FLC và ROS lên tiếng giải trình việc cổ phiếu “bật trần” 5 phiên liên tiếp

Trong 5 phiên từ 22-28/06, FLC tăng trần liên tiếp từ 4.050 đồng/cp lên 5.300 đồng/cp, trong khi ROS bật từ 2.300 đồng/cp lên 3.000 đồng/cp.
flc-va-ros-len-tieng-giai-trinh-viec-co-phieu-bat-tran-5-phien-lien-tiep-1656560140.jpg
FLC và ROS lên tiếng giải trình việc cổ phiếu “bật trần” 5 phiên liên tiếp

Sau 5 phiên cổ phiếu liên tiếp tăng trần từ 22-28/06, CTCP Tập đoàn FLC (HOSE: FLC) và CTCP Xây dựng FLC Faros (HOSE: ROS) đã đưa ra văn bản giải trình theo yêu cầu của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Cụ thể, ROS cho biết việc tăng giá hoàn toàn do cung cầu của thị trường chứng khoán, nằm ngoài sự kiểm soát của Công ty và nội bộ doanh nghiệp không có bất kỳ sự kiện gì có thể gây ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu trong thời gian qua.

Trong khi đó, FLC trả lời Công ty chưa nhận biết được sự kiện, thông tin nào đã gây ảnh hưởng đến thị trường và khiến giá cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp. Ngoài ra, FLC có lời đề nghị các cơ quan, tổ chức thông tin cho Công ty nếu nhận biết được sự kiện gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, sau đó sẽ tiếp tục công bố đầy đủ theo quy định.

Trong 5 phiên từ 22-28/06, FLC tăng trần liên tiếp từ 4.050 đồng/cp lên 5.300 đồng/cp, trong khi ROS bật từ 2.300 đồng/cp lên 3.000 đồng/cp.

Sang phiên 29/06, giá ROS tăng nhẹ thêm 3%, lên 3.090 đồng/cp. Trong khi đó, FLC có phiên thứ 6 tăng trần liên tiếp, lên 5.700 đồng/cp. Thanh khoản của 2 mã đều tăng đột biến, ROS đạt khối lượng khớp lệnh hơn 15 triệu cổ phiếu, trong khi FLC khớp lệnh gần 33 triệu cổ phiếu.

Trước đó, ngày 16/5/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có công văn số 2828/UBCK-VP hướng dẫn các Sở Giao dịch Chứng khoán (GDCK) về việc yêu cầu tổ chức niêm yết/tổ chức đăng ký giao dịch giải trình khi giá cổ phiếu tăng trần, hoặc giảm sàn liên tiếp, căn cứ theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Đây là một trong những giải pháp mang tính đồng bộ mà Bộ Tài chính, UBCKNN đưa ra nhằm ổn định thị trường, tăng cường giám sát, đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các báo cáo gửi về Sở Giao dịch đều chỉ nêu lý do cung cầu thị trường tự quyết định, không làm rõ hay kiểm soát được vấn đề liệu có dấu hiệu thao túng làm giá cổ phiếu.