Du lịch cần cuộc cách mạng 4.có

Covid-19 và các biến thể làm kinh tế các nước suy thoái. Sau hơn hai năm đứng hình, du lịch đang dần hồi phục với nhiều thay đổi. Dịch bệnh giúp con người nhìn lại mình và ngộ ra nhiều thứ, biết trân quí cuộc đời, hành xử tích cực, sống đẹp hơn.

 

Sau dịch, du lịch bung mạnh như lò xo bị nén, không hẳn vì dịch bệnh mà vì mọi người biết sống thực tế, yêu mình và yêu đời hơn. Con người sống chậm hơn, giảm sân si, bớt nhắm mắt quay cuồng chạy theo những ham muốn bất tận. Du lịch là chọn lựa hàng đầu để tận hưởng giá trị cuộc sống, là doping bồi bổ cơ thể trong xã hội công nghiệp.

Những số liệu băn khoăn

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2019, du lich Việt Nam đạt 85 triệu khách nội địa; 18 triệu khách quóc tế. Tổng doanh thu 755.000 tỷ đồng (334.000 tỷ nội địa và 421.000 tỷ quốc tế). Khách quốc tế chiếm 21,18% nhưng doanh thu gần 56%. Bình quân doanh thu đầu khách nội địa 3.929.000 đồng và quốc tế 23.389.000 đồng.

Những con số khá ấn tượng nhưng để lại không ít băn khoăn. Lượng người Việt đi nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam đi tour nước khác, chưa có số liệu. Không thể ghép với khách nội địa hoặc quốc tế. Thuật ngữ du lịch gọi là Outbound. Khách nước ngoài vào Việt Nam là Inbound. Khách Việt du lịch trong nước là Nội địa (Domestic).

Lượng khách Inbound và Outbound, dựa vào số liệu Cục Xuất nhập cảnh, bao gồm người đi công việc, thăm thân, học tập.... Khách Domestic không biết dựa trên cơ sở nào. Lượng khách nội địa các tỉnh, thành Việt Nam cộng lại hơn 250 triệu (gấp 3 lần số liệu Tổng cục Thống kê) vì cộng cả khách viếng chùa, nhà thờ, tham quan chốc lát. Tổng doanh thu du lịch các địa phương cộng lại chỉ bằng 2/3 của Tổng cục Thống kê.

Dịp lễ 30/4 - 1/5/2022, Thanh Hóa báo cáo “đón 898.000 lượt khách, có 577.000 khách lưu trú, tổng doanh thu 1.960 tỷ đồng” (bằng 13% cả năm 2019). Theo Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Thanh Hóa (9/5/2019), toàn tỉnh có 10.970 phòng lưu trú 1 – 5 sao. Giả sử có thêm 4.000 phòng nghỉ (guest house). Tổng cộng 15.000 phòng. Nếu ở hết công suất 100% suốt 3 đêm, tối đa phòng 3 người; cũng chỉ có 135.000 lượt khách lưu trú, lấy đâu ra số liệu 577.000 lượt?

Du lịch nội địa tăng vọt sau dịch

Dù số liệu còn độ vênh lớn giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương với nhau, nhưng phải thừa nhận du lich nội địa Việt Nam sau dịch, không chỉ hồi phục, vượt chỉ tiêu, mà còn tăng tốc ngoạn mục, hơn cả trước dịch.

Từ 15/3 – 31/10/2022; du lịch nội địa đạt 91,8 triệu khách (chỉ tiêu cả năm là 60 triệu); vượt 108% so với năm 2019 (85 triệu). Nếu tính cả 2 tháng cuối 2022, số lượng sẽ vượt mốc 105 triệu. Khách quốc tế đạt 2,35 triệu (chỉ tiêu cả năm là 5 triệu), giảm 83% so với 2019. Tổng doanh thu du lịch đến hết tháng 10/2022 là 476.000 tỷ đồng, bằng 63% năm 2019.

