Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô: Ai đã chôn vùi những “bí ẩn”? (Bài 3): Thấy gì từ bản “bóc tách” đầy đanh thép?

Liên quan đến Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện Quốc hội (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã phản biện quyết liệt.

Ít có dự án nào tại Việt Nam mà những vướng mắc, tồn tại khiến nhiều cơ quan từ địa phương đến Trung ương mất đến… 2 thập kỷ xử lý vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng, như Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô tại xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Điều khó hiểu và trăn trở nhất là “sự thật” tại dự án này sáng - tối đan xen, khiến người dân thêm hoài nghi, bất bình. 

Bài 3: Thấy gì từ bản “bóc tách” đầy đanh thép?

Ngay sau khi Thanh tra Chính phủ ban hành Báo cáo số 541/BC-TTCP (ngày 20/4/2022) về kết quả kiểm tra, rà soát nội dung phản ánh, kiến nghị của các hộ dân liên quan đến Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện Quốc hội (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã phản biện quyết liệt.

Những “mắc xích” quan trọng

Ông Lưu Bình Nhưỡng phân tích, đối với phản ánh, kiến nghị “UBND tỉnh Khánh Hòa không ban hành quyết định thu hồi đất, đến nay, người dân không được nhận quyết định thu hồi đất, yêu cầu phải ban hành quyết định thu hồi đất của từng hộ dân”, Thanh tra Chính phủ cho rằng, Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 9/3/2001 của Thủ tướng Chính phủ hàm chứa cả nội dung thu hồi đất và cho thuê đất. Cụ thể, Điều 1 của quyết định này nêu: “Thu hồi 1.802.064 m2 đất tại xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và cho Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Hoàn Cầu thuê 1.708,404 m2 đất trong diện tích thu hồi trên để đầu tư xây dựng Khu du lịch và giải trí Sông Lô”, nên đây là quyết định thu hồi đất.

du-an-song-lo-1658117395.jpg

Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô đang tồn tại nhiều “bí ẩn”       Ảnh: Phước Tín

Mặc dù Thanh tra Chính phủ thừa nhận “việc công dân phản ánh không được nhận quyết định thu hồi đất cụ thể của từng hộ gia đình, cá nhân là đúng thực tế”, nhưng vẫn nhận định: “Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Luật Đất đai năm 1993 và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành không quy định về việc sau khi có quyết định thu hồi đất và cho thuê đất của Thủ tướng Chính phủ thì UBND cấp có thẩm quyền phải ban hành quyết định thu hồi đất đến từng hộ gia đình, cá nhân có đất trong khu vực thu hồi”.

Ông Nguyễn Văn Bình, trú phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang, Khánh Hòa - người dân có đất bị thu hồi của Khu du lịch và giải trí Sông Lô - đã đề nghị tỉnh Khánh Hòa cung cấp một số thông tin liên quan Dự án theo Luật Tiếp cận thông tin, nhưng chưa được đáp ứng.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận thấy, nội dung ông Bình đề nghị cung cấp đều là thông tin phải được công khai theo quy định của pháp luật (gồm giấy phép đầu tư Khu du lịch và giải trí Sông Lô và quy hoạch chi tiết Khu du lịch và giải trí Sông Lô).

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét, hướng dẫn công dân làm rõ yêu cầu cung cấp thông tin; thực hiện việc cung cấp thông tin nếu đáp ứng đủ điều kiện cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật. Trường hợp có cơ sở từ chối cung cấp thông tin thì trả lời công dân bằng văn bản, nêu rõ lý do; đồng thời, thông báo kết quả giải quyết đến Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Thực tế, UBND các cấp tại tỉnh Khánh Hòa nhất thiết phải ra quyết định thu hồi đất theo đúng trình tự pháp luật. Đó là, sau khi có Quyết định 252/QĐ-TTg, UBND tỉnh Khánh Hòa phải thông báo cho người đang sử dụng đất biết về lý do thu hồi, thời gian, kế hoạch di chuyển, phương án đền bù thiệt hại rồi mới ra quyết định thu hồi đối với từng người sử dụng đất.

Theo ông Nhưỡng, làm như vậy mới đúng quy định tại Điều 28, Luật Đất đai năm 1993: “Trước khi thu hồi đất phải thông báo cho người đang sử dụng biết về lý do thu hồi, thời gian, kế hoạch di chuyển, phương án đền bù thiệt hại”.

