Dự án đầu tư công ở Hà Tĩnh và những con số 'biết nói' đầy bất ngờ!

Trong số các dự án dùng nguồn vốn NSNN, vốn vay đúng tiến độ, thì cũng có không ít dự án thực hiện với tốc độ 'rùa bò', nó không chỉ ảnh hưởng đến đời sống dân sinh mà còn khiến chủ đầu tư 'tiến thoái lưỡng nan'.

Những năm gần đây, tỉnh Hà Tĩnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho các công trình xây dựng. Trong số các dự án, công trình thực hiện đúng cam kết thì cũng có tồn tại không ít dự án thi công chậm tiến độ, việc này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống dân sinh mà còn ảnh hưởng đến việc vận hành hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách.

Dự án tuyến đê biển dài hơn 10km tại 3 xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân

Tại huyện Nghi Xuân, Dự án tuyến đê biển dài hơn 10km tại 3 xã Cương Gián, Xuân Liên và Cổ Đạm có tổng mức đầu tư hơn 371 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và nguồn huy động hợp pháp khác. Việc đầu tư triển khai dự án nhằm đảm bảo an toàn trong phòng chống thiên tai và thúc đẩy phát triển kinh tế, giao thông của người dân vùng ven biển.

Dự án được xây dựng từ năm 2019, đến tháng 10/2020, giai đoạn 1 của công trình đấu nối từ đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng đến thôn Song Nam, xã Cương Gián được hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên kể từ đó đến nay, giai đoạn 2 của dự án chưa thể triển khai, khiến tuyến đê này bị cụt, chưa phát huy được hết mục tiêu dự án đặt ra.

Tại TX Hồng Lĩnh có 2 dự án kè chống sạt lở được biết là có nhiều bất cập, chậm tiến độ, đội vốn đầu tư. Cụ thể, Dự án Kè chống sạt lở hai bờ khe Bình Lạng (đoạn từ cầu Bình Lạng đến cầu Đôi) được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng từ ngày 31/10/2018, thuộc công trình nhóm C, công trình thủy lợi cấp IV (thời gian thực hiện từ năm 2019-2020). Tổng mức đầu tư ban đầu là 20 tỷ đồng.

Dự án Kè chống sạt lở hai bờ khe Bình Lạng (đoạn từ cầu Bình Lạng đến cầu Đôi) đang nằm chờ điều chỉnh, nâng vốn...

Sau khi trúng thầu, Công ty Cổ phần Thảo Nguyên (TP Hà Tĩnh) đã tổ chức thi công nhưng không liên tục, ngắt quãng. Điển hình là sau đợt mưa lũ kéo dài vào tháng 10/2020, công trình này đã bị sạt lở nghiêm trọng. Bị gãy sập dầm mái ngang dọc và đế chân kè, đất đắp mái kè bị xói lở tạo thành những khoảng trống lớn, thậm chí tường nhà dân cũng đã bị sập trong mùa lũ cùng năm.

Ngoài vấn đề chất lượng công trình, thì trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư là UBND TX Hồng Lĩnh liên tục xin điều chỉnh, bổ sung và nâng vốn mức đầu tư ban đầu từ 20 tỷ đồng lên hơn 32,588 tỷ và sau đó tiếp tục xin điều chỉnh, bổ sung lên mức hơn 43,579 tỷ đồng (đội vốn hơn 100%).

Tuy nhiên, cho đến hiện nay dự án này vẫn đang trong tình trạng dang dở, chắp vá do đang chờ điều chỉnh. Người dân sống dọc bờ kè cho rằng, dự án này đã quá lâu rồi, chính quyền địa phương cần phải ưu tiên, gấp rút hoàn thành dự án, bởi họ không thể yên tâm mỗi khi mùa mưa lũ tràn về.

Cũng tại thị xã Hồng Lĩnh, Dự án Kè chống sạt lở hai bờ khe Bình Lạng (đoạn từ cầu Đôi đến hồ điều hòa Bắc Hồng và đoạn từ cầu Đức Thuận đến kênh Nhà Lê), Công ty TNHH Như Nam là đơn vị trúng gói thầu xây lắp trị giá hơn 26,268 tỷ đồng vào ngày 27/10/2020.

Dự án Kè chống sạt lở hai bờ khe Bình Lạng (cung đoạn từ cầu Đức Thuận đến kênh Nhà Lê) đã được Công ty TNHH Như Nam đã được chính nhà thầu này thì công xong từ khá lâu

Ghi nhận của PV, ngoài cung đoạn từ cầu Đức Thuận đến kênh nhà Lê (giáp phần đất ông Đặng Tiến Nam và hướng đối diện) được Công ty TNHH Như Nam triển khai xây dựng hoàn thành từ lâu, tuy nhiên đến nay cung đoạn từ cầu Đôi đến hồ điều hòa Bắc Hồng vẫn đang được thi công dang dở. Phía chủ đầu tư là UBND thị xã Hồng Lĩnh vẫn đang loay hoay tìm giải pháp, xác minh, thỏa thuận đền bù GPMB với một số hộ gia đình.

Theo hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư với Công ty TNHH Như Nam, tiến độ gói thầu xây lắp là 12 tháng (từ ngày 30/10/2020 đến ngày 30/10/2021). Tuy nhiên, đến nay khối lượng thi công Xây lắp hoàn thành mới đạt 50% giá trị hợp đồng, chậm tiến độ.

