Dự án cảng biển nằm trên giấy hơn thập kỷ

Được phê duyệt cách đây 11 năm, nếu hoàn thành, cảng biển Đông Hồi tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) sẽ được xem là một trong những cảng biển lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ, với diện tích hơn 1.000ha. Vậy nhưng, sau hơn 10 năm, dự án vẫn nằm trên giấy.
anh-bai-tren-e8d9-1660795389.jpg

 

 

Khu vực Dự án Khu bến cảng Đông Hồi (Nghệ An) sau 11 năm phê duyệt vẫn chỉ là một bãi biển trải dài mênh mông.

Cảng biển nghìn héc ta

Theo phê duyệt của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tại Quyết định số 838/QĐ-BGTVT vào tháng 4/2011, Khu bến cảng biển Đông Hồi thuộc huyện Quỳnh Lưu (nay là thị xã Hoàng Mai) có tổng diện tích đất quy hoạch là 1.096,7ha. Trong đó, phạm vi quy hoạch vùng đất là 540,4ha; phạm vi quy hoạch vùng nước là 556,3ha thuộc nhóm cảng biển số 2. Không những vậy, bến cảng Đông Hồi còn được chia thành 4 phân khu chức năng rõ rệt như bến cảng cho nhà máy nhiệt điện đáp ứng cho cỡ tàu từ 10.000DWT-20.000DWT; Bến cảng cho nhà máy thép phục vụ xuất sản phẩm cho tàu từ 10.000DWT đến 50.000DWT. Ngoài ra, còn 2 phân khúc cho bến cảng xi măng và vật liệu xây dựng gồm 11 bến đáp ứng cho tàu từ 20.000DWT-50.000DWT. Bên cạnh đó, còn có các khu chức năng khác gồm: Khu đất hậu phương cảng 166,8ha; khu nước, luồng tàu và công trình bảo vệ: 556,3ha; khu đất dự phòng phát triển: 221,5ha.

Như vậy, theo phương án quy hoạch được phê duyệt nói trên, phạm vi quy hoạch khu bến cảng Đông Hồi đáp ứng nhu cầu xây dựng 19 bến cảng chuyên dùng liền bờ với tổng chiều dài 4.450m cho tàu trọng tải đến 50.000DWT, thông qua lượng hàng 5,8-7 triệu tấn/năm. Theo dự kiến đến năm 2020, cảng sẽ tiếp nhận được tàu từ 30.000-50.000DWT với tổng vốn đầu tư dự kiến là 16.555 tỷ đồng, trong đó đầu tư đến năm 2015 khoảng 10.574 tỷ đồng. Riêng kinh phí dành cho khu bến cảng xi măng chiếm phần lớn nhất, với gần 8.000 tỷ đồng. Thế nhưng, đến nay sau hơn 11 năm hầu hết các hạng mục chưa triển khai xây dựng.

Thực tế tại dự án, chỉ duy nhất mỗi tuyến đường nối từ đường 36 ra cảng biển Đồng Hồi được đầu tư hơn 14 tỷ đồng. Cò lại tất cả các hạng mục như phê duyệt vẫn chỉ là trên giấy. Cụ thể, như hệ thống hạ tầng kỹ thuật dùng chung cho cả khu bến cảng gồm đê chắn sóng và luồng tàu vẫn chưa có. Điều này khiến các dự án đầu tư bến cảng đều gặp khó khăn trong việc triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động. Không những vậy, khiến công tác xuất, nhập khẩu hàng hóa rất khó khăn. Thậm chí, phải vận chuyển quãng đường hơn 100km đến bến cảng khác, kéo theo chi phí vận tải và nhiều thủ tục đi kèm tăng.

Gỡ khó vẫn khó gỡ

Được biết, sau khi có phê duyệt của Bộ GTVT theo QĐ 838 nói trên, đã có 3 nhà đầu tư xúc tiến các thủ tục pháp lý để xây dựng dự án bến cảng, nhưng tình hình triển khai vấp phải khó khăn, vướng mắc, khiến việc triển khai bến cảng kéo dài chừng ấy năm. Để gỡ khó cho cảng Đông Hồi, nhanh chóng biến những mục tiêu lớn của khu cảng biển này thành hiện thực, trước đó ngày 9/4/2020, tỉnh Nghệ An đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT về phương án xây dựng bến cảng chuyên dùng xi măng tại cảng Đông Hồi do Công ty CP Xi măng Tân Tắng đề xuất, mục tiêu để phục vụ vận tải tiêu thụ các sản phẩm clinker, xi măng của Nhà máy xi măng Tân Tắng và phục vụ vận tải hàng hóa của khu vực mà không phụ thuộc vào việc hình thành các đê phía Nam và phía Bắc của khu bến, kịp thời đáp ứng nhu cầu thực tế trước mắt phục vụ vận hành Nhà máy xi măng Tân Tắng và góp phần thúc đẩy phát triển KCN Đông Hồi và khu bến Đông Hồi sau nhiều nămchưa thể triển khai.

Đề nghị này của tỉnh Nghệ An đã nhận được sự ủng hộ của Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến để UBND tỉnh Nghệ An cập nhật quy mô và phương án điều chỉnh tổng thể các bến cảng còn lại khu bến cảng Đông Hồi. Tuy nhiên, việc gỡ khó này vẫn gặp khó vì chưa có nhà đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật dùng cho cả khu bến cảng như đê chắn sóng và luồng tàu vào cảng.

Do đó, khi nhà đầu tư xây dựng bến cảng theo đúng quy hoạch chi tiết khu bến cảng biển Đông Hồi thì rất khó khăn trong việc xây dựng, thiết lập luồng hàng hải, khu nước để sớm đưa bến cảng đi vào hoạt động. Bởi theo Khoản 3, Điều 4, Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải, trong đó “Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu neo đậu, chuyền tải chuyên dùng có trách nhiệm đầu tư xây dựng, thiết lập kết cấu hạ tầng cảng biển, luồng hàng hải chuyên dùng, khu nước vì chi phí rất lớn.

Theo ông Lê Tiến Trị - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An) cho biết: Hiện dự án này đang điều chỉnh quy hoạch dẫn đến một số dự án trước đây chưa có cơ sở để triển khai. Vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An giao cho Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam điều chỉnh quy hoạch để trình Bộ GTVT. Do đó, việc khi nào triển khai phải chờ điều chỉnh quy hoạch... Như vậy, việc tháo gỡ cho dự án cảng Đông Hồi sau hơn 1 thập kỷ “đắp chiếu” vẫn tiếp tục gặp khó.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, việc bố trí nguồn vốn cho dự án quá khó khăn do Dự án đê chắn sóng và luồng tàu vào cảng Đông Hồi không nằm trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư. Còn việc kêu gọi thu hút các nhà đầu tư cho dự án nêu trên cũng gặp khó vì nguồn vốn để thực hiện là rất lớn. Bên cạnh đó, theo quy hoạch chi tiết, hệ thống đê chắn sóng và luồng tàu vào cảng Đông Hồi được quy hoạch sử dụng chung cho toàn bộ các bến cảng.