Doanh nghiệp xuất khẩu gạo: Nhiều thuận lợi nhưng thiếu vốn

Có nhiều cơ hội từ thị trường quốc tế, tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu gạo rơi vào tình trạng "thế chấp hết tài sản cũng không đủ tiền nhập hàng".

Xuất khẩu gạo đạt vượt xa kỳ vọng với sản lượng khoảng 7,1 triệu tấn, tương đương với hơn 3,54 tỷ USD là một trong những điểm sáng của ngành nông nghiệp năm 2022. Không chỉ bứt phá về sản lượng và kim ngạch, gạo Việt Nam cũng từng bước nâng cao giá bán. Năm 2022, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt 485 USD/tấn, cao hơn nhiều các đối thủ mạnh như Thái Lan, Ấn Độ, trong đó có một số loại gạo chất lượng cao đạt mức giá trên 1.000 USD/tấn.

Tiếp đà thuận lợi, trong tháng đầu tiên của năm 2023, mặc dù trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhưng xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn đạt gần 360 nghìn tấn. Sản lượng có giảm khoảng gần 30% so với tháng 12/2022, tuy nhiên giá xuất khẩu tăng tới gần 7%.

Trao đổi với Bộ Công thương, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nhận định, nhìn chung hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục duy trì được sự ổn định trong quý I và quý II/2023, bởi nhu cầu dự trữ lương thực vẫn đang có chiều hướng gia tăng, dưới ảnh hưởng của bất ổn địa chính trị.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo ra thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Trước đây, Trung Quốc là đối tác nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam, duy trì ổn định khoảng 2 - 3 triệu tấn mỗi năm, tuy nhiên những năm gần đây giảm di do chính sách đa dạng nguồn cung.

Trung Quốc mở cửa biên giới đúng vào thời điểm thời tiết bất lợi khiến Ấn Độ và Trung Quốc phải giảm sản lượng gạo. Chủ tịch VFA nhận xét, đây chính là thời cơ để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang Trung Quốc

Bộ Công thương dự báo, xuất khẩu gạo năm 2023 sẽ đạt 6,5 - 7 triệu tấn, trong đó 6 tháng đầu năm xuất khẩu hơn 4,1 triệu tấn. Lập luận cho dự báo này, theo Bộ Công thương, xuất khẩu gạo gặp nhiều thuận lợi có thể kể đến như biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng hạn hán ở Mỹ, châu Âu; Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm và hạn chế xuất khẩu gạo trắng…

Mặt khác, gạo Việt Nam cũng có cơ hội xâm nhập sâu hơn vào một số thị trường lớn. Đơn cử như châu Phi với mức tiêu thụ hàng năm lên đến 42 triệu tấn nhưng Việt Nam mới chỉ xuất khẩu được sang 2,43 triệu tấn, hay thị trường EU cấp hạn ngạch cho Việt Nam 80 nghìn tấn miễn thuế 175 Euro/tấn…

Doanh nghiệp thiếu vốn

Nhìn nhận được những thuận lợi trước mắt, tuy nhiên, trao đổi với Bộ Công thương, cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu gạo bày tỏ băn khoăn khi đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn do điều kiện tín dụng của các ngân hàng thương mại dành cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo tương đối chặt chẽ, khó đáp ứng nhu cầu thu mua và dự trữ gạo khi giai đoạn thu hoạch vụ Đông Xuân đang đến gần.

Mặt khác, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất gạo cũng như chi phí vận tải đang tăng cao, thậm chí là hình thành mặt bằng giá mới do ảnh hưởng của thiên tai và biến động địa chính trị.

Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Lương thực Phương Đông, cho biết, với mức lãi suất cao lên đến 8 - 10% như hiện nay, nhiều nhà máy gạo đã không còn đủ lợi nhuận để duy trì và phải tính đến chuyện cho thuê lại. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp dù đã thế chấp hết tài sản nhưng vẫn không đủ vốn thu mua gạo.

Cùng chung nỗi trăn trở, ông Nguyễn Văn Nhựt, Tổng giám đốc Công ty CP Hoàng Minh Nhựt so sánh, tình hình doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo giống như “cơm dọn sẵn lên bàn mà không được ăn” bởi không có tiền.

“Thu mua 10 nghìn tấn gạo cần khoảng 150 - 200 tỷ đồng, vậy nếu thu mua 1 triệu tấn thì làm sao đủ tiền”, ông Nhựt bày tỏ với Bộ Công thương, đồng thời đề xuất cần ban hành chính sách cho doanh nghiệp được tín chấp hoàn toàn khi đến vụ thu hoạch.

Một khó khăn khác được ông Võ Công Thức, Giám đốc quản lý chất lượng Tập đoàn Lộc Trời, chỉ ra, là logistics kém chất lượng, kém đồng bộ, dẫn đến việc tổn thất về khối lượng từ 11 - 13%, tổn thất về chất lượng từ 3 - 5% sau khi thu hoạch.

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, cũng nhìn nhận vấn đề này như một thách thức lớn. Theo ông Chinh, cước vận tải đường bộ ra đến cảng biển để xuất khẩu thậm chí còn đắt hơn cả cước vận tải biển xuất đi Singapore hoặc Hồng Kông, gây tốn kém cho doanh nghiệp.

Giải quyết khúc mắc cho doanh nghiệp, ông Chinh đề nghị doanh nghiệp tại địa phương, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hỗ trợ đầu tư vận tải và các điểm bốc hàng, đóng container để thuận lợi hóa hoạt động xuất khẩu.

Về vấn đề thiếu vốn, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cho biết, cần phải thấu hiểu thế khó của các ngân hàng thương mại, về bản chất cũng là doanh nghiệp, cũng cần hoạt động hiệu quả và hạn chế rủi ro. Do đó, rất cần có cơ chế hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp xuất khẩu gạo và ngân hàng thương mại, đơn cử như việc ngân hàng cho vay dựa trên hợp đồng xuất khẩu gạo mà doanh nghiệp đã ký kết.