Ngày 28/8, theo nguồn tin của Tiền Phong, để Tập đoàn FLC thực hiện dự án sân Golf hơn 2.000 tỷ đồng, Gia Lai đã tổ chức bán 59.243 cây thông được trồng từ năm 1976 cho tập đoàn này. Đây là dự án mà Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương chỉ đích danh Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai có vi phạm và yêu cầu tạm dừng thi công.
Gia Lai bán 59.243 cây thông (hơn 300.000 đồng/cây) cho Tập đoàn FLC
Dự án sân Golf Đak Đoa và tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn, Trung tâm hội nghị do FLC làm chủ đầu tư có tổng diện tích 197 ha. Trong đó, dự án sân Golf diện tích 174 ha rừng, diện tích đất có rừng thông 156 ha với mật độ 380 cây/ha. Tổng cây thông nằm trong dự án được Gia Lai điều tra là 59.243 cây, trữ lượng hơn 15.000m3. Đây là rừng thông 2 lá và 3 lá được trồng từ năm 1976.
Theo Quyết định số 180 của Sở Tài chính Gia Lai, tỉnh này đã bán 59.243 cây thông cho Tập đoàn FLC với giá 18,9 tỷ đồng (hơn 300.000 đồng/cây). Ngoài ra, tập đoàn này phải trả thêm hơn 2,5 tỷ đồng giá trị bồi thường thiệt hại khi chuyển mục đích từ đất rừng trồng thông sang đất thương mại dịch vụ với hình thức trả tiền một lần.
Khi giao đất và tài sản trên đất (rừng thông), Gia Lai yêu cầu Tập đoàn FLC triển khai xây dựng sân Golf phải giữ nguyên cây thông hiện có; chỉ di thực các cây thông nằm trên đường Golf theo quy hoạch. Tại dự án sân Golf này, UBND huyện Đak Đoa báo cáo Tập đoàn FLC đã di thực 2.528 cây thông. Nhưng những cây thông mà Tập đoàn này di thực có khả năng chết rất cao.
Cả ngàn cây thông Tập đoàn FLC di thực có dấu hiệu chết khô
Có mặt tại dự án sân Golf ở huyện Đak Đoa (Gia Lai), chúng tôi ghi nhận, hàng trăm cây thông đã bị đốn hạ. Những lóng gỗ bị chặt khúc chất thành đống, cao vài mét. Đây là rừng thông bonsai, có dáng rất đẹp, rất giá trị nổi tiếng của Gia Lai và Tây Nguyên. Ở dự án này, ghi nhận của phóng viên, cả ngàn cây thông đã chết khô (Tiền Phong đã có bài viết “Xót xa loạt cây thông bon sai chết khô tại sân Golf nghìn tỷ Gia Lai”).
Anh N.T.Anh (40 tuổi, trú TP.Pleiku, một người chơi cây cảnh ở Gia Lai) cho biết, mỗi cây thông bóng mát cao 5-6 mét, anh mua trong vườn của người dân giá 30-40 triệu đồng/cây tùy dáng. “Có những cây thông bonsai, giới sành cây trả giá không dưới 50 triệu đồng/cây”, anh T.Anh thông tin.
Về trách nhiệm để cây thông chết, một lãnh đạo Sở NN&PTNT Gia Lai nói rằng: “Tập đoàn FLC cam kết với tỉnh không để cây thông chết. Xây dựng phương án là Tập đoàn FLC làm, di thực cũng họ làm. Ông Quyết (Trịnh Văn Quyết, nguyên Chủ tịch Tập đoàn FLC đã bị bắt) lúc vào Gia Lai xuống rừng thông còn ôm cây, nói quý cây, bây giờ di thực mà để thông chết thì họ phải chịu trách nhiệm”.
Trao đổi với PV về rừng thông chết hàng loạt khi di thực, luật sư Tạ Quang Tòng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã có dấu hiệu "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Trong đó, có trách nhiệm của người đề xuất giao dự án, các cơ quan lâm nghiệp của tỉnh và cả UBND huyện chịu trách nhiệm liên đới về hậu quả để thiệt hại cây rừng…