Đức Long Gia Lai (DLG): Ngập chìm trong nợ và lỗ, cổ phiếu “trà đá” vẫn tăng mạnh

Cổ phiếu DLG đang nhận được sự chú ý lớn từ nhà đầu tư khi liên tục tăng trần, thanh khoản tăng mạnh. Trong khi đó, tình hình kinh doanh kém sắc, nợ quá hạn hơn 1.800 tỷ đồng, lỗ luỹ kế hơn 842 tỷ đồng.

Trên sàn HOSE, cổ phiếu DLG gây ấn tượng khi đã liên tục tăng kịch trần thời gian gần đây. Tính từ cuối tháng 8 đến phiên nay, thị giá cổ phiếu DLG đã tăng thêm khoảng 45%, từ 3.000 đồng/cp lên mức giá 4.380 đồng.

Tính chung bình 10 phiên gần nhất, mã khớp gần 20 triệu đơn vị/phiên dù chỉ có 299 triệu cổ phiếu ACM đang giao dịch trên thị trường.

Trước đó, DLG đã từng "dậy sóng" khi tăng hơn 120% chỉ trong vòng nửa tháng, theo ghi nhận, từ ngày 29/3 đến ngày 15/4, mã này đã có 13 phiên tăng, trong đó có 11 phiên tăng trần.

Tuy vậy, cổ phiếu này nhanh chống lao dốc sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa có thông báo chuyển cổ phiếu DLG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát.

Giai đoạn sau đó, PGT khá im ắng trên thị trường khi chỉ dao động quanh vùng 2.000 - 3.000 đồng/cp, với khối lượng giao dịch rất kém.

5637-dlg-1
Diễn biến giá cổ phiếu DLG.

Mới đây, Đức Long Gia Lai đã công bố báo cáo tài chính bán niên thể hiện ý kiến của đơn vị kiểm toán về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp này. Cụ thể, Đức Long Gia Lai lỗ luỹ kế hơn 842 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6 trong khi các khoản nợ ngắn hạn đã vượt tổng tài sản ngắn hạn gần 240 tỷ đồng.

Tổng nợ của công ty hiện trên 5.600 tỷ đồng, trong đó có nhiều khoản quá hạn thanh toán với tổng giá trị ước tính hơn 1.800 tỷ đồng. Các chủ nợ lớn là BIDV, Vietinbank, Sacombank. Một số khoản nợ được đảm bảo bằng tài sản cá nhân của vợ chồng ông Bùi Pháp – Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty.

Nợ lớn nhưng Đức Long Gia Lai vẫn dành khoảng 26% tổng tài sản, tương đương 2.410 tỷ đồng để cho các tổ chức và cá nhân vay. Khoảng 1.190 tỷ đồng trong số này là các khoản vay ngắn hạn, phần còn lại cho vay dài hạn 36-60 tháng với lãi suất dao động 7-11,8% một năm. Phía kiểm toán cũng lưu ý việc công ty cho vay khoản tiền lớn nhưng tất cả đều không có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của bên thứ ba.

Phía Đức Long Gia Lai cho biết, công ty đang xây dựng phương án cấu trúc toàn diện tình hình tài chính và lên kế hoạch thoái vốn các khoản đầu tư kém hiệu quả, kiểm soát chặt chi phí để đảm bảo nguồn thu theo kế hoạch.

Công ty cũng muốn đẩy nhanh tiến độ pháp lý các dự án thuỷ điện, điện mặt trời và điện gió để tìm kiếm đối tác huy động vốn hoặc chuyển nhượng một phần dự án chậm nhất vào cuối năm 2023 để có tiền tất toán nợ quá hạn. Ngoài ra, công ty cũng sẽ thu hồi công nợ và đàm phán với ngân hàng để cơ cấu nợ gốc, miễn giảm lãi.

5853-dlg-2
Ông Bùi Pháp - Chủ tịch Hội đồng quản trị DLG phải thế chấp nhiều tài sản cá nhân để bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn

Nửa đầu năm nay, Đức Long Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần hơn 900 tỷ đồng và tăng khoảng 11% so với cùng kỳ. Mảng linh kiện điện tử chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu, tiếp đến là thu phí BOT, bán đá, sản phẩm nông nghiệp và điện thương phẩm.

Công ty thu hơn 110 tỷ đồng tiền lãi cho vay, nhưng cũng phải trả trên 180 tỷ đồng chi phí lãi vay các bên. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận bị ăn mòn, chỉ còn lãi sau thuế 23 tỷ đồng.

Đức Long Gia Lai đặt mục tiêu năm 2021 có doanh thu 2.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 50 tỷ đồng, cắt đứt mạch lỗ hai năm trước.

Mới đây, Hội đồng quản trị Đức Long Gia Lai đã thông qua Nghị quyết về việc cấu trúc lại các khoản đầu tư tài chính dài hạn tại các công ty thành viên. Theo đó, DLG dự kiến thoái vốn và chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại 2 Công ty con là CTCP Năng lượng Tân Thượng và CTCP Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Đức Long Gia Lai.

Hội đồng quản trị quyết định ủy quyền cho Tổng Giám đốc DLG tổ chức thực hiện tìm kiếm đối tác, nhà đầu tư…để chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, thực hiện toàn bộ quyền và nghĩa vụ pháp lý liên quan đến việc hoàn thiện thủ tục hồ sơ pháp lý chuyển nhượng cổ phần tại 2 Công ty này.