Đồng Bitcoin thứ 19 triệu đã được đào

Sau 13 năm, chỉ còn chưa đến 10% Bitcoin chờ được khai thác.

Theo số liệu từ Bitbo, đồng Bitcoin thứ 19 triệu đã được đào. Với số lượng Bitcoin giới hạn ở mức 21 triệu đồng, chỉ còn 2 triệu Bitcoin chưa được khai thác.

Số Bitcoin còn lại sẽ được khai thác xong vào năm 2140. Sau thời điểm đó, sẽ không còn Bitcoin mới được tạo ra.

Chỉ còn 10% Bitcoin chưa được khai thác

Trả lời phỏng vấn của Cointelegraph, CEO Kjetil Hove Pettersen của Kryptovault cho biết thế giới chỉ còn lại 2 triệu đồng Bitcoin chưa được khai thác, tức là chưa đến 10% so với tổng lượng cung Bitcoin.

“Thoạt nhìn đây có vẻ là một con số nhỏ nhưng theo tôi, thời kỳ hoàng kim của đào Bitcoin đang đến”, ông khẳng định.

Độ hiếm của Bitcoin đang ngày một tăng. Ảnh: Bloomberg.

Bert de Groot, nhà sáng lập công ty đào coin Bitcoin Bloem, cũng cho rằng sự kiện lưu hành Bitcoin thứ 19 triệu là một khoảnh khắc lịch sử.

Nguyên tắc giới hạn nguồn cung Bitcoin được Satoshi Nakamoto, cha đẻ của Bitcoin, thiết kế nhằm hạn chế tình trạng lạm phát trên thị trường Bitcoin và nâng cao giá trị của đồng tiền này.

Theo Bitcoin Magazine, trước khi Bitcoin được ra đời, tiền kỹ thuật số mắc phải một khuyết điểm lớn. Đó chính là hình thức gian lận lặp chi (double-spending), xảy ra khi cùng một khoản tiền nhưng được chi tiêu nhiều lần.

Vào thời điểm đó, cách duy nhất để giảm thiểu tình trạng này là các cơ quan trung ương nắm quyền kiểm soát số tiền được giao dịch, đồng thời xác định số dư tài khoản của người dùng. Cách làm này có nhiều điểm tương đồng với các hệ thống tài chính truyền thống.

Các mỏ đào Bitcoin thường được đặt ở khu vực có khí hậu lạnh để giảm năng lượng làm mát. Ảnh: Bloomberg.

Tuy nhiên, nhờ sử dụng thuật toán đồng thuận (PoW), Bitcoin hoàn toàn có thể ngăn chặn tình trạng chi tiêu kép hoặc ít nhất là nâng chi phí thực hiện hành vi gian lận này lên cao.

Thuật toán PoW yêu cầu máy tính giải các hàm toán phức tạp nhằm xác thực giao dịch và tạo ra các khối mới trên blockchain.

Các thợ đào và node sẽ hợp tác với nhau để đảm bảo quá trình phát hành và hoạt động của đồng tiền mã hóa này. Do đó, các nhà đầu tư không thể tích lũy Bitcoin với số lượng lớn vì tuân theo nguyên tắc giới hạn nguồn cung này.

Trước đây, các thợ đào thường rao bán số Bitcoin kiếm được trên các chợ giao dịch, sau đó chuyển sang tiền thật. Tuy nhiên, gần đây, những công ty đào coin thường đưa chính số coin vào bảng cân đối kế toán của mình và cho vay khi cần. Điều này khiến một lượng lớn Bitcoin ngủ yên trong các hệ thống suốt một thời gian dài và số lượng thực sự lưu thông trên thị trường ngày càng khan hiếm.

Bitcoin đang ngày càng khan hiếm

Hiện các thợ đào Bitcoin sẽ nhận được 6,25 BTC cho mỗi khối họ khai thác. Cứ sau 210.000 khối, tương đương khoảng 4 năm, lượng Bitcoin là phần thưởng cho việc tạo khối sẽ bị giảm đi một nửa.

Tốc độ đào coin sẽ giảm dần theo thời gian. Do vậy, trong vòng 12 năm, các thợ đào đã khai thác được 19 triệu/21 triệu tổng cung Bitcoin, nhưng sẽ phải mất thêm khoảng 120 năm nữa để khai thác số còn lại.

Đã có 19 triệu Bitcoin được khai thác, tương đương 90% nguồn cung. Ảnh: AP.

Theo Bitcoin Magazine, 21 triệu đồng không phải là một con số cụ thể được xác định trên sách trắng Bitcoin hay bất kỳ mã code nào. Tổng lượng cung Bitcoin được tính toán dựa trên phần thưởng khối của thợ đào.

Trung bình cứ mỗi 10 phút, đồng tiền mã hóa này sẽ bổ sung một block mới vào chuỗi blockchain của mình. Mặt khác, phần thưởng trả cho thợ đào, ban đầu là 50 BTC, sẽ được chia đôi sau mỗi 4 năm. Điều này sẽ giúp hệ thống ngăn chặn tình trạng phát hành Bitcoin vượt quá nguồn cung cho phép.

“Hệ thống sẽ kiểm soát quá trình phát hành Bitcoin sao cho những block mới được tạo ra không được vượt quá số lượng được cung cấp”, Jameson Lopp, chuyên gia blockchain, CTO của công ty Casa, cho biết.

Khi Bitcoin mới không được sinh ra, số phần thưởng khối dành cho các thợ đào sẽ về 0. Khi đó, mạng lưới node Bitcoin sẽ kiểm soát lượng cung giới hạn để ngăn chặn tình trạng gian lận lặp chi và trả số block thưởng nhiều hơn quy định.