Đáng chú ý, theo ông Nhưỡng, nội dung “Từ tháng 9/2001 đến tháng 8/2010, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành 8 quyết định phê duyệt phương án đền bù, hỗ trợ và 5 quyết định phê duyệt bổ sung phương án đền bù, hỗ trợ đối với 183 hộ gia đình, cá nhân và 3 tổ chức, tổng diện tích thu hồi là 180,0282 ha” (trang 8, Báo cáo số 541 của Thanh tra Chính phủ) cho thấy, việc UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành phương án đền bù thiệt hại sau ngày Quyết định 252/QĐ-TTg từ 5 tháng đến tận 10 năm sau là vi phạm Điều 28, Luật Đất đai năm 1993.

Vấn đề nữa là, theo ông Nhưỡng, thẩm quyền thu hồi đất các chủ sử dụng đất bị ảnh hưởng bởi Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô thuộc UBND TP. Nha Trang và UBND tỉnh Khánh Hòa.

Lý do được ông Nhưỡng phân tích là, theo Kết luận Thanh tra số 22/KLTT-TTHN ngày 26/11/2003 do ông Phạm Văn Long, Phó vụ trưởng Vụ IV ký có nêu: “Về nguyên tắc, cấp nào giao đất, thì cấp đó ra quyết định thu hồi đất”.

Trong khi đó, khoản 2, Điều 36, Luật Đất đai năm 1993, quy định: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất thì cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Chưa kể, Điều 28, Luật Đất đai năm 1993 có quy định: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất nào thì có quyền thu hồi đất đó”.

Theo số liệu sổ địa chính xã Phước Đồng, ngày 14/7/2000, UBND TP. Nha Trang giao đất và đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 240 hộ dân. Các hộ còn lại phần lớn được đo đạc, lập bản đồ địa chính và đang chờ UBND TP. Nha Trang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo ông Nhưỡng, điều này cho thấy, thẩm quyền giao đất cho các hộ đang sử dụng đất tại xã Phước Đồng thuộc thẩm quyền của UBND TP. Nha Trang.

Như vậy, theo các điều 23, 28, 36, Luật Đất đai năm 1993, sau khi có Quyết định số 252/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt chủ trương cho Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Hoàn Cầu thuê đất thì UBND TP. Nha Trang phải ban hành quyết định thu hồi đất đến các chủ sử dụng thuộc thẩm quyền giao đất của UBND TP. Nha Trang. UBND tỉnh Khánh Hòa phải ban hành các quyết định thu hồi đất đối với các thửa đất có diện tích từ 1 ha trở xuống đối với đất nông nghiệp, lâm nghiệp có rừng, đất khu dân cư nông thôn. “Có như vậy mới đúng quy định của Luật Đất đai năm 1993”, ông Nhưỡng đánh giá.

Có dấu hiệu hợp thức hóa sai phạm?

Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, Quyết định 252/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Hoàn Cầu thuê 1.708.404 m2, nhưng UBND tỉnh Khánh Hòa tự ý ban hành Quyết định số 3843/QĐ-UB ngày 2/11/2001 và Sở Địa chính tỉnh Khánh Hòa điều chỉnh diện tích mà Công ty Hoàn Cầu phải chịu tiền thuê đất tại hợp đồng thuê đất chỉ còn 1.2227.494 m2, đồng thời điều chỉnh giá cho thuê chỉ bằng 70% giá quy định tại Quyết định số 5064/QĐ-UBND ngày 29/9/1997 quy định về các loại giá đất.

Ngoài ra, ngày 22/4/1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 106/1999/QĐ-TTg công nhận TP. Nha Trang là đô thị loại II. Nhưng UBND tỉnh Khánh Hòa lại áp dụng khung giá cho thuê Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô theo Quyết định số 5064/QĐ-UBND ngày 29/9/1997 về giá của các loại đất ở tại tỉnh Khánh Hòa, tức là tại thời điểm Nha Trang là đô thị loại III. Việc này, theo ông Nhưỡng, gây thất thoát lớn cho ngân sách.

