Dự án King Palace: Làm rõ trách nhiệm để treo 127 tỷ tiền ngân sách

05/05/2023 14:54

Điều chỉnh quy hoạch chung cư không chỉ gây áp lực hạ tầng giao thông, mà còn treo ngân sách Nhà nước và chứng nhận quyền sở hữu của cư dân.

Về ở 2 năm, cư dân King Palace vẫn chờ sổ đỏ

Thời gian qua, tình trạng điều chỉnh quy hoạch nâng tầng, nâng chiều cao 40 cao ốc vào đoạn đường Lê Văn Lương, Tố Hữu chưa đầy 2km, gây áp lực lên hạ tầng giao thông, đến nay chưa ngã ngũ về trách nhiệm.

king-palace-1682479384.jpg Cư dân King Palace, 108 Nguyễn Trãi căng băng rôn đòi quyền lợi trước đó

Thì trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân tới đây dự kiến có thêm 4 tòa cao ốc: Khu đô thị mới Phùng Khoang, Khu đô thị mới Hạ Đình, Dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc ô đất A12 - Nguyễn Xiển, Trung tâm thương mại, văn phòng làm việc và nhà ở để bán tại phường Hạ Đình khiến dư luận lo ngại, tái hiện một tuyến đường Lê Văn Lương thứ 2.

Bên cạnh đó là tình trạng treo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) và ngân sách Nhà nước. Chung cư Khu hỗn hợp Trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở để bán (King Palace). Địa chỉ: 108 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, HN do Công ty Bất động sản Hoa Anh Đào làm chủ đầu tư là một điển hình.

Gần 2 năm qua, cư dân dự án King Palace tốn nhiều thời gian, giấy mực khiếu nại đòi sổ đỏ. Trong đơn thư gửi báo chí, tập thể cư dân Dự án này cho biết, từ khi nhà được bàn giao (khoảng đầu năm 2021), họ mong mỏi được giao sổ đỏ. Đó là lợi ích hợp pháp của tập thể cư dân. Tuy nhiên, đến nay, cư dân vẫn chưa nhận được sổ.

"Tập thể cư dân vô cùng hoang mang với khả năng cấp chứng nhận quyền sở hữu căn hộ tại toà King Palace. Việc mua được một căn hộ là sự nỗ lực mồ hôi xương máu của nhiều gia đình. Chưa kể, cư dân phải vay mượn từ nhiều nguồn tiền khác nhau", tập thể cư dân trình bày trong đơn.

127 tỷ tiền ngân sách bị treo

Theo giải trình gửi Uỷ ban nhân dân phường Thượng Đình, chủ đầu tư cho biết, dự án chưa đủ điều kiện cấp sổ đỏ vì chưa có quyết định phê duyệt nghĩa vụ tài chính bổ sung về đất.

Theo đó, năm 2017, thời điểm UBND thành phố Hà Nội chấp thuận đầu tư, Chi cục Thuế quận Thanh Xuân đã xác nhận số tiền chậm nộp của dự án bằng 0. Nhưng do điều chỉnh quy hoạch dẫn đến phát sinh tiền sử dụng đất cần nộp ngân sách Nhà nước.

Năm 2018, Sở Tài chính Hà Nội đã có báo cáo Hội đồng thẩm định giá đất thành phố một số nội dung rà soát phương án xác định giá đất cụ thể làm căn cứ xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung và tiền thuê đất dự án, trong đó đề xuất nghĩa vụ tài chính bổ sung 147 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cuối năm 2021, do đơn vị thẩm định giá cho dự án King Palace (CTCP Thẩm định giá và đầu tư Hà Nội -VVAI) dính dáng đến việc đấu giá sai quy định tại Đông Anh (Sai phạm trong đấu giá đất tại Đông Anh liên quan đến bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn dược phẩm Vimedimex (Vimedimex) và 8 bị can - PV) dẫn đến chứng thư thẩm định giá dự án King Palace không có giá trị pháp lý.

Trước những bất cập trong điều chỉnh quy hoạch thời gian qua, góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, việc cho phép điều chỉnh dễ dàng đã dẫn đến bóp méo quy hoạch.

Do đó, ông Quân góp ý, Điều 71, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định việc: "Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất" cần sửa theo hướng không nên điều chỉnh quy hoạch về dân cư, văn hóa, nhà ở... trong kỳ quy hoạch 10 năm. Trong kỳ quy hoạch đó, chỉ điều chỉnh với các dự án phục vụ lợi ích nhân dân như: Giao thông, quốc phòng, an ninh. Khi điều chỉnh chỉ giới phải được cấp cao hơn phê duyệt. Không để tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi", đơn vị lập quy hoạch rồi lại điều chỉnh quy hoạch.

