Dự án chống lũ sai thẩm quyền

Dự án Xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu ở TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên có tổng mức đầu tư khổng lồ, lên đến hơn 18 nghìn tỷ đồng. Theo tìm hiểu của Thanh tra Chính phủ, có những sai phạm đến khó tin.

Dự án Sông Cầu có nhiều vi phạm và xây dựng dở dang từ nhiều năm nay.

Dự án cấp bách giẫm chân tại chỗ

Cách đây gần 5 năm, ngày 25/12/2016, tỉnh Thái Nguyên long trọng khởi công Dự án (sau chuyển thành Đề án) Xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu (gọi tắt là Dự án Sông Cầu) theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư 18.211 tỷ đồng. Trong đó, các dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu được đầu tư theo hình thức BT có tổng mức đầu tư hơn 9.800 tỷ đồng và các hạng mục công trình hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bờ sông Cầu có tổng mức đầu tư khoảng 8.400 tỷ đồng (dùng để giải phóng mặt bằng, đầu tư hoàn thiện hạ tầng nhằm tạo quỹ đất thanh toán vốn cho các dự án BT).

Sau lễ khởi công hoành tráng, người dân TP Thái Nguyên mơ về hệ thống chống lũ lụt sông Cầu, bao gồm đê, kè, đường giao thông dọc hai bên sông Cầu đoạn qua TP Thái Nguyên được đầu tư đồng bộ, chắc chắn, những cây cầu đẹp mắt vắt qua sông, hai bên sông là các khu đô thị sầm uất, là thành phố bên sông. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư là liên danh Tập đoàn Phúc Lộc và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 mới xây dựng được một đoạn đê, kè, đường dài khoảng 200 m làm mẫu, nhiều đoạn kè sông đang trong tình trạng xây dựng dở dang, những hàng cốt thép chưa đổ bê-tông hoen gỉ nằm dưới bờ sông cây cỏ phủ kín. Nhiều năm qua, người dân TP Thái Nguyên ngán ngẩm về dự án bất động, nhiều đoạn đê cũ bị phá bỏ, đắp đất tạm bợ, trong khi đê mới chưa được xây dựng, mỗi khi mưa lũ về lại bất an. Thành phố mới bên sông xa vời.

Phê duyệt dự án sai thẩm quyền

Trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Thái Nguyên, ngày 12/8/2016, HĐND tỉnh Thái Nguyên ban hành Nghị quyết 17/NQ-HĐND thông qua chủ trương đầu tư Dự án Sông Cầu; sau đó UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt quyết định đầu tư dự án khi không nằm trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2021 của tỉnh, chưa được bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án.

Tiếp đến, hơn một năm sau, ngày 27/10/2017, HĐND tỉnh Thái Nguyên ban hành Nghị quyết 25/NQ-HĐND thông qua chủ trương đề xuất chuyển từ “Dự án” thành “Đề án” (9 dự án), thể hiện: Vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện 9 dự án là 5.611 tỷ đồng, trong đó: Giải phóng mặt bằng dự án BT là 3.143 tỷ đồng; Giải phóng mặt bằng dự án hoàn vốn (dự án khác) là 2.468 tỷ đồng.

Với quy mô và tổng mức đầu tư Dự án Sông Cầu lên đến hơn 18 nghìn tỷ đồng, dự án thuộc nhóm A, theo quy định thì cơ quan lập đề xuất dự án là UBND tỉnh Thái Nguyên, cơ quan thẩm định đề xuất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thẩm quyền quyết định đầu tư là Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, việc UBND tỉnh Thái Nguyên đề xuất, HĐND tỉnh thông qua chủ trương đề xuất dự án, UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt dự án là trái thẩm quyền.

Mặt khác, theo các quy định của pháp luật, không có quy định về việc chuyển Dự án PPP thành Đề án PPP, đồng thời không có quy định về việc phê duyệt Đề án PPP gồm các dự án PPP thành phần. “Việc thay đổi khái niệm trong đầu tư để phù hợp với thẩm quyền quyết định là mang tính chủ quan, không phù hợp và thiếu căn cứ pháp luật. Bên cạnh đó, việc tỉnh Thái Nguyên quyết định sử dụng hơn 5.600 tỷ đồng vốn nhà nước tham gia giải phóng mặt bằng dự án là không phù hợp”, Thanh tra Chính phủ khẳng định.

Theo Thông báo số 1113/TB-TTCP ngày 15/7 của Thanh tra Chính phủ kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên, khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên, Thanh tra Chính phủ đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Thái Nguyên rà soát lại toàn bộ quá trình thực hiện Dự án Sông Cầu, có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với những vi phạm được phát hiện qua thanh tra. Đây là dự án đòi hỏi mức đầu tư lớn, trong khi nguồn lực nhà nước có hạn nên chỉ có thể đầu tư một phần. Do đó, UBND tỉnh Thái Nguyên cần nghiên cứu, có quy hoạch phù hợp, tạo quỹ đất phát triển, từ đó có biện pháp huy động các nguồn lực xã hội để có thể thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư hoặc đấu giá quyền sử dụng đất đối với quỹ đất được tạo ra để có kinh phí thực hiện dự án, bảo đảm đúng quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đất đai và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Với quan điểm như vậy, không biết tỉnh Thái Nguyên sẽ xử lý vi phạm như thế nào để thực hiện Dự án Sông Cầu trong những năm tới.