dự án Lotus Residence (Q.7, TP.HCM) của công ty đã hơn 5 năm rồi không thể đóng tiền sử dụng đất do các cơ quan chức năng “đá qua đá lại”.

Cụ thể ông Dương Tuấn Tú, Giám đốc Công ty Anh Tuấn, cho biết ngày 27.12.2017, Công ty Anh Tuấn đã nộp hồ sơ vào Sở TN-MT xin được đóng tiền sử dụng đất và được thực hiện nghĩa vụ tài chính cho dự án nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện, dù phía công ty đã chủ động liên hệ với các sở, ban ngành như: Sở

TN-MT, Sở Tài chính, UBND Q.7 và các sở liên quan để hoàn tất thủ tục hồ sơ. Dự án trên do Công ty Anh Tuấn làm chủ đầu tư đã kéo dài 12 năm kể từ ngày có văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư. Nguồn gốc đất thực hiện dự án là do chủ đầu tư tự đền bù, đã được UBND TP.HCM giao đất cho thực hiện dự án vào năm 2017, DN đã thi công hoàn thiện hạ tầng dự án, được Sở Xây dựng duyệt mẫu nhà (thay cho giấy phép xây dựng), nhưng đến nay không được xây dựng nhà ở thấp tầng.

Trong 12 năm qua, Công ty Anh Tuấn phải “gồng mình” xoay trở để tồn tại, chi phí tài chính từ dự án phát sinh lớn gấp nhiều lần so với hiệu quả dự tính trước đây từ dự án. “Mệt mỏi chờ đợi được đóng tiền sử dụng đất. Công ty đã nhiều năm làm văn bản gửi lên Sở TN-MT, Sở Tài chính xin được nộp tiền sử dụng đất mà không được”, ông Dương Tuấn Tú cho biết.

Lãnh đạo Công ty xây dựng V.P.A cũng cho biết đang soạn hồ sơ để đưa ra công luận việc bị cơ quan chức năng, cán bộ làm khó, không giải quyết hồ sơ cho DN. Đến nay tình hình kinh doanh của DN đang rất khó khăn nhưng tất cả mọi thủ tục đều không được ai giải quyết dù đúng hay sai, dù đơn giản hay phức tạp. “Tình trạng này kéo dài không biết rồi tương lai chúng tôi sẽ đi về đâu”, đại diện công ty bức xúc.

Nước đi cuối cùng

Luật sư Trần Minh Cường, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết trước sức ép sống còn, các DN hiện nay buộc phải lựa chọn phương án gần như là cuối cùng, đó là “đối đầu” với cơ quan chức năng như khiếu nại thậm chí tố cáo, khởi kiện trước các việc chậm giải quyết các thủ tục hành chính hoặc các hành vi khác mà DN cho rằng đang gây khó khăn cho mình.

“Khi triển khai một dự án tại địa phương, DN sẽ rất cần sự quan tâm ủng hộ của các cơ quan chức năng để dự án nhanh chóng hoàn thiện. Nhưng khi bị dồn vào bước đường cùng, cộng với các chi phí bỏ ra quá lớn khiến cho DN buộc phải lựa chọn hoặc là phải phá sản/giải thể hoặc phải “đối đầu” với cơ quan chức năng để hy vọng rằng được lắng nghe và giải quyết nhanh chóng, từ đó có thể cứu họ thoát cửa tử”, luật sư Cường nói và nhấn mạnh đây được xem là nước đi cuối cùng.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết năm 2022, ông đã nhận định thị trường bất động sản (BĐS) đang gặp nhiều khó khăn và vướng mắc, trong đó lớn nhất là tính pháp lý. HoREA đã liên tục gửi đi các công văn kiến nghị gỡ khó về pháp lý cho hàng trăm dự án. Đến ngày cuối năm 2022 (31.12) HoREA gửi một lúc 3 văn bản kiến nghị lên Tổ công tác của Thủ tướng và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho 3 dự án nhà ở thương mại của 3 DN BĐS, nâng tổng số dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, đô thị được HoREA kiến nghị lên đến 149 dự án.

“Vướng mắc pháp lý là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án BĐS trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh, mà nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất. Không những vậy, thủ tục hành chính rắc rối, phức tạp, thiếu liên thông làm kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục hành chính đối với các dự án BĐS, kể cả dự án nhà ở xã hội (mất khoảng 3 - 5 năm); thậm chí làm mất cơ hội kinh doanh và tăng chi phí đầu tư của DN.

Các dự án bị chậm có nguyên nhân do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý trong một số cán bộ công chức dẫn đến đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, không dám đề xuất, không dám ký. Ông Lê Hoàng Châu

Trong luật Đầu tư mới đây quy định quy trình đầu tư một dự án nhà ở thương mại sẽ thực hiện tại một cửa là Sở KH-ĐT. Dù thủ tục này theo cơ chế một cửa nhưng lại bị mất nhiều thời gian hơn, thậm chí bị “tắc” ngay tại cửa đầu tiên. Nếu so với trước đây làm theo cơ chế nhiều cửa thì DN có thể đồng thời làm việc trực tiếp với từng sở, ngành, quận, huyện để được thẩm định nên có kết quả nhanh hơn hiện nay.

“Quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại bị ách tắc ngay từ bước 1 của thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại do Sở KH-ĐT thực hiện. Do vậy, đi đôi với việc xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất thì đề nghị các bộ, ngành, các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư khẩn trương thực hiện Chỉ thị số 13 của Thủ tướng. Trong đó yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất ban hành quy định hướng dẫn trình tự triển khai thực hiện đối với dự án nhà ở, khu đô thị, xây dựng quy trình chuẩn về thủ tục đầu tư dự án đô thị, nhà ở thương mại. Nếu có một bộ quy chuẩn để các cơ quan chức năng cứ thế nhìn vào mà làm thì không chỉ tốt cho DN mà còn tốt, an toàn cho cả cán bộ công chức, những người hiện nay đang rất sợ trình, sợ ký”, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.