"Rõ ràng, chúng ta rất mất thời gian, công sức, tiền bạc để lập quy hoạch. Thậm chí, thuê cả chuyên gia nước ngoài vào tư vấn lập quy hoạch. Thế nhưng, vừa lập năm trước, năm sau đã điều chỉnh. Do đó, tôi cho rằng, trừ những công trình quan trọng như an ninh, quốc phòng, các công trình phục vụ nhân dân như giao thông thì điều chỉnh quy hoạch. Còn các công trình, dự án dân cư, văn hóa, công viên thì không điều chỉnh trong kỳ quy hoạch 10 năm", ông Quân nói.

Theo báo cáo giải trình, TP Hà Nội đã chỉ đạo giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức gắp thăm tìm đơn vị tư vấn thẩm định giá mới rà soát lại, nên hiện dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt tiền sử dụng đất bổ sung. Công ty BĐS Hoa Anh Đào chưa thể nộp ngân sách nên không thực hiện xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà tại dự án.

Ngoài vấn đề về tài chính, trong văn bản Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) gửi chủ đầu tư về việc hoàn thiện bổ sung hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, Văn phòng Đăng ký đất đai cho biết, thành phần hồ sơ chủ đầu tư gửi lên chưa thể hiện hợp đồng thuê đất, biên bản bàn giao mốc giới trên bản đồ và ngoài thực địa để xác định chủ đầu tư đã chấp hành hoàn chỉnh yêu cầu của thành phố Hà Nội về việc giao đất thực hiện dự án.

Để có thông tin đến bạn đọc, PV Báo Giao thông đã liên hệ, đặt câu hỏi với phía chủ đầu tư dự án King Palace, nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng luật sư Trung Hoà bày tỏ quan điểm, cơ chế, chế tài trong giao đất, tính tiền sử dụng đất, cấp sổ đỏ cho người dân đều đã có và ngày càng hoàn thiện. Việc chậm thực hiện các quyền lợi đối với người mua nhà là trách nhiệm của chủ đầu tư, cơ quan chức năng liên quan đến pháp lý.

Do đó, luật sư Tùng cho rằng, cơ quan công an, thành tra và các cơ quan hữu quan liên quan cần vào cuộc, làm rõ các vướng mắc, sai phạm liên quan đến lợi ích nhóm (nếu có) trong góp vốn, đấu thầu, đấu giá, giao đất, chuyển nhượng dự án... tìm ra những vướng mắc, kịp thời giải quyết pháp lý dự án, hướng tới mục tiêu là trả quyền lợi, lợi ích hợp pháp cho người mua nhà. Xác minh chi tiết cụ thể nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.

Cũng theo ông Tùng, thành phố Hà Nội cần rút kinh nghiệm từ những sự việc tương tự, điều chỉnh quy hoạch cần xem xét cân đối hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội thực tế và quyền lợi hợp pháp của người dân. Truy trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân, người đứng đầu cơ quan quy hoạch khi điều chỉnh quy hoạch để xẩy ra những rủi ro tương tự không đáng có. Luật sư Tùng bày tỏ.

Được biết, Dự án King Palace nằm trên diện tích khu đất rộng 6.973m2; trong đó diện tích xây dựng là 3.137m2. Tổ hợp bao gồm 2 tòa tháp, cao 36 tầng và 3 tầng hầm. Tháp A có diện tích 1.800m2 với tổng số 410 căn hộ cao cấp (từ tầng 5 đến tầng 36) và Tháp B có diện tích 1.333m2 là khu khách sạn và căn hộ dịch vụ.

Tiền thân, ô đất này có mục đích làm trụ sở và nhà xưởng sản xuất của Công ty CP Dụng cụ số 1 thuê của Nhà nước. Năm 2006, UBND TP Hà Nội chấp thuận cho phép CTCP Dụng cụ số 1 liên danh với Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội lập dự án đầu tư.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng, CTCP Dụng cụ số 1 chuyển nhượng phần vốn góp và nhận hỗ trợ với giá trị là 127,531 tỷ đồng, sau khi trừ đi chi phí hỗ trợ di dời, hỗ trợ ngừng việc, thanh toán chế độ cho cán bộ nhân viên, doanh thu chịu thuế là 92,560 tỷ đồng nhưng không kê khai...

CTCP Bất động sản Hoa Anh Đào nhận chuyển nhượng một phần dự án. Năm 2017, UBND TP Hà Nội có quyết định điều chỉnh dự án đầu tư, trong đó công ty được gia hạn tiến độ thực hiện dự án, nhưng UBND TP Hà Nội và cơ quan chức năng chưa xác định và thu tiền chậm tiến độ theo quy định của Chính phủ.

Bạn đang đọc bài viết "Dự án King Palace: Làm rõ trách nhiệm để treo 127 tỷ tiền ngân sách" tại chuyên mục KINH TẾ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#