Doanh thu FLC Stone (AMD) giảm 92% so với cùng kỳ

Kết quả kinh doanh của FLC Stone đi xuống dù lãnh đạo công ty khẳng định mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường sau khi ông Trịnh Văn Quyết vướng vòng lao lý.

flc-stone-1658980302.jpg FLC Stone hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác và chế biến đá, phục vụ trong xây dựng. (Ảnh: AMD).

 

FLC Stone báo lỗ

CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (Mã: AMD) vừa cho biết tổng doanh thu quý II vừa qua đạt 34,4 tỷ đồng, giảm 92% so với cùng kỳ 2021.

Công ty không giải trình nguyên nhân khiến doanh thu lao dốc nhưng cho biết sự sa sút của doanh thu cùng với chi phí trích lập dự phòng bổ sung cho một số khoản nợ khó đòi đã làm cho công ty lỗ sau thuế 24 tỷ đồng, trái ngược với lợi nhuận 5 tỷ đồng trong quý II/2021. Biểu đồ bên dưới cho thấy đây là lần đầu tiên FLC Stone báo lỗ.

flc-stone-2-1658980600.png FLC Stone lần đầu báo lỗ kể từ khi lên sàn.

Báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy tổng giá trị gốc các khoản nợ xấu của FLC Stone tại ngày 30/6 năm nay là hơn 55 tỷ đồng, trong đó giá trị có thể thu hồi là 27,4 tỷ đồng, tức là chỉ khoảng một nửa giá gốc.

Các doanh nghiệp mới trong danh sách nợ xấu của FLC Stone tại ngày cuối quý II năm nay được liệt kê trong bảng bên dưới. Doanh nghiệp có nợ xấu nhiều nhất là CTCP Công nghệ TMC với giá trị nợ gốc hơn 35 tỷ đồng, xếp thứ hai là CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) với 6,5 tỷ đồng. FLC Stone phải trích lập dự phòng khoảng 50% giá trị nợ xấu.

flc-stone-3-1658980630.png Các khoản nợ xấu này mới xuất hiện tại báo cáo ngày 30/6/2022, chưa xuất hiện tại ngày 31/3/2022 hay 31/12/2021.

Tác động của FLC tới FLC Stone

FLC Stone thông báo kết quả kinh doanh đi xuống sau khi Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Công lên tiếng trấn an nhà đầu tư tại đại hội cổ đông thường niên 2022 tổ chức hôm 16/6.

Ông Công cho biết FLC Stone vẫn hoạt động bình thường sau khi ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Tập đoàn FLC và Bamboo Airways) bị bắt tạm giam hôm 29/3 với cáo buộc vi phạm pháp luật về chứng khoán.

Ông Trịnh Văn Quyết không phải là cổ đông lớn và không phải lãnh đạo trực tiếp điều hành FLC Stone nên “việc khởi tố là việc cá nhân của ông Trịnh Văn Quyết, không liên quan gì tới công ty chúng ta”, Chủ tịch FLC Stone tuyên bố trước đại hội sáng 16/6.

Theo cơ quan điều tra, ông Trịnh Văn Quyết và một số cá nhân liên quan đã thao túng giá của 6 mã chứng khoán gồm: FLC của Tập đoàn FLC, ROS của Xây dựng FLC Faros, ART của Chứng khoán BOS, HAI của Nông dược HAI, GAB của Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC, và AMD của FLC Stone.

Chủ tịch FLC Stone Nguyễn Đức Công khẳng định công ty không kinh doanh hay đầu tư chứng khoán, nên không liên quan tới hoạt động giao dịch chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết mà cơ quan điều tra đang tìm hiểu.

“Quý vị cổ đông hoàn toàn yên tâm về tính pháp lý, chúng tôi đang thực hiện rất sát sao đúng theo chỉ đạo của cơ quan nhà nước, Ủy ban Chứng khoán”, ông Nguyễn Đức Công nói.

Mặc dù tên gọi có chữ FLC nhưng FLC Stone không phải là công ty con hay công ty liên kết của Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết cũng không nắm quyền điều hành hay sở hữu đa số cổ phiếu AMD.

Tuy nhiên, Tập đoàn FLC là một trong những khách hàng quan trọng, mua lượng lớn sản phẩm đá của FLC Stone cho các công trình quần thể nghỉ dưỡng ở Quảng Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, ... Vì vậy, khi Tập đoàn FLC gặp khó khăn thì hoạt động của FLC Stone trong những tháng qua cũng ít nhiều bị tác động.

Tại ngày 30/6/2022, FLC Stone đang ghi nhận khoản mục người mua trả tiền trước của Tập đoàn FLC xấp xỉ 40 tỷ đồng, của FLC Faros hơn 3,7 tỷ đồng. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC Lã Quý Hiển từng giữ chức Thành viên HĐQT FLC Stone.

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá cổ phiếu FLC và AMD đều đã giảm khoảng 60-70%.

flc-stone-4-1658981531.png  FLC mất 70,4% giá trị so với cuối năm 2021, AMD mất 62%.