Dow Jones “bay” hơn 300 điểm vì một ngân hàng Mỹ đổ vỡ, giá dầu tăng hơn 1% sau báo cáo việc làm

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục sụt điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (10/3), sau khi một ngân hàng của nước này sụp đổ...

chung-khoan-my-1678498972.png Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục sụt điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (10/3), sau khi một ngân hàng của nước này sụp đổ vì thua lỗ ở danh mục đầu tư trái phiếu, đánh dấu vụ đổ vỡ ngân hàng lớn nhất ở Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng rúng động.

Trong khi đó, nhờ tín hiệu tích cực về lãi suất sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm, giá dầu tăng hơn 1%.

Chỉ số Dow Jones có phiên giảm thứ tư liên tiếp, mất 345,22 điểm, tương đương giảm 1,07%, chốt ở 31.909,64 điểm. Chỉ số S&P 500 sụt 1,45%, còn 3.861,59 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,76%, còn 11.138,89 điểm.

Cả ba chỉ số cùng có một tuần giảm mạnh. Dow Jones mất 4,44% điểm số, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 6. S&P 500 giảm 4,55% và Nasdaq mát 4,71% cả tuần.

Cơ quan chức năng Mỹ đã giành quyền kiểm soát Silicon Valley Bank - một ngân hàng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cấp vốn vay cho các công ty công nghệ - sau khi nhà băng này không thể tìm được một đối tác mua lại. Cổ phiếu các ngân hàng khu vực khác giảm chóng mặt sau khi Silicon Valley Bank “sập tiệm”, khiến quỹ SPDR S&P Regional Banking ETF giảm gầm 4,4%. Cả tuần, cổ phiếu Silicon Valley Bank giảm khoảng 16%.

“Vừa có một vụ đổ vỡ ngân hàng lớn của Mỹ, lớn nhất kể từ năm 2008. Điều này rõ ràng khiến thị trường hoảng sợ”, CEO Sylvia Jablonski của Defiance ETFs nhận định với hãng tin CNBC. Bà Jablonski cho rằng vụ đổ vỡ này đang khiến giới đầu tư lo ngại về ảnh hưởng lan rộng.

Nhiều cổ phiếu ngân hàng rơi vào trạng thái tạm ngừng giao dịch trong phiên ngày thứ Sáu, như First Republic, PacWest và ngân hàng tiền ảo Signature Bank. Trong đó, First Republic giảm gần 15% và PacWest giảm gần 38%. Một số ngân hàng lớn khác cũng chứng kiến giá cổ phiếu lao dốc, nhưng mức giảm hạn chế hơn, như Goldman Sachs và Bank of America giảm tương ứng 4,2% và 0,9%. Cổ phiếu ngân hàng lớn nhất Mỹ về giá trị tài sản JPMorgan Chase tăng 2,5%.

“Theo quy luật thường thấy, các nhà giao dịch và nhà đầu tư ngắn hạn không muốn nắm giữ cổ phiếu qua cuối tuần”, chiến lược gia trưởng Rich Steinberg của The Colony Group phát biểu.

Biến động cổ phiếu ngân hàng thu hút sự chú ý của thị trường khỏi bản báo cáo việc làm tháng 2 - với dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể đang giảm tốc. Số lượng việc làm mới tăng mạnh hơn dự báo, nhưng nhà đầu tư chú ý nhiều hơn tới mức tăng ít hơn kỳ vọng của tiền lương. Việc tiền lương tăng chậm lại có thể sẽ là cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đánh giá lại lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,19 USD/thùng, tương đương tăng 1,5%, chốt ở 82,78 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,96 USD/thùng, tương đương tăng 1,3%, chốt ở 76,68 USD/thùng.

Tuần này, mỗi lo lãi suất tăng cao ở Mỹ và châu Âu đã phủ bóng lên triển vọng kinh tế toàn cầu và kéo tụt giá dầu. Điều trần trước Quốc hội Mỹ trong hai ngày thứ Ba và thứ Tư, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng lãi suất có thể phải tăng lên mức cao hơn và giữ cao lâu hơn so với dự kiến để chống lạm phát. Phiên ngày thứ Sáu, tia hy vọng mới về lãi suất sau báo cáo việc làm đã giúp giá dầu hồi phục.

“Giá dầu đang trong giai đoạn biến động mạnh cùng với sự trồi sụt của mối lo về lãi suất”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Group nói với diễn biến giá dầu tuần này. Cả tuần, giá dầu Brent và WTI cùng giảm hơn 3%.

Theo Bộ Lao động Mỹ, khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế nước này có thêm 311.000 công việc mới trong tháng 2, cao hơn nhiều so với mức dự báo 205.000 công việc mới mà giới phân tích đưa ra trước đó. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 3,6%, so với mức dự báo là 3,4%, do tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tăng lên mức 62,5% - mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.

chung-khoan-my-2-1678499039.png Số lượng việc làm mới được tạo ra hang tháng ở Mỹ - Nguồn: CNBC.

Đối với nhà đầu tư, tin tốt từ báo cáo này là tiền lương bình quân tính theo giờ tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo là tăng 4,8%. Mức tăng tháng là 0,2%, cũng thấp hơn so với con số dự báo là tăng 0,4%. Sự giảm tốc của tiền lương mang tới cho nhà đầu tư kỳ vọng vào một sự bớt cứng rắn của Fed.

Về nhu cầu tiêu thụ dầu, thị trường vẫn đang kỳ vọng và sự khởi sắc của nhu cầu ở Trung Quốc. Về nguồn cung, nhà đầu tư đang theo dõi hoạt động xuất khẩu dầu của Nga, khi nước này bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác dầu 500.000 thùng/ngày từ tháng 3.

Nhu cầu phòng ngừa rủi ro tăng cao khiến giới đầu tư đổ tiền mua trái phiếu kho bạc Mỹ, đưa lợi suất giảm mạnh. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tụt về dưới mức 3,7% trong phiên ngày thứ Sáu, từ mức hơn 3,9% vào phiên ngày thứ Năm.

Mối lo về sức khoẻ của hệ thống ngân hàng Mỹ kéo chứng khoán châu Âu xuống mức thấp nhất 7 tuần, với chỉ số Stoxx 600 sụt 1,35%. Chỉ số MSCI đo thị trường chứng khoán toàn cầu giảm 1,4%. Các thị trường mới nổi giảm 1,37%; chỉ số MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm 1,75%; Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,67%.

Trên thị trường tiền ảo, Bitcoin đang cầm cự mốc 20.000 USD sau khi giảm gần 9% trong 1 tuần trở lại đây - theo dữ liệu từ Coinmarketcap.com.