Dự án công nghệ cao tỷ đô duy nhất của Mỹ tại Việt Nam thu lãi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm

Intel Products Việt Nam cho đến lúc này là dự án tỷ đô duy nhất mà một doanh nghiệp Mỹ đầu tư tại Việt Nam, đây cũng chính là nhà máy lắp ráp - thử nghiệm lớn nhất trong mạng lưới Intel toàn cầu.

Tại diễn đàn doanh nghiệp TP HCM – Hoa Kỳ tổ chức vào cuối tháng 8 vừa qua, Tổng giám đốc của Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (IPV) – ông Kim Huat Ooi cho biết đang chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư lớn hơn nữa vào Việt Nam trong những năm tới.

Tập đoàn Intel (Mỹ) hiện đang đầu tư hơn 1 tỷ USD vào nhà máy tại Khu công nghệ cao Sài Gòn (Saigon Hi-Tech Park), quận 9, TP HCM. Khoản đầu tư được công bố vào tháng 11/2006, xây dựng trên diện tích 47.000 m2 và bắt đầu hoạt động từ tháng 10/2010.

Đến nay, Intel Products Việt Nam vẫn là dự án đầu tư công nghệ tỷ đô duy nhất của Mỹ vào Việt Nam; đồng thời, đây cũng là nhà máy lắp ráp - thử nghiệm lớn nhất trong mạng lưới Intel toàn cầu.

Trong 10 năm kể từ khi nhà máy đi vào vận hành (2010 – 2019), IPV xuất khẩu lũy kế khoảng 36 tỷ USD. Riêng công ty này chiếm khoảng 60% giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp đóng trụ sở tại Saigon Hi-Tech Park năm 2019.

IPV hiện đang sản xuất những chipset công nghệ mới nhất của Intel bao gồm 5G, IOT, desktop, mobile… cho khách hàng trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, trung tâm này cũng đóng vai trò nghiên cứu phát triển trong các lĩnh vực thông tin kỹ thuật cao (công nghệ cho thương mại điện tử), kiểm tra kiểm nghiệm sản phẩm, cũng như cung cấp dịch vụ hậu mãi.

Số liệu kết quả kinh doanh của IPV minh chứng rằng lựa chọn của tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ khi đầu tư vào Việt Nam là hết sức đúng đắn. Năm 2019, kết quả kinh doanh của Intel Việt Nam đột biến với doanh thu 24.067 tỷ đồng, tăng 54%; lợi nhuận ròng 3.720 tỷ đồng, tăng 59%. Những năm trước đó, công ty này đạt tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định, biên lãi gộp duy trì ở mức 15%.

Kết quả của IPV đóng góp đáng kể vào hoạt động kinh doanh của Intel trên toàn cầu, năm ngoái doanh thu của tập đoàn Intel phá kỷ lục mọi thời đại, đạt 72 tỷ USD.

Tuy vậy, trong quý kinh doanh gần nhất (quý 3/2020), Intel ghi nhận doanh thu thuần giảm 4% còn 18,3 tỷ USD; lợi nhuận ròng giảm tới 29% còn 4,3 tỷ USD. Điểm sáng đến từ doanh số bán máy tính xách tay tăng thêm 1%, đạt 9,8 tỷ USD, do nhu cầu gia tăng phục vụ làm việc, học tập tại nhà đối phó COVID-19.

Trong bối cảnh nhu cầu khách hàng thay đổi và nền kinh tế không chắc chắn, CEO của Intel – ông Bob Swan cho biết vẫn tự tin vào chiến lược kinh doanh của mình khi cung cấp các sản phẩm dẫn đầu, giành thị phần trong thị trường đang được thúc đẩy bởi dữ liệu, AI, mạng 5G và điện toán biên.

Quay trở lại với IPV, sự thịnh vượng của công ty này kéo theo sự thành công của các đối tác cung ứng và phân phối Việt Nam.

CTCP Synnex FPT và CTCP Thế giới số (Digiworld) là hai công ty trong nước được lựa chọn để cung cấp linh kiện, thiết bị gốc (OEM) theo các tiêu chuẩn của Intel. Trong khi đó, một đơn vị phân phối sản phẩm được nhắc đến là CTCP Tin học Viết Sơn.

Nếu như cả Synnex FPT và Digiworld đều là những cái tên nổi tiếng trong ngành kinh doanh thiết bị công nghệ, thì Viết Sơn cũng đã có kinh nghiệm hoạt động tròn 30 năm.

Viết Sơn chuyên kinh doanh các sản phẩm ổ cứng, chip nhớ của Intel và nhiều thương hiệu nổi tiếng khác như Asus, Kingston, Microsoft… Đỉnh cao của công ty này là vào năm 2017 với doanh thu 1.600 tỷ đồng, tuy nhiên sụt giảm mạnh trong những năm gần đây, năm ngoái chỉ ghi nhận hơn 800 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận thu về không đáng kể.

Môi trường kinh doanh ổn định của Việt Nam được các nhà đầu tư toàn cầu đánh giá cao, CEO của IPV nói rằng Chính phủ đã kiểm soát cấp tốc dịch bệnh ngay cả khi đối mặt với bùng phát lần hai.

Chính vì vậy mà trong nửa đầu năm 2020, hoạt động của IPV vẫn duy trì ổn định, khối lượng sản xuất tăng 30%, ông Kim Huat Ooi cho biết.

IPV hiện đang tạo khoảng 5.000 việc làm kỹ năng cao cho nhân sự người Việt. Công ty này đã đầu tư 25 triệu USD vào 8 trường đại học tại TP HCM, làm việc cùng 700 sinh viên nữ.

(Theo Nhịp sống kinh tế)