Doanh nghiệp xăng dầu rơi vào thế khó

28/01/2022 09:28

Việc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất khiến nhiều doanh nghiệp vất vả tìm nguồn cung xăng dầu mới. Một số phải đóng cửa vì khan hiếm nguồn cung, càng bán càng lỗ.

Có 5 cửa hàng xăng dầu nằm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ - Sản xuất Thắng Thành, cho biết ông buộc phải đóng cửa một số cửa hàng do thiếu nguồn cung trầm trọng và giá bán ra thấp hơn giá nhập vào. "Một lít xăng dầu nhập về cao hơn bán ra 200 đồng vì giá xăng dầu bán ra theo quy định của nhà nước. Càng bán càng lỗ nặng", ông than.

Theo ông Thắng, gần đây thương nhân đầu mối không những cắt giảm hoa hồng đến mức quá thấp mà bản thân doanh nghiệp bán lẻ còn phải tự bỏ ra chi phí để vận chuyển xăng, dầu từ kho đầu mối về cửa hàng. Tính ra một ngày doanh nghiệp mất khoảng vài triệu đến vài chục triệu đồng vì chịu thêm nhiều chi phí.

Ngoài ra, ông cho biết gần đây nguồn cung xăng dầu cũng không dồi dào như trước. "Mỗi lần nhập, doanh nghiệp chỉ được cung ứng khoảng 12 m3 xăng, dầu chứ không được 24 m3 như trước vì thiếu hàng", giám đốc doanh nghiệp này nói.

Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực xăng dầu đang rơi vào thế khó khi nguồn cung xăng dầu giảm, giá mua cộng vào và các chi phí kèm theo cao hơn giá bán ra.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã phải đóng cửa vì khan hiếm nguồn cung, càng bán càng lỗ. Ảnh: Phạm Thắng.

Chật vật tìm nguồn cung mới

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Văn Tiu - Giám đốc Công ty cổ phần xăng dầu Tự Lực 1 - cũng cho biết hiện nay mức chiết khấu cho mỗi lít xăng, dầu đều giảm mạnh, còn khoảng 200-300 đồng/lít.

Theo ông, việc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất khiến doanh nghiệp đầu mối xăng dầu như ông phải chật vật tìm kiếm nguồn cung cấp xăng, dầu dự trữ.

"Bộ Công Thương đã có chỉ đạo về việc các doanh nghiệp đầu mối có kế hoạch nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước. Do đó, công ty cũng chủ động triển khai cố gắng nhập hàng từ nhiều đơn vị khác để đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho các đơn vị tiêu thụ trong hệ thống", ông nói.

Là đơn vị đầu mối có thị phần cung cấp xăng dầu lớn thứ hai ở trong nước, đại diện lãnh đạo của PVOIL cho biết luôn phối hợp chặt chẽ với các nhà máy lọc dầu trong nước cũng như các nhà cung cấp ở nước ngoài để đảm bảo nguồn cung ứng ổn định cho hệ thống phân phối.

"PVOIL cũng đề nghị các nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn thường xuyên cập nhật kịp thời tình hình sản xuất để trong trường hợp nguồn cung xăng dầu trong nước gặp khó khăn. Đồng thời, cần chủ động triển khai phương án phù hợp, kết hợp sử dụng nguồn xăng dầu dự trữ lưu thông phân phối cũng như nhập khẩu để bù đắp cho nguồn hàng thiếu hụt", đại diện PVOIL khẳng định.

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất khiến các doanh nghiệp đầu mối phải tính phương án dự phòng. Ảnh: Minh Hoàng.

Với hệ thống phân phối hơn 620 cửa hàng bán lẻ và hệ thống kho cảng được phân bổ khắp cả nước, PVOIL khẳng định có đủ cơ sở vật chất và năng lực cung cấp đầy đủ xăng dầu cho hệ thống khách hàng, đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Là doanh nghiệp nhập khoảng 235.000-265.000 m3 xăng dầu/tháng từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn qua công ty thuộc PVN, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng sự việc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ngưng cung cấp xăng dầu mà không có lý do thỏa đáng là rất nghiêm trọng, không tuân thủ hợp đồng và thông lệ quốc tế. Điều này khiến Petrolimex không thể có giải pháp xử lý kịp thời.