Du lich nội địa Việt Nam sau dịch là mơ ước của nhiều quốc gia. Họ hơn Việt Nam mảng du lịch Inbound, còn mảng nội địa thì thua xa. Hậu dịch, du lịch nội địa Việt Nam chỉ cần 6 tháng là vượt đỉnh cả năm trước dịch. Du lịch Inbound, năm 2025, may ra mới chạm mốc 2019. Hàng loạt khách sạn chuyên đón khách nước ngoài đang rao bán vì không thể cầm cự, dù đã hết dịch.

Covid-19 là thuốc thử mạnh khả năng đề kháng. Rất nhiều doanh nghiệp phá sản. Nhiều doanh nghiệp lao đao nhưng không ít doanh nghiệp vẫn vững vàng, thậm chí tăng tốc bền vững. “Họa hề phúc chi sở ý” (trong họa có may), trong nguy có cơ. Qua thử thách mới rõ nội lực thật sự từng doanh nghiệp. Không riêng gì du lịch, các doanh nghiệp có nền tảng nội địa vững chắc đều vượt qua đại dịch, tiếp tục khẳng định thương hiệu, dù gặp không ít khó khăn. Thị trường nội địa là bệ phóng để doanh nghiệp vươn ra nước ngoài. Trước khi ra biển lớn, cần tập bơi thành thạo ao làng, rồi ra sông rạch, làm quen sóng gió.

CEO công ty du lịch L. cho biết: mấy chục năm trong nghề, lần đầu tiên, mùa thấp điểm nội địa (quý IV/2022), công ty không bị lỗ. Tuần nào cũng 40 – 50 xe. Chưa kể khách Outbound đi các nước”. Tìm hiểu thêm, mới biết công ty có quan điểm rất hay: “muốn nhân viên trung thực với công ty, công ty phải gương mẫu trung thực với khách hàng, trung thực với nhà nước”.

Sau dịch, khách Việt không chỉ đi tour nhiều hơn. Chi tiêu bình quân tăng từ 1,5 - 2 lần so với trước dịch. Dịch vụ lựa chọn kỹ, chất lượng hơn, điểm đến mới, trải nghiệm khác biệt, hướng dẫn viên chuyên nghiệp, nội dung tour thiết kế đặc thù theo yêu cầu... Khách đi tour tự túc nhiều hơn, đa phần là người rảnh rỗi. Khách giàu không bao giờ tự làm tour.

Tăng tốc dễ hay khó?

Các nước có du lịch phát triển đều đi song hành nội địa và quốc tế. Một chân, chỉ có thể nhảy lò cò. Chân thấp, chân cao; khập khiễng, khó đi nhanh và xa.

Sau dịch, du lịch nội địa Việt Nam tăng trưởng rất tốt nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Quản lý vẫn lối mòn; thích hội thảo, hội nghị, ký kết hình thức; khoái chạy theo số lưọng, khách ra khỏi nhà vài giờ dạo chơi, thăm thú cũng gọi là du lịch. Nạn chặt chém, cạnh tranh bát nháo, lập lờ dịch vụ đang có nguy cơ sinh sản vô tính.

Vệ sinh thực phẩm và môi trường, giao thông hỗn loạn, ngập đường, an ninh xã hội… chưa có dấu hiệu cải thiện. Nghị quyết và chỉ đạo có thừa nhưng thiếu cách làm cụ thể. Văn hóa ẩm thực người Việt có nhiều bất cập như ăn rất nhanh, dùng nước chấm chung, dùng đũa muỗng riêng lấy thức ăn chung…; thói quen gắp đồ ăn cho khách lậm vào mọi ngõ ngách kinh doanh.

Khách du lịch tự đi tour ngày càng đông. Một phần vì sản phẩm du lịch nhàm chán, rập khuôn, thiếu bản sắc. Một phần do khách rảnh rỗi. Đây là môi trường lý tưởng của nạn chặt chém, kinh doanh dịch vụ ảo, kẹt xe…Nhiều khi lợi bất cập hại. Thông tin, hình ảnh trên mạng xã hội không dễ gì kiểm chứng. Ai cũng tự cung tự cấp, không cần phân công xã hội thì cuộc sống có nguy cơ thụt lùi.

