HACINCO "hô biến" đất công cộng thành tòa cao ốc 32 tầng Hà Nội Center Point như thế nào?

Khu đất xây dựng dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, nhà trẻ và nhà ở để bán tại ô đất 3.7-CC (tên thương mại là Hà Nội Center Point) do HACINCO làm chủ đầu tư ban đầu là đất công cộng.

Tùy tiện điều chỉnh nâng tầng, tăng gấp 2 lần mật độ xây dựng

Theo ghi nhận của PV, tòa cao ốc Hà Nội Center Point có vị trí đắc địa ở ngã tư đường Lê Văn Lương - Hoàng Đạo Thúy (địa chỉ 27 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Bên cạnh các khối tầng căn hộ đã có người ở từ nhiều năm nay thì diện tích các tầng thương mại cũng được nhiều chủ thể sử dụng để kinh doanh nhộn nhịp.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận bất ngờ là trước khi Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO) đầu tư xây dựng tòa cao ốc cao 32 tầng, khu đất trên được quy hoạch với mục đích công cộng. Vậy, ô đất 3.7-CC tại 27 Lê Văn Lương đã được “hô biến” thành đất hỗn hợp có đơn vị ở như thế nào?

Theo hồ sơ cho thấy, ngày 21/5/2004, UBND TP. Hà Nội có quyết định lựa chọn nhà đầu tư cho chỉ tiêu ô đất 3.7-CC có địa chỉ tại 27 Lê Văn Lương là nhà ở cho thuê, mật độ xây dựng 26,8%, cao 15 - 17 - 21 tầng.

hacinco-xay-toa-cao-oc-32-tang-1657874086.jpgSở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã 1 lần điều chỉnh sai quy định pháp luật, từ đất công cộng thành phố sang nhà ở cho thuê, rồi thành nhà ở, và cuối cùng thành hỗn hợp; là căn cứ để HACINCO xây tòa cao ốc 32 tầng.

Đến tháng 10/2008, UBND TP. Hà Nội có quyết định điều chỉnh ô đất 3.7-CC là ô góc tại ngã tư Lê Văn Lương - Hoàng Đạo Thúy thành nhà ở cao 15 - 25 tầng. Thế nhưng, đây là điều chỉnh không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, không tính toán giải pháp về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Tháng 8/2013 và tháng 8/2015, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội có các văn bản điều chỉnh ô đất 3.7-CC từ nhà ở thành hỗn hợp gồm văn phòng dịch vụ và nhà ở cho thuê; tăng mật độ xây dựng từ 26,8% lên 52%; tăng tầng cao từ 25 thành 32 tầng. Theo kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng, việc điều chỉnh này đã không tính toán sự đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội dẫn đến phát sinh thêm dân số tại khu vực. 

Kết luận thanh tra đã nêu rõ, UBND TP. Hà Nội 1 lần điều chỉnh; Sở Quy hoạch - Kiến trúc 1 lần điều chỉnh sai quy định pháp luật, đã điều chỉnh từ đất công cộng thành phố sang thành nhà ở cho thuê, rồi thành nhà ở và cuối cùng thành hỗn hợp (văn phòng dịch vụ và nhà cho thuê) với mật độ xây dựng từ 26% lên 52%, tầng cao từ 15 tầng thành 32 tầng, làm tăng thêm dân số khoảng 1.060 người.

Thanh tra Bộ Xây dựng cũng chỉ ra, đây là trách nhiệm của UBND TP. Hà Nội và Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Đồng thời, đề nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức và cá nhân có vi phạm.

Chủ đầu tư “vượt rào” pháp luật về xây dựng

Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, trên giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng Hà Nội cấp ghi: “Hệ số sử dụng đất, màu sắc công trình, chỉ giới xây dựng theo TMB, PAKT được Sở Quy hoạch - Kiến trúc xác nhận tại Văn bản 1608/QHKT-P4 ngày 7/5/2014, nhưng văn bản 1608/QHKT-P4 không có các nội dung này nên không có cơ sở cho việc triển khai xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng". Việc này là vi phạm điều 4 Nghị định 64/2012/NĐ-CP; Mẫu 4 Phụ lục 1 Thông tư số 10/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

Cụ thể, trách nhiệm này thuộc Sở Xây dựng và "Đề nghị UBND TP. Hà Nội, Sở Xây dựng theo thẩm quyền kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có vi phạm", kết luận thanh tra nêu rõ.

Về quản lý thực hiện xây dựng theo quy hoạch được duyệt và theo Giấy phép xây dựng, kết luận thanh tra cũng chỉ ra rằng, chủ đầu tư đã xây dựng sai giấy phép khi lắp dựng thêm 1 thang máy từ tầng 1 lên tầng 3, thay đổi vị trí phòng ban quản trị và việc này vi phạm Luật Xây dựng 2014.

Như vậy, rõ ràng tòa cao ốc Hà Nội Center Point cao 32 tầng do HACINCO làm chủ đầu tư đã “có vấn đề” ngay từ khi phê duyệt dự án cũng như thời điểm chủ đầu tư thi công xây dựng. Việc này cần được các cơ quan chức năng làm rõ và có hướng xử lý những tổ chức và cá nhân có liên quan.

Theo tìm hiểu của PV, trước đó HACINCO từng dính nhiều “lùm xùm” khi bị báo chí nhắc tên trong câu chuyện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước hay việc đầu tư xây dựng các tòa nhà chung cư trên “đất vàng” giữa Thủ đô Hà Nội.

tren-website-dothimoidaikimcom-quang-cao-ban-cac-san-pham-lien-ke-biet-thu-tren-o-dat-tt7-tt4-thuoc-khu-do-thi-moi-dai-kim-1657874194.jpg

Trên website Dothimoidaikim.com quảng cáo bán các sản phẩm liền kề, biệt thự... trên ô đất TT7, TT4 thuộc Khu đô thị mới Đại Kim.

Ngoài dự án Hà Nội Center Point tồn tại những sai phạm như trên, HACINCO được biết đến là chủ đầu tư của các dự án đình đám như: Dự án xây dựng nhà ở cho CBNV cơ quan các Ban Đảng Thành ủy và HĐND TP. Hà Nội (ô đất có ký hiệu OCT2, OCT5 khu đô thị mới Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội); Dự án xây dựng trên lô đất được quảng cáo rộng 27ha gồm các ô đất CT3, TT2, TT3, TT4 (thuộc Khu đô thị mới Đại Kim, Hoàng Mai, TP. Hà Nội); Liên danh với Công ty TNHH MTV Đầu tư Thương mại Sao Mai đầu tư xây dựng dự án Nhà ở chung cư, dịch vụ thương mại và khách sạn xây dựng trên ô đất rộng 4.166m2 (tại 110 Cầu Giấy, phường Quan Hoa, Cầu Giấy, TP. Hà Nội) trước đó từng xây dựng khách sạn Cầu Giấy.

Đáng chú ý, thời gian qua trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm tại khu nhà ở thấp tầng thuộc dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Đại Kim (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) được quảng cáo, rao bán rầm rộ với giá trị hàng chục tỷ đồng/căn. Được biết, dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Đại Kim phường Đại Kim được UBND TP. Hà Nội phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 5/2016. Chủ đầu tư dự án trên là Liên danh Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 - HACINCO (đại diện liên danh) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex.