Dự án Khu đô thị mới huyện Thới Lai được TP Cần Thơ giao cho huyện thu hồi đất và giao lại cho nhà đầu tư thực hiện. Ngoài diện tích đất thu hồi của người dân tcòn có diện tích đất do Nhà nước quản lý. Báo chí đặt câu hỏi: vậy tại sao không tổ chức đấu thầu, đấu giá thực hiện dự án mà lại “chỉ định” cho Công ty Cổ phần đầu tư Cadif (trước đây là Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Xây dựng Cadif)?
Ông Lê Đắc Cảnh, Phó Chánh Thanh tra TP Cần Thơ cho biết: “Vấn đề này do Sở Kế hoạch đầu tư tham mưu UBND thành phố thực hiện. Hiện thành phố đã chỉ đạo Sở Kế hoạch đầu tư kiểm tra rà soát lại trong 49 dự án không qua đấu thầu, trong đó có dự án này. Khi có kết quả thì chúng tôi sẽ thông tin cho báo chí”.
Ông Lê Đắc Cảnh, Phó Chánh Thanh tra TP Cần Thơ thông tin tới báo chí.
Điều khiến dư luận thắc mắc, vào năm 2020, sau khi người dân bị ảnh hưởng bởi dự án Khu đô thị mới huyện Thới Lai có đơn khiếu nại các chính sách bồi thường, thu hồi đất thì UBND TP Cần Thơ chỉ đạo Thanh tra thành phố tiến hành thanh tra toàn diện dự án. Đến tháng 10/2020, Thanh tra TP Cần Thơ có thông báo kết luận thanh tra về chủ trương thực hiện dự án, trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, tái định cư đối với dự án Khu đô thị mới huyện Thới Lai, nhưng không đề cập đến vấn đề giao đất của Nhà nước quản lý không qua đấu thầu theo quy định.
Liên quan đến thông báo kết luận thanh tra, một số Phóng viên đặt câu hỏi về việc nhầm tên vị trí thực hiện dự án; công tác thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng để có cuộc sống ổn định. Đối với việc ghi nhầm địa danh, ông Lê Đắc Cảnh cho biết các sở ngành liên quan sai sót này đã tổ chức kiểm điểm và báo cáo Thanh tra thành phố để tổng hợp, báo cáo Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ.
Ông Huỳnh Thanh Phường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai nhấn mạnh, nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, cuối tháng 5 này sẽ tổ chức cưỡng chế thu hồi đất và dự kiến hoàn thành trong tháng 6 tới đây.
Còn ông Huỳnh Thanh Phường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai cho rằng đến thời điểm này, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng của dự án đã được thực hiện theo quy định của pháp luật. “Tuy nhiên do sơ suất của cơ quan chuyên môn tham mưu trong công tác thu hồi đất lề lộ đường Tỉnh lộ 922 thuộc Nhà nước quản lý hiện tại đang bị lấn chiếm sử dụng với diện tích 2.835,8m2, về việc này UBND huyện đã ban hành quyết định thu hồi và phê duyệt bổ sung chi phí hỗ trợ theo quy định. Dù vậy, vẫn còn 19 hộ dân chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, cuối tháng 5 này huyện sẽ tổ chức cưỡng chế thu hồi đất và dự kiến hoàn thành trong tháng 6 tới đây”, ông Phường khẳng định.
Tuy nhiên, theo hồ sơ và thông tin của các hộ dân có đất cặp Tỉnh lộ 922 bị ảnh hưởng bởi dự án cho biết đã sinh sống và sản xuất ổn định từ trước đến nay, khi chính quyền thực hiện việc đào kênh cũng như sau này làm lộ là do người dân chấp hành chủ trương và hiến đất. Theo người dân có đất cặp Tỉnh lộ 922, việc UBND huyện Thới Lai khẳng định diện tích đất lề lộ 2.835,8m2 do Nhà nước quản lý là chưa phù hợp vì cơ quan chức năng chưa thực hiện việc thu hồi đất để đưa vào quản lý trong khi đó người dân đã sử dụng ổn định lâu dài. Bên cạnh đó, nếu đất do Nhà nước quản lý thì tại sao lại có 2 hộ dân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 11 trường hợp được xét đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi đó 46 hộ dân còn lại có đất liền kề lại không được xem xét.
Một số người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án Khu đô thị mới huyện Thới Lai cho rằng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa phù hợp, còn nhiều bất cập.
Ông Liêu Dương (nguyên Phó Ban Nhân dân ấp Thới Thuận, nay là ấp Thới Thuận B) trình bày, thời điểm năm 1990 có rất nhiều hộ dân được Nhà nước cấp sổ đỏ tại khu vực này. Trong đó có hộ của ông cùng ông Phan Văn Bé (Trưởng Ban Nhân dân ấp thời điểm đó), ông Nguyễn Hữu Lộc, ông Thái Hồng Quân và ông Nguyễn Văn Hoàng (Phó Chủ tịch UBND xã Thới Lai thời điểm đó), Nguyễn Văn Sáu…. “Được một thời sau thì ở xã xuống “mượn” lại sổ đỏ để kiểm tra thông tin, rồi thu hồi luôn. Lý do là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó cấp sai. Tôi, ông Bé, ông Quân và mấy người khác nữa chấp hành, nộp lại, nhưng có hai người không chịu nộp, giữ lại là ông Nguyễn Hữu Lộc và Nguyễn Văn Sáu nên có sổ đỏ luôn tới tận bây giờ. Sau đó, ông Nguyễn Văn Sáu bán phần đất này lại cho ông Nguyễn Văn Sĩ. Rồi ông Nguyễn Văn Sĩ bán cho ông Võ Thành Ngôn và vẫn được công nhận có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, ông Liêu Dương kể.
Thông tin tại buổi họp báo thể diện, Dự án Khu đô thị mới huyện Thới Lai được giao đất do Nhà nước quản lý nhưng không qua đấu thầu.
Còn ông Nguyễn Hoàng Việt cho rằng, từ năm 1991 ông cũng như nhiều hộ dân khác đã nhiều lần xin được cấp sổ đỏ nhưng không được. Mặc dù, giấy tờ của gia đình ông là đủ điều kiện, cụ thể là đơn xin đăng kí quyền sử dụng đất được ông Nguyễn Hoàng Việt gửi đến UBND huyện Ô Môn cũ (nay là huyện Thới Lai) và sổ kê khai diện tích và thu nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp – thuế đất... “Cùng một loại đất, quá trình khai phá, sử dụng như nhau nhưng một số hộ thì được cấp giấy đỏ để được hưởng chính sách bồi thường, tái định cư, còn phần lớn thì lại không được như thế là bất cập, bất công. Khi UBND huyện Thới Lai thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp để làm dự án thương mại nhưng không thống nhất về giá bồi thường cho người dân trên cùng một loại đất…”, ông Nguyễn Hoàng Việt bức xúc.