"Petrolimex sẽ yêu cầu doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn, nếu cung ứng thiếu so với hợp đồng phải có nghĩa vụ mua bổ sung nguồn hàng thay thế theo quy định của Nghị Định 95. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu bổ sung và điều tiết hệ thống phân phối để đáp ứng tốt nhất theo khả năng và tồn kho thị trường", đại diện Petrolimex cho biết.

Không phải trách nhiệm của PVN

Trước đó, trong văn bản gửi cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) cho biết phải hủy nhập 2 tàu dầu thô trong tháng 1 và đối diện với nguy cơ dừng hoạt động vào ngày 13/2 do khó khăn nghiêm trọng về tài chính, bắt nguồn từ việc Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) chưa phê duyệt gia hạn thỏa thuận RPA và thanh toán sớm hợp đồng (EP) FPOA.

Tuy nhiên, ngày 26/1, đại diện PVN khẳng định theo điều lệ công ty, ban điều hành NSRP phải chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm công tác nhập dầu thô và công suất vận hành nhà máy…

"Việc NSRP tự ý hủy nhập 2 chuyến tàu dầu thô dẫn đến nguy cơ dừng hoạt động nhà máy hoàn toàn thuộc phạm vi trách nhiệm của ban điều hành NSRP, không liên quan tới việc phê duyệt gia hạn RPA và EP. Các vấn đề về RPA và EP là các nội dung nằm trong phương án tái cấu trúc tổng thể NSRP và đang trong quá trình đàm phán", đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông tin.

Thông tin thêm về tình hình hoạt động của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, PVN cho biết dự án được đưa vào vận hành thương mại trong bối cảnh toàn thế giới có xu thế dịch chuyển nguồn năng lượng từ năng lượng tái tạo, thay thế động cơ đốt trong bằng động cơ điện nên nhu cầu xăng dầu giảm.

Việc NSRP tự ý hủy nhập 2 chuyến tàu dầu thô dẫn đến nguy cơ dừng hoạt động nhà máy hoàn toàn thuộc phạm vi trách nhiệm của ban điều hành NSRP, không liên quan tới việc phê duyệt gia hạn RPA và EP.

Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN).

Đồng thời, thị trường biến động bất lợi, biên lợi nhuận chế biến của ngành lọc dầu giảm mạnh và tác động của dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng lớn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của dự án.

Bên cạnh đó, công tác quản trị của NSRP do phía nước ngoài điều hành còn nhiều bất cập cũng đã góp phần vào các khó khăn về tài chính hiện nay của nhà máy.

"Do đó, việc tái cấu trúc tổng thể NSRP là nhu cầu cần thiết và cấp bách. Tập đoàn đang trong giai đoạn đàm phán với các bên góp vốn nước ngoài về nội dung tái cấu trúc", đại diện PVN cho biết thêm.

Trao đổi với Zing, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết ngay khi nhận được thông tin Bộ đã làm việc với lãnh đạo nhà máy cùng các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối xăng dầu nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước.

Bộ Công Thương yêu cầu Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn phải báo cáo tiến độ, kế hoạch và tiến độ giao hàng các hợp đồng đã ký với các thương nhân đầu mối xăng dầu không để ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu trong nước.

"Bộ cũng yêu cầu doanh nghiệp khác có kế hoạch nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, cung ứng đủ, liên tục nguồn hàng xăng dầu cho các đơn vị tiêu thụ trong hệ thống", ông nói.

Về lo ngại thiếu nguồn cung xăng dầu, lãnh đạo Vụ thị trường trong nước khẳng định, Bộ có trách nhiệm trong việc đảm bảo nguồn cung thị trường trong nước và sẽ có chỉ đạo để doanh nghiệp thực hiện nghiêm vấn đề này.

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp xăng dầu rơi vào thế khó" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP - DOANH NHÂN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#