Đủ chiêu móc túi người bệnh: Đơn thuốc 'bia kèm lạc'

Người dân khi đến bệnh viện phải chi trả rất nhiều chi phí để khám chữa bệnh và điều trị. Ngoài những khoản 'cứng' như chi phí khám, mua thuốc, một số bệnh viện còn tổ chức các dịch vụ ăn theo với giá trên trời, nhằm 'móc túi' bệnh nhân và người nhà.

Luật Khám chữa bệnh cấm y bác sĩ kê thực phẩm chức năng (TPCN) vào đơn thuốc. Tuy nhiên, vì nguồn lợi quá lớn, một số bệnh viện (BV) đã tách thành một đơn khác dưới cái tên mỹ miều “phiếu tư vấn”.

Kê thuốc kèm mỹ phẩm, TPCN

Đơn thuốc kèm phiếu tư vấn của bệnh nhân N.T.S tại BV Da liễu TW

Theo phản ánh của nhiều bệnh nhân và người nhà, khi đến khám tại Bệnh viện Da liễu T.Ư, ngoài đơn thuốc bác sĩ của BV còn kê thêm TPCN hoặc mỹ phẩm cho bệnh nhân. Tuy nhiên, do luật cấm kê TPCN vào đơn thuốc, BV bèn “sáng tạo” ra phiếu tư vấn. Bệnh nhân người biết, người không, vì thế nhiều người bỏ tiền triệu ra mua theo đơn của y bác sĩ. Tiền mua mỹ phẩm, TPCN chiếm quá nửa chi phí điều trị.

Tại quầy thuốc tầng 1 của BV, rất đông bệnh nhân mua thuốc và lấy thuốc. Bà N.T.S. (72 tuổi, ở Sơn La) cho biết, khám tại BV Da liễu T.Ư, bà được chẩn đoán viêm da cơ địa. Sau khi khám, bác sĩ đã kê cho bà đơn thuốc ghim kèm theo một phiếu tư vấn. Trên phiếu kê sản phẩm Skin GSV 200ml và Stan home - NUTRI BALM (kem dưỡng ẩm cho da khô, nhạy cảm).

Bà cầm đơn thuốc đưa cho nhân viên quầy thuốc. Nhân viên bán thuốc lấy tất cả số thuốc và sản phẩm tư vấn cho bà S. Tổng cộng, số tiền bà S. trả cho nhà thuốc là hơn 1,1 triệu đồng. Sau khi nhận thuốc, bà S. xem lại đơn giá, thấy chỉ riêng 2 sản phẩm mỹ phẩm đã chiếm quá nửa số tiền mua thuốc. Trong đó, sản phẩm Skin GSV 200ml có giá 110.740 đồng và sản phẩm Stan home - NUTRI BALM có giá 502.336 đồng.

“Tôi ở vùng sâu, vùng xa có biết thế nào là thuốc, mỹ phẩm hay TPCN đâu. Tôi tin tưởng bác sĩ ở trung ương, nên họ kê gì mình mua thôi”, bà S. chia sẻ.

Sản phẩm mỹ phẩm “ăn theo” đơn thuốc

Tương tự, ông Đ.V.C. (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đi khám tại BV Da liễu T.Ư. Tại đây, ông được chẩn đoán vảy nến thông thường. Cũng như bà S., ngoài tờ đơn thuốc, ông C. được “khuyến mãi” thêm tờ phiếu tư vấn với sản phẩm là XERLYS và được hướng dẫn mua tại tầng 1 của BV. “Lần nào tôi đi khám cũng có 2 tờ phiếu này. Bác sĩ bảo sao thì mình mua vậy, chứ đâu biết gì”, ông C. nói.

Để chứng thực, trong vai bệnh nhân tôi mua phiếu khám của BV Da liễu T.Ư. Sau khi thăm khám, tôi được chẩn đoán bị lang ben. Khi kê đơn, bác sĩ bảo dùng thêm loại xà phòng riêng rồi in phiếu. Tôi được BV cấp 2 phiếu, trong đó đơn thuốc gồm 4 loại và một phiếu tư vấn. Trong phiếu tư vấn có kê sản phẩm Zantis soap bar 80g. Tại nhà thuốc BV, sản phẩm này được bán với giá 107.350 đồng, trong khi trên sàn thương mại điện tử đang bán với giá 87.000 đồng.

Tại BV Phụ sản T.Ư, sản phụ khi xuất viện ngoài đơn thuốc cũng được bác sĩ “khuyến mãi” thêm Phiếu bổ sung. Chị N.T.N. (ở Hà Nội) cho biết, chị vừa sinh con tại BV Phụ sản TƯ. Đến ngày 13/4 thì được xuất viện.

