Doanh nghiệp tự quyết giá thì không nên giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Theo TS.Nguyễn Quốc Việt, nếu cho doanh nghiệp tự quyết giá mà vẫn duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quá vô lý và hoàn toàn đi ngược kỳ vọng đưa giá xăng dầu tiến sát thị trường theo quan điểm của nhà quản lý.

Đề xuất doanh nghiệp tự quyết định giá bán

Tại dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi công thức giá và phương pháp công bố giá cơ sở xăng dầu. Theo đó, việc sửa đổi thực hiện theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá gồm giá thế giới (giá Platt’s), các loại thuế thu vào ngân sách Nhà nước, lợi nhuận định mức, mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá, định hướng cho việc tính giá xăng dầu.

Các doanh nghiệp căn cứ các chi phí thực tế (gồm các chi phí kinh doanh, chi phí vận chuyển, premium...) để tự xác định và công bố giá bán lẻ của doanh nghiệp, thực hiện kê khai giá khi thay đổi giá và báo cáo về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát (như đối với các mặt hàng bình ổn giá khác theo quy định tại Luật Giá).

xang-dau-1-1673315355.jpg
 

 

Theo Bộ Công Thương, ưu điểm của phương án này là bảo đảm các chi phí trong giá xăng dầu theo thực tế phát sinh đối với từng doanh nghiệp, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào giá bán xăng dầu, đưa giá xăng dầu dần theo thị trường quyết định, hạn chế việc đầu cơ găm hàng, khuyến khích các doanh nghiệp tạo nguồn cung ổn định cho thị trường.

 

“Khi các doanh nghiệp đầu mối được tự quyết định các chi phí trong kinh doanh xăng dầu, vấn đề chiết khấu cho các doanh nghiệp thuộc hệ thống phân phối sẽ được giải quyết. Các doanh nghiệp đầu mối sẽ cân đối và duy trì chiết khấu trong hệ thống ở mức phù hợp với thực tế cung cầu xăng dầu trên thị trường từng giai đoạn và giúp thúc đẩy tính cạnh tranh”, Bộ Công Thương lý giải.

Nhược điểm phương án này, Bộ Công Thương đặt ra tình huống sẽ có nhiều mức giá xăng dầu trên thị trường. Khi người dân chưa quen sẽ có phản ứng đối với giá xăng dầu của các doanh nghiệp có chi phí cao.

Bên cạnh đó, đối với những địa bàn không có nhiều doanh nghiệp cung cấp xăng dầu cho thị trường (mức độ cạnh tranh kém), quy định này sẽ không khuyến khích doanh nghiệp tiết giảm chi phí kinh doanh để giảm giá bán xăng dầu.

Đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, do phát sinh chi phí cao, mức độ cạnh tranh thấp nên người dân có thể phải mua xăng dầu với giá cao hơn các địa bàn khác.

Tuy nhiên, so sánh với quy định hiện hành, Bộ Công Thương lựa chọn phương án mới này. Theo đó, Nhà nước chỉ công bố giá định hướng (gồm các yếu tố giá thế giới, thuế, lợi nhuận định mức, mức trích lập Quỹ Bình ổn giá), các chi phí khác do các doanh nghiệp tự xác định và chịu trách nhiệm trước các cơ quan kiểm toán.

“Đề nghị Bộ Tài chính xem xét, lựa chọn phương án và viết nội dung sửa đổi nghị định để gửi Bộ Công Thương tổng hợp như đã phân công trong ban soạn thảo, tổ biên tập”, Bộ Công Thương đề xuất.

Còn nhiều bất cập

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, ủng hộ để doanh nghiệp tự quyết giá bán lẻ xăng dầu với kỳ vọng sự bất cập về lợi nhuận tối thiểu cho doanh nghiệp bán lẻ sẽ được giải quyết. Tuy nhiên theo ông Việt, ngay các quy định đưa ra trong dự thảo đã có sự mâu thuẫn nhất định. Chẳng hạn cho doanh nghiệp tự quyết giá, vậy duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu để làm gì? Nếu vẫn duy trì quỹ là quá vô lý và hoàn toàn đi ngược kỳ vọng đưa giá xăng dầu tiến sát thị trường theo quan điểm của nhà quản lý.

Thứ hai, song song với việc tự quyết giá, phải nới cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu có thể lấy nguồn hàng từ nhiều hơn một nhà phân phối, đầu mối khác nhau. Không thể bắt buộc chủ cây xăng chỉ ký với một đơn vị phân phối, đầu mối lấy hàng như hiện nay được.

“Giá cả theo cơ chế thị trường phải đi đôi với tự do cạnh tranh cung - cầu và đặc biệt là tự do lựa chọn bạn hàng, đối tác. doanh nghiệp đầu mối tự quyết giá bán, nhưng nếu doanh nghiệp thống lĩnh thị trường đưa ra mức giá bán mang tính áp đặt thì phần thiệt thòi là người tiêu dùng, doanh nghiệp bán lẻ. Dự thảo nghị định tháo chỗ này, giữ chỗ khác và vẫn còn nặng tư duy bao cấp là vậy. Ngoài ra, với lo ngại về việc giá cả xăng dầu tại vùng sâu, vùng xa có thể tăng khi cho doanh nghiệp tự quyết giá bán vì chi phí vận chuyển, cần có quy định và phải có kiểm tra tính hợp lý của các chi phí tự khai của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ giá cả trực tiếp cho từng lít xăng bán ra tại thị trường vùng xa, sâu… cũng có thể áp dụng được. Theo tôi biết, việc chia giá bán lẻ xăng dầu theo 2 giá thuộc vùng 1 (gần cảng, kho) và vùng 2 (xa cảng, kho), giá xăng cũng do doanh nghiệp đầu mối lớn quy định và áp giá bán. Giá bán ở vùng 2 luôn cao hơn giá vùng 1, địa phương đang mua xăng dầu giá cao (vùng 2) hơn giá cơ sở của nhà nước quy định chiếm hơn 48/63 tỉnh thành”, TS Nguyễn Quốc Việt nêu quan điểm.

Hiện giá xăng dầu được điều hành theo hướng Nhà nước quy định công thức giá cơ sở đầy đủ, đây là cơ sở để cơ quan nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Cụ thể, Nhà nước công bố mức giá điều hành như mức giá trần để các doanh nghiệp tự xác định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống của doanh nghiệp không cao hơn mức giá bán lẻ nhà nước công bố.

Liên quan đến mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu, tại dự thảo, Bộ Công Thương giữ quan điểm không quy định cụ thể mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu để các doanh nghiệp chủ động đàm phán với nhau cho phù hợp và linh hoạt với biến động cung cầu của thị trường trong từng giai đoạn.

Đối với đề xuất các đại lý bán lẻ được lấy từ nhiều nguồn, Bộ Công Thương không đồng tình. Bộ này vẫn giữ quan điểm đại  lý tiếp tục chỉ được lấy từ một nguồn. Điều này nhằm phù hợp với Luật Thương mại và quyền, nghĩa vụ của đại lý.

Bộ Công Thương muốn Bộ Tài chính điều hành xăng dầu

Đối với đề xuất giao Bộ Công Thương là đầu mối duy nhất điều hành xăng dầu, Bộ này bày tỏ không đồng tình. Bộ Công Thương muốn giao toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu và tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính chủ trì thực hiện. Bộ Công Thương sẽ phối hợp theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Lý do lựa chọn này, theo Bộ Công Thương, là nhằm tập trung việc quản lý điều hành giá về một đầu mối và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tài chính.