Ông Nhưỡng cũng cho rằng, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 1201/QĐ-UBND ngày 9/7/2007, kèm theo tờ bản đồ ranh giới sử dụng đất tỷ lệ 1/5000 Khu du lịch và giải trí Nha Trang (tên dự án ban đầu bị UBND tỉnh Khánh Hòa điều chỉnh - PV) do Sở Tài nguyên và Môi trường xác lập ngày 22/1/2007 (bản đồ này không có số hiệu), có nội dung: “Điều 1: Điều chỉnh ranh giới và diện tích đất tại Quyết định 252/QĐ-TTg ngày 9/3/2001 của Thủ tướng Chính phủ theo chỉ định sau…” là trái pháp luật và lạm quyền. Lý do là, đây là dự án nhóm A, có mức đầu tư hơn 343 tỷ đồng, thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chính phủ, nên chỉ có Thủ tướng Chính phủ mới có thẩm quyền điều chỉnh.

Việc tự ý điều chỉnh nội dung Quyết định của Thủ tướng vi phạm Điều 31 (thay đổi nội dung đầu tư), Nghị định số 59/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ, trong đó đã quy định rõ: “1. Dự án đầu tư đã được quyết định đầu tư chỉ được thay đổi nội dung dự án trong các trường hợp đặc biệt. Khi cần thay đổi nội dung, chủ đầu tư phải giải trình rõ lý do, nội dung dự định thay đổi để trình người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định. 2. Sau khi được người có thẩm quyền cho phép thay đổi nội dung dự án bằng văn bản thì dự án mới được tổ chức thẩm định lại và trình duyệt lại theo đúng quy định. Không được thay đổi quy mô đầu tư khi dự án chưa đưa vào khai thác sử dụng”.

Bên cạnh đó, khoản 4, Điều 18, Luật Đất đai năm 1993 cũng quy định: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai nào thì có quyền cho phép bổ sung điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch đó”.

Ông Lưu Bình Nhưỡng đặt vấn đề, Quyết định số 1201/QĐ-UBND liệu có “xóa bỏ” Quyết định số 252/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô, nhằm hợp thức hóa các sai phạm?

Một là, hợp thức hóa ranh giới Dự án, đặc biệt ranh giới phía biển; che giấu sai phạm tại 7 tờ bản đồ (nêu tại Quyết định 252/QĐ-TTg), không thể hiện hệ tọa độ, không có mốc giới phía biển, bằng cách thay thế bằng tờ bản đồ 1/5000, xác lập ngày 22/1/2007 không có số hiệu, nhưng có đầy đủ tọa độ các cột mốc và có hệ tọa độ.

Hai là, tự ý thay đổi tên dự án Thủ tướng đã phê duyệt là Khu du lịch và giải trí Sông Lô thành Khu du lịch và giải trí Nha Trang.

Ba là, hợp thức hóa việc Công ty Hoàn Cầu đã tự ý lấn biển 8,18 ha trái pháp luật, vi phạm Văn bản số 3648/QP của Bộ Quốc phòng yêu cầu: “Không được tổ chức vui chơi, du lịch ngoài khu vực trong phạm vi thỏa thuận (180 ha) được thể hiện trên bản đồ” (phần lấn biển bao gồm các thửa số 1, số 4, số 5 tờ bản đồ xác lập ngày 22/1/2007 và khu vực đìa ông Hoàng Minh Trí).

Bốn là, bỏ phần diện tích công viên và đường Nguyễn Tất Thành từ mốc M37-M33, gồm các thửa 6, 8, 9, 10 có diện tích hơn 1,6 ha ra khỏi dự án, nhưng trên thực tế, Công ty Hoàn Cầu vẫn sử dụng, làm giảm diện tích phải trả tiền thuê đất, gây thất thoát ngân sách và có lợi cho nhà đầu tư.

Hành vi lập 2 tài liệu trên, theo ông Nhưỡng, là còn nhằm hợp thức hóa việc lấn biển trái phép của Công ty Hoàn Cầu mà Thanh tra Chính phủ đã nêu ra sai phạm tại trang 5, Báo cáo kết quả thanh tra số 1742/TTCP-V4 ngày 23/9/2005: “Trong quá trình giải quyết cho Công ty Hoàn Cầu thuê mặt nước biển, UBND tỉnh đã không yêu cầu chủ đầu tư lập dự án là sai so với quy định hiện hành về đầu tư, xây dựng; Sở Địa chính đã không cắm mốc bàn giao thực địa tại khu vực giáp ranh này, nên vi phạm Luật Đất đai và quy chế đầu tư xây dựng cơ bản ban hành kèm theo Nghị định số 52/CP của Chính phủ”.