Ngày 10/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin về các nội dung đang được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán.
Vừa qua, thị trường trái phiếu đã có những diễn biến phức tạp, trong đó chủ một số chủ doanh nghiệp bị bắt, vì vậy, dư luận rất lo lắng về quyền lợi của nhà đầu tư và cho rằng Bộ Tài chính cần có giải pháp để ổn định thị trường để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và để thị trường phát hành lành mạnh.
Trả lời vấn đề nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, cho biết vừa qua Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
"Với nền kinh tế vĩ mô phát triển thì thị trường tài chính của chúng ta vẫn là một thị trường tốt", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Vừa qua một số doanh nghiệp chứng khoán vi phạm pháp luật khi đưa ra thông tin lừa dối khách hàng và đã bị xử lý hình sự.
Cũng theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, việc đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư vẫn được thực hiện một cách nghiêm túc, người đảm bảo về quyền lợi của nhà đầu tư là các nhà phát hành.
Bộ Tài chính sẽ tích cực giám sát và đảm bảo minh bạch để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư.
Trước đó, hàng loạt công ty chứng khoán có nhiều sai phạm trong cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khiến Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước mạnh tay xử phạt.
Sau quá trình thanh kiểm tra 21 công ty chứng khoán (gồm 7 công ty chứng khoán kiểm tra, thanh tra định kỳ và 14 công ty chứng khoán kiểm tra, thanh tra đột xuất), có đến 6 công ty chứng khoán có vi phạm liên quan đến việc cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Một số công ty chứng khoán bị xử phạt như Chứng khoán Quốc tế, Thành công, Tiên phong.
Cụ thể, Công ty cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISecurities) cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, cung cấp dịch vụ đại lý lưu ký, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khi chưa được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, đã xử phạt 250 triệu đồng...
Cuối tuần qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với bà Trương Mỹ Lan và 03 bị can đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt tiền của người dân trong giai đoạn 2018 – 2019.
Theo báo cáo trước đó, Công ty An Đông - một doanh nghiệp khá lớn nằm trong hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát, hiện có 3 lô trái phiếu đã phát hành với tổng giá trị lên gần 25.000 tỷ đồng.
Đầu tháng 4 năm nay, thị trường rúng động khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Dù vậy, sau hơn 6 tháng trôi qua, nhà đầu tư trót mua trái phiếu của tập đoàn này vẫn ròng rã gửi đơn kêu cứu khắp nơi vì vẫn chưa được hoàn tiền.
Cập nhật từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), trong tháng 9/2022, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 28.833 tỷ đồng, tăng đột biến 199% so với cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế trong 9 tháng của năm 2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại là 142.209 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021.