Dòng tiền sẽ tiếp tục 'chảy' vào nhà đất khi lạm phát tăng?

26/07/2022 11:11

Bất chấp việc thị trường đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất động sản vẫn được đánh giá là kênh an toàn bậc nhất cho nhà đầu tư “trú ẩn” dòng tiền khi lạm phát tăng. Đặc biệt, những người có dòng tài chính mạnh sẽ có xu hướng chọn giữ tài sản bằng nhà đất thay vì tiền mặt.

Ở tuổi 29, sau gần 10 năm bám trụ tại Hà Nội, anh Nguyễn Đức Hiếu (Bắc Giang) đang có khoản tích lũy hơn 2 tỷ đồng nhưng vẫn chọn ở thuê để có dòng tiền đầu tư sinh lời, thay vì vay trả góp mua căn hộ. Để giảm tác động của lạm phát, anh đang cân nhắc việc xuống tiền mua đất nền.

Nơi “trú ẩn” an toàn

Trao đổi với, anh Hiếu chia sẻ, trong 2 năm qua, vì không ưa mạo hiểm nên 100% dòng tiền nhàn rỗi được anh chọn gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, sẽ đáo hạn vào đầu tháng 8/2022. Quan sát thị trường đang có làn sóng “cắt lỗ” nên anh đang cân nhắc đầu tư đất nền nếu "được giá", vị trí ổn.

“Tôi định đợi 3 - 5 năm nữa mới mua nhà, vì vậy việc giữ tiền trong đất vài năm không thành vấn đề. Sở dĩ tôi cân nhắc chọn đất nền vì loại hình này gắn với nhu cầu ở thực, ít có khả năng trượt giá, biên độ lợi nhuận 10-15%/năm, cao hơn lãi suất gửi ngân hàng”, anh Hiếu phân tích.

Trong bối cảnh lạm phát tăng, vật giá leo thang, rất nhiều người có sẵn tiền mặt đang có xu hướng chọn nhà đất làm kênh đầu tư trú ngụ dòng tiền. Kết quả cuộc khảo sát gần đây của Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) với các hội viên là nhà môi giới đang hoạt động, có tới 83% số người được hỏi cho rằng nên đầu tư bất động sản như một công cụ đối phó với lạm phát.

nha-dat-1658805255.jpg Nhà đất vẫn là kênh đầu tư được tin tưởng trong bối cảnh lạm phát gia tăng.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, dự báo trong 6 tháng cuối năm 2022, giá cả, lạm phát toàn cầu còn ở mức cao. Đà phục hồi kinh tế, sức cầu và vòng quay tiền trong nước cải thiện hơn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng cuối năm dự báo sẽ cao hơn nửa đầu năm và lạm phát cả năm dự kiến ở mức 3,8 - 4,2%.

Lạm phát cao đã và sẽ tác động mạnh đến thị trường bất động sản. Các quốc gia trên thế giới đã buộc phải can thiệp bằng cách tăng lãi suất. Lãi suất tăng đồng nghĩa với việc nghĩa vụ trả nợ vay tăng lên, tỷ giá tăng lên, đồng tiền nội tệ của các nước mất giá, giá cả hàng hóa đội lên.

Tuy nhiên, ở khía cạnh tích cực, để giữ tiền, nhà đầu tư sẽ quay về các kênh đầu tư an toàn như bất động sản. “Đây là kênh để đầu tư trú ẩn, chờ thời trong bối cảnh thị trường nhiều rủi ro. Cho nên, lúc này lại thuận lợi hơn cho những người đầu tư dài hạn", TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Cách nào giảm rủi ro?

Ẩn chứa không ít rủi ro nhưng bất động sản rõ ràng vẫn là một trong những kênh đầu tư tiềm năng nhất. Tuy nhiên, để an toàn, các chuyên gia khuyến nghị các nhà đầu tư, đặc biệt là những “tay chơi” mới nên quan sát diễn biến thị trường, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi xuống tiền ở giai đoạn này.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc đốc Công ty CP Đầu tư bất động sản Việt An Hòa, cho rằng thời gian tới, nhiều nhà đầu tư sẽ rút khỏi thị trường bởi áp lực lãi vay và chấp nhận bán cắt lỗ.

Do đó, một số nhà đầu tư chuyên nghiệp, có dòng vốn mạnh có thể tìm thấy các sản phẩm giá tốt, giảm 10-30%, để mua vào. Tuy nhiên, với các nhà đầu tư F0 (nhóm đầu tư mới), ít kinh nghiệm thì dù hưng phấn đến mấy cũng nên cảnh giác với những rủi ro khi thanh khoản đang rất thấp.

Về tiềm năng của các loại hình, ông Quang đánh giá khả năng sinh lời của tài sản liền thổ như nhà phố, biệt thự, đất nền… thường sẽ cao hơn các loại hình khác như chung cư, officetel, condotel.

Trong nhóm bất động sản liền thổ, đất nền có giá "mềm" hơn so với nhà phố và biệt thự. Giá không quá cao là một lợi thế đáng kể khi nhà đầu tư cần thanh khoản (bán ra để chốt lời hoặc thu hồi dòng tiền về). Tuy nhiên, đất nền đòi hỏi thời gian đầu tư dài hạn (3-5 năm) và chuẩn bị tốt về pháp lý.

Ở góc nhìn của nhà đầu tư, anh Lê Trí, một người có kinh nghiệm gần 10 năm buôn shophouse ở TP. HCM, phân tích thị trường đang ở giai đoạn căng thẳng, nhưng địa ốc vẫn luôn là kênh đầu tư ít rủi ro nhất, giá có thể lên, có thể chững lại nhưng nhà đất vẫn còn đó, khó mất đi giá trị. Có một thực tế là các “tay to” vẫn đang âm thầm gom hàng, chờ những "đợt sóng" tăng mới.

Thời gian qua, đã có những lo lắng về việc lặp lại chu kỳ khủng hoảng cách đây hơn một thập kỷ, tuy nhiên nhiều phân tích cho thấy thị trường bất động sản hiện tại sẽ khó xảy ra tình trạng “đông máu” như năm 2009. Cơ sở hạ tầng và địa ốc đang được đẩy nhanh sau đại dịch, là cơ hội cho các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, cho rằng nhu cầu về nhà ở, về giao dịch mua bán trong dân vẫn rất lớn. Dù kinh tế khó khăn nhưng nhu cầu nhà ở vẫn luôn cao, điều này sẽ tiếp tục là tiền đề để bất động sản thu hút dòng tiền lớn trong dân.

Nếu bỏ qua giai đoạn sốt đất “lướt sóng” ăn chênh, đa phần người dân đổ tiền vào nhà đất có tâm lý “ăn chắc mặc bền” khi đồng tiền mất giá. Về tỷ suất lợi nhuận, bất động sản vẫn luôn là kênh đầu tư hấp dẫn so với những kênh rủi ro khác, đặc biệt trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng.

Bạn đang đọc bài viết "Dòng tiền sẽ tiếp tục 'chảy' vào nhà đất khi lạm phát tăng?" tại chuyên mục KINH TẾ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#