Dự án Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam sau 10 lần gia hạn vẫn chậm tiến độ.
Được biết, vào năm 2013, UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận Dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn do Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn (viết tắt là Lasuco) làm chủ đầu tư. Đây là dự án có tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng, với mục tiêu xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng đồng bộ, hiện đại phục vụ nghiên cứu ứng dụng và tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Lasuco hợp tác chặt chẽ với các viện nghiên cứu, thuê chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước, tổ chức đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật nhằm làm chủ kỹ thuật, quy trình, tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Dự án có tổng quy mô sử dụng đất hơn 103ha, nằm trên địa phận 3 xã Thọ Xương, Xuân Bái và Xuân Phú (huyện Thọ Xuân).
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án này vẫn rơi vào tình cảnh chậm tiến độ do trong 6 năm qua, Lasuco chưa thể giải quyết dứt điểm vướng mắc với hộ ông Nguyễn Văn Thêm, nằm giữa khu sản xuất (diện tích 684m2, thửa số 16, bản đồ trích đo của dự án, thuộc địa giới hành chính xã Thọ Xương), trên đất Công ty TNHH Lam Sơn - Sao Vàng quản lý. Bên cạnh đó, Lasuco còn gặp nhiều khó khăn do người dân ngăn cản không cho phá bỏ tuyến đường cắt qua dự án để triển khai thi công.
Dự án thứ 2 cũng bị rơi vào thảm trạng chậm tiến độ của Lasuco làm chủ đầu tư là dự án Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam có vốn đầu tư lên đến 1.200 tỷ đồng. Đây là dự án được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương từ năm 2016, quy hoạch xây dựng tại 4 xã, gồm: Xuân Bái, Thọ Xương, Xuân Phú, huyện Thọ Xuân và xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân. Dự kiến trong giai đoạn 1 được đầu tư 200 - 300 tỷ đồng. Tiếp đó, từ 2020 - 2025 đầu tư khoảng 800 - 1.000 tỷ đồng. Tuy vậy, quá trình triển khai dự án vẫn đang chậm tiến độ do nhiều vướng mắc tổng khâu GPMB. Đến nay, phía Lasuco đã hoàn thành GPMB 153,6ha (đạt 93%), di dời 618 hộ dân. Tổng số tiền chi trả cho bà con là trên 111 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn 9,82ha của 33 hộ thuộc địa phận xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân (trong đó có 5,62ha của 24 hộ chưa xác định xong nguồn gốc đất nên chưa có quyết định thu hồi và 4,19ha đã có quyết định thu hồi, đã thống nhất phương án triển khai nhưng chưa thực hiện).
Trước những khó khăn trên, phía Lasuco đã nhiều lần trình văn bản xin gia hạn và UBND tỉnh Thanh Hóa đã gia hạn thời gian thực hiện dự án tới lần thứ 10, song đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Điều này không chỉ gây ra sự lãng phí tài nguyên đất, gây nhiều thiệt hại cho phía chủ đầu tư mà còn gây tâm lý lo ngại cho các doanh nghiệp khác đang muốn đầu tư vào Thanh Hóa.
Về việc này, ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Để các dự án được hoàn thành đúng yêu cầu và tiến độ như phê duyệt và ổn định an ninh - trật tự sớm triển khai sản xuất, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao cho các ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương quan tâm hướng dẫn Lasuco tháo gỡ các khó khăn, tồn đọng tại các dự án trọng tâm.
Đối với dự án “nghìn tỷ” Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam, ông Giang giao huyện Thọ Xuân phối hợp với doanh nghiệp tổ chức đối thoại với người dân theo phương châm tính đúng, tính đủ theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi cho người dân, cố gắng thực hiện hoàn thiện công tác GPMB xong trước ngày 30/6/2022. Đối với dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn, tỉnh yêu cầu huyện Thọ Xuân đối thoại với dân để thực hiện dứt điểm công tác GPMB, tạo điều kiện để Lasuco triển khai thực hiện dự án; đồng thời thực hiện quyết toán hồ sơ để Lasuco hoàn tất nghĩa vụ tài chính và thực hiện hồ sơ xin thuê đất theo đúng quy định của pháp luật.