Đến ngày 7/3/2022, ông Nguyễn Huy Hùng – Chủ tịch UBND TX Hồng Lĩnh ký tờ trình gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở KH&ĐT và Sở NN&PTNT tỉnh này về việc xin gia hạn tiến độ thi công gói thầu 01.XL: Xây dựng kè chống sạt lở hai bờ khe Bình Lạng (đoạn từ cầu Đôi đến hồ điều hòa Bắc Hồng và đoạn từ cầu Đức Thuận đến kênh Nhà Lê).

Tại huyện Hương Sơn, Công trình xây dựng đường liên xã Sơn Lễ, Sơn An, Sơn Tiến (huyện Hương Sơn) thuộc gói thầu HT07 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Dự án có chiều dài 9,7km, khởi công từ tháng 9/2020, với tổng mức đầu tư hơn 80 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay Ngân hàng ADB và đối ứng ngân sách địa phương.

Công trình xây dựng đường liên xã Sơn Lễ, Sơn An, Sơn Tiến (huyện Hương Sơn) thi công chậm tiến độ ảnh hưởng đến đời sống dân sinh

Theo Hợp đồng và các phụ lục kèm theo đã ký giữa chủ đầu tư và nhà thầu thi công Tổng Công ty 36-CTCP, công trình đường liên xã trên phải hoàn thành trước ngày 30/3/2022. Mặc dù chủ đầu tư đã cho nhà thầu thi công là Tổng Công ty 36-CTCP tạm ứng và giải ngân hơn 31 tỷ đồng (trong tổng vốn đầu tư của dự án hơn 80 tỷ đồng), nhưng khối lượng thực tế thi công tại hiện trường không đạt như kỳ vọng (mới chỉ thực hiện được hơn 40% khối lượng), thậm chí chậm tiến độ rất nhiều hạng mục, vi phạm quy định hợp đồng.

Không chỉ lùm xùm về nợ nần, tiến độ, Công ty 36.32 còn “chây ỳ” trong việc nộp phạt chậm tiến độ hợp đồng. Theo thông báo xử phạt lần 4 của chủ đầu tư, tổng số tiền lũy kế nhà thầu thi công chậm tiến độ các hạng mục công trình tháng 11/2021 là 811 triệu đồng (đây mới chỉ phạt chậm tiến độ 1 tháng, nếu cộng số tiền phạt chậm tiến độ trước tháng 11/2021 và từ tháng 12/2021 đến nay chắc chắn con số phải lên đến nhiều tỷ đồng).

Tại huyện Thạch Hà, công trình nhà làm việc 5 tầng của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh có diện tích xây dựng 485m2, tổng diện tích sàn 2.160m2 tại xã Thạch Đài (Thạch Hà) với phí xây dựng hơn 16 tỷ đồng, công trình sử dụng nguồn quỹ đầu tư phát triển và trích khấu hao tài sản cố định của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh.

Chậm tiến độ 2 năm và sau nhiều lần xin gia hạn nhà thầu vẫn không đủ khả năng hoàn thành dự án, nên ngày 23/7/2021, chủ đầu tư đã ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng thi công xây dựng trụ sở làm việc mới của công ty với nhà thầu là Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng VN11, đơn vị tư vấn giám sát là Công ty Cổ phần Xây dựng ECON Việt Nam. Thời gian thực hiện dự án từ 2017-2019, gia hạn đến 30/6/2020. Đến nay, công trình vẫn dở dang.

Được biết, nguyên nhân chấm dứt hợp đồng do nhà thầu không đảm bảo tiến độ, năng lực không đáp ứng được yêu cầu, không còn đủ khả năng để tiếp tục hoàn thiện công trình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ và hiệu quả của gói thầu.

Trụ sở làm việc 5 tầng của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh thi công dang dở

Còn tại huyện Kỳ Anh, Dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐH.136 đoạn Km3+500÷Km5+600 (từ đường bộ ven biển đến đường tuần tra ven biển), đoạn qua xã Kỳ Xuân được UBND huyện Kỳ Anh phê duyệt chủ trương đầu tư vào ngày 10/9/2019, điều chỉnh tại Quyết định số 3606, ngày 25/10/2019; phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng tại quyết định 3644, ngày 30/10/2019, với tổng mức đầu tư 9 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2021. Đã quá thời hạn 1 năm nhưng công trình này vẫn chưa thể bàn giao và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhà thầu trúng thầu thi công dự án là Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sông Hội (thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Tư vấn giám sát là Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ xây dựng Long Tân (xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh).

Dự án dự kiến bố trí nguồn vốn từ ngân sách huyện trong 2 năm 2020 - 2021. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp một số vướng mắc nên tháng 9/2020, chủ đầu tư đề nghị Thường trực huyện ủy, HĐND huyện Kỳ Anh bố trí thêm kinh phí, nâng tổng mức đầu tư dự án lên hơn 9,6 tỷ đồng (tăng khoảng 605 triệu đồng).

Để các công trình chậm trễ kéo dài và xảy ra nhiều vi phạm nêu trên, dư luận đang băn khoăn liệu do chủ đầu tư buông lỏng quản lý hay do năng lực của nhà thầu yếu kém? Chủ đầu tư các dự án đã làm hết trách nhiệm của mình trong công tác lựa chọn nhà thầu hay chưa, hay chỉ “ngồi nghe” báo cáo rồi ký xin cấp cao hơn điều chỉnh, gia hạn, tăng vốn?

An ninh Tiền tệ sẽ tiếp tục thông tin./.