Về với thiên nhiên, gắn với nông thôn, nông nghiệp là xu thế tất yếu sau dịch nhưng du lịch Việt vẫn loay hoay hô hào, kêu gọi. Mảng du lịch sinh thái đúng nghĩa quá yếu, sinh thái dán nhãn, sinh thái “nhậu” tràn lan. Ngoài các tệ nạn kể trên, còn có thủ tục rườm rà, gây khó lẫn nhau, kiểu “hành là chính”.

Nhìn sang nước láng giềng, Lào không có biển, trước dịch (2019), du lịch Lào đón hơn 4,8 triệu khách quốc tế, dù dân số chỉ 7,5 triệu người. Du lịch quốc tế càng khó cạnh tranh với khu vực. 6 tháng sau mở cửa, khách nội địa đạt 153% kế hoạch 2022, bằng 108% lượng khách 2019. Khách Inboud chỉ đạt 47% chỉ tiêu 2022, giảm 83% so với 2019.

Làm sao duy trì được nhịp tăng trưởng bền vững du lich nội địa, tăng tốc du lịch quốc tế để cân bằng hai chân song hành?

Vài kiến giải

Việc đầu tiên là thay đổi tư duy quản lý du lịch, từ Nhà nước đến doanh nghiệp. Đoạn tuyệt cách làm du lịch kiểu phong trào, chạy theo số lượng, sản phẩm đơn điệu, thổi phồng thành tích, không dám nhìn thẳng thực tế. Liên kết cần cụ thể, từ nhu cầu thực tiễn, tự nguyện, cùng hành động, không áp đặt chủ quan lãnh đạo.

Làm mới sản phẩm cũ, xây dựng sản phẩm mới theo nhu cầu từng đối tượng, đặc biệt quan tâm phân khúc thị trường cao cấp. Tận dụng kỹ thuật số và chuyển đổi số trong tiếp thị, kinh doanh, khuyến mãi, chăm sóc khách hàng. Làm bằng được việc bàn ăn có thực đơn, từng khách dùng nước chấm riêng, mỗi món ăn có muỗng đũa riêng để lấy đồ ăn chung, không gắp đồ ăn cho khách.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, nhất là dịch vụ nhà hàng, khách sạn. Sau hơn hai năm đóng băng, mảng dịch vụ này rất khát vốn để phục hồi cơ sở hạ tầng và chất lượng. Từng địa phương có kế hoạch chuẩn bị nhân lực đón khách quốc tế trở lại và sẵn sàng cho giai đoạn tăng tốc. Có lộ trình giảm bớt các tệ nạn, tạo niềm tin du khách về nỗ lực và cầu thị của Việt Nam.

Để cạnh tranh, cần kéo dài thời gian thị thực như Thái Lan. Nếu chưa miễn thị thực thì miễn lệ phí thị thực cho du khách lưu trú từ 7 ngày trở lên hoặc chi tiêu trên 1.000 USD. Sửa đổi ngay những bất cập về đầu tư du lịch cộng đồng, nhất là du lịch sinh thái rừng.

Ưu tiên nguồn khách chi tiêu cao và ổn định từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… Mùa nước nổi, các vườn cây ăn trái nhiệt đới là thị trường hấp dẫn khách Trung Đông giàu có, vốn rất ít mưa, thiếu cây xanh và cây ăn trái. Tổ chức các sự kiện quốc tế như marathon địa hình, caravan liên lục địa, hội ngộ kỷ lục thế giới, festival thuyền buồm, khinh khí cầu, diều, câu cá quốc tế…

Trước khi tiến hành công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, làm ngay 4.CÓ - Có THÔNG TIN MINH BẠCH – Có SỐ LIỆU CỤ THỂ - Có CÁCH LÀM HIỆU QUẢ - Có NGƯỜI CHỊU TRÁCH NHIỆM.