Theo đó, DHC vừa quyết định giải thể CTCP Bao bì Đông Hải do điều chỉnh chủ trương đầu tư, thành lập CTCP Giấy Giao Long và đồng thời cũng bãi bỏ kế hoạch góp vốn vào CTCP Bao bì Đông Hải.
Trước đó, ngày 16/6, DHC thông qua kế hoạch góp vốn đợt 1 với giá trị 99 tỷ đồng vào CTCP Bao bì Đông Hải, thời gian thực hiện chậm nhất vào ngày 29/6/2022.
Được biết, DHC dự kiến góp tổng 247,5 tỷ đồng, tương đương 99% vốn điều lệ thành lập CTCP Bao Bì Đông Hải, trụ sở tại Lô AIII, KCN Giao Long, xã An Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2022, Đông Hải Bến Tre ghi nhận doanh thu đạt 1.032 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 117,92 tỷ đồng, lần lượt tăng 1,5% và giảm 31,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 23,1% về còn 18,5%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 18,6% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 43,77 tỷ đồng về 191,08 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 11,2%, tương ứng tăng thêm 5,39 tỷ đồng lên 53,38 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể. Như vậy, trong kỳ mặc dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận lại giảm mạnh chủ yếu do biên lợi nhuận gộp thu hẹp và chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp tăng cao.
Công ty thuyết minh trong kỳ sản lượng sản xuất ổn định, giá giấy bán ra tăng, giá giấy nguyên liệu và các chi phí đầu vào tăng mạnh. Kết thúc quý đầu năm với lợi nhuận sau thuế đạt 117,92 tỷ đồng, Công ty hoàn thành 26,2% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính tới 31/3/2022, tổng tài sản của Đông Hải Bến Tre tăng 16,7% so với đầu năm lên 2.802,7 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định đạt 1.028,9 tỷ đồng, chiếm 36,7% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 804,9 tỷ đồng, chiếm 28,7% tổng tài sản; tồn kho đạt 571,5 tỷ đồng, chiếm 20,4% tổng tài sản và các tài sản khác.
Trong kỳ, tồn kho tăng 78,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 251,6 tỷ đồng lên 571,5 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 20,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 138,32 tỷ đồng lên 804,92 tỷ đồng …
Công ty có thuyết minh trong kỳ nguyên liệu, vật liệu tăng thêm 183,1 tỷ đồng lên 385,7 tỷ đồng; hàng đang đi trên đường tăng thêm 41,7 tỷ đồng lên 111,5 tỷ đồng …
Về kế hoạch kinh doanh, năm 2022, DHC đặt kế hoạch doanh thu thuần 3.900 tỷ đồng, giảm 6%; lợi nhuận trước thuế dự kiến và thực hiện năm ngoái tương đương nhau, lần lượt 515 tỷ đồng và 511 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 450 tỷ đồng, giảm 7% so với thực hiện 2021.
Nói về lý do đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2022 thấp hơn thực hiện 2021, ông Lê Bá Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc DHC cho biết, từ năm 2022, nhà máy giấy Giao Long sẽ đóng 50% mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến giá giấy OCC, giá hơi hóa chất, giá xăng dầu làm chi phí vận chuyển tăng, cộng thêm một số công quay lại bán tại thị trường trong nước do không thể xuất khẩu, trong khi giá bán không thể tăng làm doanh thu giảm.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/7, cổ phiếu DHC giảm 3,08% xuống mức 67.800 đồng/cp, khối lượng giao dịch đạt 138.600 đơn vị.
DHC sắp chi hàng chục tỷ đồng trả cổ tức đợt 3/2021
Theo đó, DHC thông qua kế hoạch chi trả cổ tức đợt 3/2021 bằng tiền tỷ lệ 10%, tương đương với cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 20/7/2022. Ngày thanh toán là ngày 30/08/2022. Với gần 70 triệu cổ phiếu đang lưu hành, DHC dự chi khoảng 70 tỷ đồng để thanh toán cổ tức cho cổ đông vào ngày 30/8.
Tại ĐHCĐ 2022 tổ chức ngày 17/6, cổ đông DHC đã thông qua tổng tỷ lệ cổ tức năm 2021 là 50%, bao gồm 15% bằng cổ phiếu và 35% bằng tiền mặt, điều chỉnh so với kế hoạch 25% cổ phiếu và 25% tiền mặt như đã nêu trong tài liệu họp. Trước đó, doanh nghiệp đã tạm ứng cổ tức năm trước bằng tiền đợt 1 tỷ lệ 10% vào ngày 5/10/2021 và đợt 2 tỷ lệ 15% ngày 6/6/2022.
DHC sẽ phát hành 10,5 triệu cổ phiếu tỷ lệ 15% để trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2021. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III, IV năm nay sau khi được sự chấp thuận của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Sau phát hành, vốn điều lệ sẽ tăng từ 699,9 tỷ đồng lên 804,9 tỷ đồng.
DHC muốn vay hơn 1.000 tỷ đồng tại nhiều ngân hàng
Hội đồng quản trị CTCP Đông Hải Bến Tre (Mã: DHC) vừa công bố nghị quyết vay tối đa 1.100 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), vay 50 tỷ đồng từ Ngân hàng Shinhan Việt Nam và 5 triệu USD từ Ngân hàng CTBC. Mục đích vay nhằm bổ sung vốn lưu động theo kế hoạch kinh doanh năm 2022.
Đối với khoản tín dụng với Vietcombank, tài sản thế chấp là các tài sản thuộc sở hữu của DHC, bao gồm máy in màu, xe ô tô, toàn bộ tài sản thế chấp gắn liền với đất, các máy móc thiết bị chính của dự án sản xuất giấy Kraft và toàn bộ tài sản thuộc Nhà máy Giấy Giao Long giai đoạn 2.
Còn khoản vay với Shinhan được gia hạn từ ngày 9/10/2021 đến 9/10/2022, được đảm bảo bằng các khoản phải thu giá trị 60 tỷ đồng từ khách hàng.
Khoản vay với Ngân hàng CTBC nhằm phát hành L/C, phát hành bảo lãnh ngân hàng (thư tín dụng dự phòng), vay thanh toán nhờ thu và vay ngắn hạn thanh toán nguyên vật liệu. Công ty đem các khoản phải thu từ khách hàng trị giá 5 triệu USD để đảm bảo cho khoản vay từ Ngân hàng CTBC nói trên.
Tính đến cuối năm 2021, DHC chỉ đi vay ngắn hạn hơn 370 tỷ đồng, trong đó 177 tỷ đồng từ Vietcombank, Shinhan gần 29 tỷ và CTBC hơn 28 tỷ đồng. Số tiền 145 tỷ đồng DHC vay dài hạn từ Vietcombank từ đầu năm đã được trả hết.