Máy móc chạy rầm rầm
Ngày 15.6.2018, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định 2951/QĐ-UBND thành lập Cụm công nghiệp Thiết Bình, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Theo đó, Cụm công nghiệp này có diện tích khoảng 22,21 ha, ngành nghề hoạt động chủ yếu là chế biến gỗ, mộc dân dụng, chạm khắc mỹ nghệ…
Chủ đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp Thiết Bình được giao cho Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư xây dựng Việt Nam (thuộc tập đoàn Amaccao).
Theo quyết định thành lập Cụm công nghiệp Thiết Bình có vốn đầu tư khoảng 491,7 tỉ đồng.
UBND thành phố Hà Nội đề nghị chủ đầu tư lập, phê duyệt và triển khai dự án tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng và môi trường.
Thế nhưng, theo phản ánh của người dân, dự án này chưa thực hiện xong việc giải phóng mặt bằng đã thi công rầm rộ không đảm bảo pháp luật về xây dựng.
Ông Nguyễn Phúc Bình, người dân thôn Thiết Bình bức xúc cho biết, trong năm 2021, ông cùng nhiều hộ dân thôn Thiết Bình nhận được quyết định thu hồi đất của UBND huyện Đông Anh để xây dựng Cụm công nghiệp Thiết Bình. Thế nhưng, bản thân gia đình ông không đồng ý việc thu hồi đất. Bởi lẽ gia đình ông chỉ có nghề trồng lúa. Vợ chồng ông đã cấy hàng chục năm nay đảm bảo lương thực cho cả nhà.
Thế nhưng trong khi gia đình ông cùng nhiều hộ dân khác chưa bàn giao đất thì chủ đầu tư đã ngang nhiên mang máy móc tới cày xới những khoảnh ruộng tốt tươi của bà con.
Lần theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi có mặt tại dự án Cụm công nghiệp Thiết Bình. Tại đây, chủ đầu tư đã quây tôn khoanh vùng đất ruộng và dán nhãn: Amaccao group, chủ đầu tư dự án Cụm công nghiệp Thiết Bình.
Mặc dù khi chúng tôi có mặt trời mưa rất to nhưng nhiều máy xúc vẫn hoạt động rầm rầm.
Cánh đồng lúa hàng chục héc ta của bà con đã bị cạo sạch, thay vào đó là những đống đất, bêtông nằm ngổn ngang. Trên công trường, nhiều xe ra vào tấp nập.
Ngổn ngang công trường nhưng vẫn bảo không xây dựng
Không riêng Cụm công nghiệp Thiết Bình, Cụm công nghiệp Thụy Lâm, huyện Đông Anh cũng có nhiều dấu hiệu vi phạm.
Ngày 21.10.2019, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định 5838/QĐ-UBND về việc thành lập Cụm công nghiệp Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà nội.
Theo đó, Cụm công nghiệp Thụy Lâm có diện tích 17 ha với ngành nghề chủ yếu là chế biến gỗ, sơn mài…, dịch vụ hỗ trợ công nghiệp (kể cả xăng dầu). Tổng mức vốn đầu tư của dự án này là 326,243 tỉ đồng.
Cụm công nghiệp Thụy Lâm được giao cho Công ty TNHH Tập đoàn xây dựng Thanh Bình làm chủ đầu tư.
Đối với dự án này, UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện pháp luật về đầu tư, xây dựng, môi trường. UBND huyện Đông Anh có trách nhiệm giải phóng mặt bằng không để phát sinh khiếu kiện phức tạp.
Trao đổi về dự án Cụm công nghiệp Thụy Lâm, Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm Nguyễn Văn Thu cho biết, hiện nay, người dân thống nhất rất cao việc giải phóng mặt bằng. Theo quy định hiện hành, dự án chưa cho phép xây dựng.
Thế nhưng khác hẳn với thông tin mà vị lãnh đạo xã cung cấp, có mặt tại Cụm công nghiệp Thụy Lâm, chúng tôi chứng kiến nhiều xe ôtô đang được tập hợp bên trong cụm công nghiệp. Bao bọc bên ngoài dự án có nhiều cổng sắt có khỏa cửa. Phía trước cổng còn có biển báo ghi rõ: Công trường đang thi công.
Còn về việc giải phóng mặt bằng, trao đổi với Báo Lao Động, các hộ gia đình ông Lê Đình Lâm, Nguyễn Văn Lăng, Nguyễn Văn Thành có đất thuộc dự án Cụm công nghiệp Thụy Lâm tỏ ra bức xúc.
Các hộ dân cho biết, họ đã làm ăn trên mảnh đất này hàng chục năm không có tranh chấp gì, nay bị thu hồi, cưỡng chế rất bất công. Do vậy, người dân gửi đơn khiếu kiện nhiều lần và tới nhiều cấp. Hơn nữa đất của họ chưa bàn giao mà đơn vị cố tình thi công là một việc hết sức phi lý.
Để làm rõ các vấn đề người dân phản ánh, phóng viên Báo Lao Động đã liên hệ với ông Nguyễn Xuân Linh, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội và được chờ xếp lịch.