3 thắc mắc của China Policy Limited
Ngày 9/3/2021, tại cuộc họp với đại diện Bộ Tư pháp và các cơ quan nhà nước liên quan, nhằm giải quyết các vướng mắc trong việc thực thi Phán quyết trọng tài số 29/12 ngày 25/4/2013 của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC); ông Alan Tong Kwok Lun – Tổng Giám đốc Công ty China Policy Limited Việt Nam (CPL) – đã đưa ra 3 câu hỏi liên quan đến vụ tranh chấp giữa CPL với Công ty cổ phần địa ốc Hồng Phát.
Theo ông Alan Tong Kwok Lun: - Một nhà đầu tư vào một dự án bất động sản tại Việt Nam, bằng hình thức liên doanh với một đối tác Việt Nam, có bắt buộc thành lập pháp nhân tại Việt Nam để làm nhà đầu tư trực tiếp và tham gia ký hợp đồng liên doanh với đối tác Việt Nam hay không?
- Pháp luật Việt Nam có cấm nhà đầu tư nước ngoài chuyển tiền vào Việt Nam để trả các chi phí cho việc chuẩn bị thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam và những chi phí sau này sẽ được ghi nhận là vốn góp vào dự án đó hay không? Việc chuyển tiền cho các chi phí này có phải và có thể chuyển tài khoản góp vốn đầu tư trực tiếp hay không?
- Tài khoản góp vốn đầu tư trực tiếp chỉ được mở, sau khi đã có Chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài hay có thể mở ngay khi nhà đầu tư nước ngoài chuyển tiền để chi trả các chi phí chuẩn bị thực hiện dự án đầu tư và chuẩn bị hồ sơ xin cấp Chứng nhận đầu tư?
Cơ quan chức năng nói gì?
Ông Huỳnh Văn Sơn (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An) khẳng định: "Hiện nay, việc thành lập tổ chức kinh tế, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định tại điều 22 và điều 37 của Luật Đầu tư năm 2014.
Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập tổ chức kinh tế phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập tổ chức kinh tế và thực hiện dự án đầu tư thông qua tổ chức kinh tế được thành lập.
Trường hợp đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh thì theo quy định tại khoản 2, điều 28 - Luật Đầu tư năm 2014, hợp đồng hợp tác kinh doanh được ký giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại điều 37 - Luật Đầu tư".
Trong lúc đó, tại văn bản số 1606/ANCTNB-P4 ngày 7/11/2018, Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) đã xác định: "Đến nay, China Policy Limited không có thông tin về đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh và chưa được cấp phép hoạt động thương mại tại Việt Nam".
Điều này nói lên rằng, CPL nhất thiết phải có pháp nhân đối với dự án, tức là phải đăng ký để được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Tuy nhiên, CPL lại cho rằng, luật pháp Việt Nam không có quy định nên không thực hiện đăng ký chứng nhận đầu tư đối với dự án trên (?).
Trong khi đó, tại một dự án khác ở TP.HCM do CPL làm chủ đầu tư (vốn điều lệ 23,3 tỷ đồng, thực hiện tại phòng 1901, tầng 19, tòa nhà Saigon Trade Centre), thì CPL lại thực hiện đúng quy định của pháp luật Việt Nam về đầu tư (?!).
Liên quan đến khoản ngoại tệ 15,6 triệu USD mà CPL chuyển vào dự án, ngày 17/4/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 2463/BKHĐT-PC, trả lời như sau:
"Trong thời gian Luật Đầu tư 2005 có hiệu lực thi hành, việc tổ chức, cá nhân nước ngoài chuyển vốn từ nước ngoài vào Việt Nam cho đối tác Việt Nam để hợp tác với đối tác này và sử dụng cho các hoạt động đầu tư của dự án, mà chưa thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra để được cấp giấy Chứng nhận đầu tư tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì chưa có cơ sở để xác định việc chuyển vốn này là hoạt động đầu tư vào dự án đầu tư, với tư cách là nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư".
Bà Thái Thị Hồng Hậu – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Hồng Phát – nói: "Tính đến nay, việc tổ chức thi hành Phán quyết trọng tài đã sang năm thứ 8. Tôi ước tính đã có trên 30 cuộc họp chính thức, nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, Phán quyết trọng tài không thể thi hành được.
Công ty Hồng Phát luôn nỗ lực thi hành Phán quyết trọng tài thành lập Công ty liên doanh. Đến nay có sự thay đổi về hoàn cảnh thực hiện hợp đồng, do đó phải đàm phán lại để đảm bảo quyền và lợi ích của các bên.
Về việc chia tách 130ha trong dự án để tự đầu tư dự án với tên gọi "Khu đô thị cao cấp Saigon Beverly Hills", theo đề nghị của Công ty CPL, là không có trong Phán quyết trọng tài và không đúng với quy định của pháp luật Việt Nam nên Công ty Hồng Phát không đồng ý".
Bà Hậu cho rằng, việc áp dụng Quyết định số 07, ngăn chặn giao dịch 13 Giấy chứng nhận QSDĐ của doanh nghiệp là không đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Công ty Hồng Phát.
Do vậy, cần xem xét thu hồi quyết định 07 để tiếp tục triển khai dự án, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tránh để kéo dài gây hậu quả ngày càng đặc biệt nghiêm trọng.
Trách nhiệm liên đới của CPL trong việc đưa ra yêu cầu ngăn chặn 13 sổ đỏ của Công ty Hồng Phát trái pháp luật. CPL đã cam kết bồi thường, nếu yêu cầu ngăn chặn sai, gây thiệt hại. Nay thiệt hại đã rất lớn, CPL phải chịu trách nhiệm trước Hồng Phát và trước pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Út – Chủ tịch UBND tỉnh Long An – nói: "Tỉnh Long An đã tổ chức nhiều cuộc họp, nhằm để 2 công ty thỏa thuận thành lập công ty liên doanh theo Phán quyết trọng tài. Hiện 2 doanh nghiệp chưa thỏa thuận được thành lập liên doanh.
Vì vậy, 2 công ty phải có sự thống nhất, có thiện chí. Tỉnh sẽ quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện để 2 công ty thực hiện Phán quyết trọng tài. Trong trường hợp không thống nhất được, tỉnh sẽ có biện pháp giải quyết theo đúng quy định".