Trước khi xuất viện, bác sĩ đưa cho chị đơn thuốc bảo mua và sử dụng theo hướng dẫn. Chị đang còn đau, nên đưa cho chồng xuống mua. Về đến nhà thấy nhiều loại thuốc, chị kiểm tra thấy ngoài đơn thuốc còn có một phiếu bổ sung. Trên phiếu bổ sung này có 2 sản phẩm là Bifibaby (men vi sinh) và deka Plus (vitamin D3). “Chỉ riêng 2 sản phẩm này đã mất hơn 1 triệu đồng”, chị N chia sẻ.

Lách luật như thế nào?

Bác sĩ Hoàng Thu Trang (BV Nội tiết T.Ư) cho rằng, vấn đề kê TPCN, thực phẩm bổ sung kèm đơn thuốc được nhiều BV thực hiện. Tuy nhiên, theo quy định, trong đơn thuốc không được kê TPCN, nên một số cơ sở y tế “đẻ” ra cái đơn tư vấn hoặc phiếu bổ sung.

Theo bác sĩ Trang, việc người bệnh sử dụng TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không sao. Tuy nhiên, việc kê đơn có kèm TPCN làm xuất hiện hai vấn đề. Thứ nhất, ai có điều kiện sử dụng cũng tốt vì thực ra nó cũng là các vitamin và khoáng chất, không có hại cho sức khỏe.

Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân không có điều kiện để chi trả chi phí quá lớn cho các sản phẩm như vậy. Vấn đề thứ hai là nguồn gốc TPCN đó như thế nào. Nhiều loại TPCN nay quảng cáo tốt, nhưng sau đó bị thu hồi vì chứa chất cấm.

“Tôi từng chứng kiến những đơn thuốc mà riêng chi phí cho TPCN lên đến 5-6 triệu đồng, thậm chí còn hơn. Trong khi đó, người bệnh không biết thế nào là thuốc, thế nào là TPCN mà chỉ biết tin bác sĩ nên mua tất. Với tôi, trong hơn chục năm công tác khám chữa bệnh, tôi chưa từng kê một viên TPCN nào cho bệnh nhân khi đi khám. Tôi cũng không sử dụng đơn tư vấn cho bệnh nhân”, bác sĩ Trang khẳng định.

Phiếu bổ sung kèm đơn thuốc của BV Phụ sản TW

Theo quy định tại khoản 4, Điều 5, Thông tư 05/2016/TT-BYT ngày 29/2/2016, quy định về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú thì người kê đơn thuốc không được kê vào đơn thuốc: Các thuốc, chất không nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh; Các thuốc chưa được phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam; thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Cũng theo quy định người kê đơn chỉ có thể tư vấn chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt cho người bệnh hoặc người đại diện người bệnh.

Để lách luật, tại mỗi đơn thuốc và phiếu tư vấn, BV Da liễu T.Ư đều làm một tờ thông báo. BV thừa nhận các sản phẩm được kê trong phiếu tư vấn không phải là thuốc theo danh mục của Bộ Y tế. BV cho rằng, các sản phẩm này có vai trò quan trọng và hỗ trợ tích cực trong điều trị các bệnh da liễu.

Tuy nhiên, hiện nay Bộ Y tế chỉ công nhận khái niệm “mỹ phẩm” chứ chưa công nhận “dược mỹ phẩm” nên nhiều sản phẩm dùng ngoài da được phân loại là “mỹ phẩm”, không được kê vào đơn thuốc.

Trong khi đó, nhiều bệnh như viêm da thiếu kẽm, trứng cá, rám má... khi điều trị cần phải bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất, yếu tố vi lượng kẽm, đồng, magie... mà các sản phẩm này đôi khi được đăng ký là TPCN nên theo quy định về kê đơn thuốc không có trong đơn thuốc. Do đó, các sản phẩm này được BV đưa vào phiếu tư vấn.

Luật gia Trần Nhật Minh cho rằng, giải thích như trong thông báo của BV chỉ là “ngụy biện”. Bởi lẽ, Luật đã quy định rõ thế nào là thuốc, thế nào là mỹ phẩm, thế nào là TPCN nên các cơ sở y tế cần phải thực hiện theo luật. Không thể “vin” vào lý do này kia để “móc túi” người bệnh. Còn nếu luật còn thiếu sót, thì Bộ Y tế cần tham mưu để Chính phủ trình Quốc hội để sửa luật.

Hiện nay không phải người dân nào cũng đủ “thông thái” để hiểu thế nào là thuốc, thế nào là TPCN hoặc mỹ phẩm. Người bệnh ở vùng sâu, vùng nông thôn trình độ dân trí còn thấp, họ đã đặt niềm tin vào bác sĩ, bác sĩ kê đơn như thế nào thì họ sẽ mua như thế, dù có trường hợp phải bán cả tài sản, trâu bò vì quá khó khăn. BV cần minh bạch, chỉ kê đơn thuốc, không kèm theo tờ tư vấn để lập lờ, móc túi người bệnh. “Việc kê đơn thuốc kèm phiếu tư vấn TPCN dưới hình thức nào cũng đều phạm luật, các BV cần phải chấm dứt ngay”, luật gia Trần Nhật Minh nói.