Được giao đất không qua đấu giá, chủ tòa nhà Le Meridien Saigon vẫn ngập trong nợ nần, thua lỗ

Nhờ sự "ưu ái" phần nào của UBND TP. HCM, Tập đoàn Tiến Phước thuận lợi có được dự án cao ốc Le Meridien Saigon tọa lạc tại vị trí đắc địa trung tâm quận 1 mà không phải qua đấu giá. Thế nhưng, đến nay chủ tòa tháp này vẫn ngụp lặn trong nợ nần và khoản lỗ lũy kế ngày càng chất đống.

Được giao đất không qua đấu giá, chủ tòa nhà Le Meridien Saigon vẫn ngập trong nợ nần, thua lỗ

Được giao đất không qua đấu giá, chủ tòa nhà Le Meridien Saigon vẫn ngập trong nợ nần, thua lỗ

Giao đất không qua đấu giá

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra số 757/KL-TTCP về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP. HCM.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm tại các dự án bất động sản, khu công nghiệp trên địa bàn TP. HCM. Về xử lý kinh tế, cơ quan này kiến nghị xử lý hơn 2.054 tỷ đồng; trên 6 triệu USD và 464.000m2 đất.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP. HCM chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân có liên quan.

Trường hợp vượt thẩm quyền hoặc có dấu hiệu hình sự thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.

Danh sách sai phạm tại kết luận thanh tra số 757/KL-TTCP đã "điểm mặt" không ít các dự án "khủng" của những tên tuổi địa ốc tầm cỡ như Công ty Vạn Phát Hưng, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79...

Đáng chú ý trong đó là dự án khu cao ốc văn phòng và khách sạn, địa chỉ tại số 3C đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP. HCM (Tổ hợp Le Meridien Saigon) do liên doanh Công ty Cổ phần Tiến Phước và Công ty 990 làm chủ đầu tư.

Theo kết luận thanh tra, nguồn gốc đất của dự án Tổ hợp Le Meridien Saigon là đất quốc phòng - an ninh do Công an TP. HCM quản lý. Từ năm 1996, Công ty TNHH Hoa Hồng là đơn vị thành viên của Công an TP. HCM dùng quyền sử dụng đất để góp vốn liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài (Công ty liên doanh TNHH Trans-Rose) theo quyết định số 4643/QĐ-UB-QLĐT ngày 11/10/1996 của UBND TP. HCM.

Tiếp đó, ngày 20/5/1997, Công an TP. HCM ban hành quyết định chấp thuận cho Công ty Sản xuất Kinh doanh và Dịch vụ 990 (Công ty 990) là doanh nghiệp nhà nước thuộc Công an TP. HCM nhận nhiệm vụ đối tác trong liên doanh Trans-Rose thay thế cho Công ty TNHH Hoa Hồng.

Đến năm 2005, Liên doanh Trans-Rose chấm dứt hoạt động theo quyết định số 88/QĐ-BKH ngày 31/01/2005 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc chuyển nhượng của đối tác nước ngoài và chuyển thành doanh nghiệp trong nước.

Ngày 6/5/2009, Sở Tài chính có văn bản số 3711/STC-BVG trình UBND TP. HCM về việc thẩm định giá trị quyền sử dụng đất tại khu đất số 3C đường Tôn Đức Thắng, quận 1 theo giá thị trường với mục đích sử dụng đất đầu tư xây dựng khách sạn kết hợp văn phòng.

Đến ngày 15/5/2009, UBND TP. HCM ban hành quyết định số 2412/QĐ-UBND duyệt giá trị quyền sử dụng đất tại mặt bằng số 3C đường Tôn Đức Thắng, quận 1 với số tiền 446.675 triệu đồng.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND TP. HCM có quyết định số 3807/QĐ-UBND ngày 12/8/2009 giao đất cho Công ty Cổ phần Tiến Phước và 990 (trong đó Công ty 990 chiếm 30% vốn điều lệ) không qua đấu giá quyền sử dụng đất là không đúng quy định của pháp luật nêu tại Khoản 1, Điều 58 Luật Đất đai 2003.

Đồng thời, ngày 15/5/2009, UBND TP. HCM ban hành quyết định số 2412/QĐ-UBND phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất khi chưa có quyết định giao đất là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ.

Chính vì vậy, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an, UBND TP. HCM rà soát việc góp vốn, việc chuyển nhượng cổ phần từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp khác, việc giao đất và xác định tiền sử dụng đất, có biện pháp xử lý theo thẩm quyền, theo đúng Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội và quy định của pháp luật có liên quan.

Phác họa chủ đầu tư

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công ty Cổ phần Tiến Phước và 990 (Tiến Phước và 990) được thành lập vào ngày 20/7/2007, là liên doanh giữa Tập đoàn Tiến Phước (dưới pháp nhân Công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phước) và Công ty TNHH MTV 990.

Những năm gần đây, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ khá nhanh. Hồi trung tuần tháng 5/2015, Tiến Phước và 990 có vốn điều lệ 350 tỷ đồng, trong đó Công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phước sở hữu 73% vốn, còn lại 23% cổ phần do Công ty TNHH MTV 990 nắm giữ.

Tuy nhiên đến cuối tháng 7/2019, vốn điều lệ doanh nghiệp đã nâng lên 1.438 tỷ đồng, tương đương mức tăng hơn 4 lần. Bên cạnh đó, cơ cấu cổ đông cũng được bày biện lại, với sự rút lui của Công ty TNHH MTV 990 hồi tháng 3/2016, và thay vào đó là sự xuất hiện của bà Nguyễn Thị Mỹ Phương, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Công ty TNHH MTV Đầu tư TPI.

Được biết, bà Phương, bà Hạnh là hai người con gái của ông Nguyễn Thành Lập, Chủ tịch Tập đoàn Tiến Phước; còn Công ty TNHH MTV Đầu tư TPI là một trong những doanh nghiệp thành viên nằm trong hệ sinh thái của tập đoàn.

Tại Tiến phước và 990, ông Lập giữ vị trí tổng giám đốc và người đại diện pháp luật xuyên suốt kể từ khi thành lập.

Nói thêm về dự án Tổ hợp Le Meridien Saigon, đây là cao ốc phức hợp gồm khách sạn 5 sao tiêu chuẩn quốc tế và cao ốc văn phòng hạng A được xây dựng trên diện tích 3.604m2. Dự án có tổng diện tích sàn 243.625m2, bao gồm 3 tầng hầm, 24 tầng lầu, 350 phòng, 13.972m2 sàn văn phòng hạng A.

Tổ hợp Le Meridien Saigon được khởi công vào cuối năm 2010 với tổng vốn đầu tư khoảng 120 triệu USD và được đưa vào hoạt động từ năm 2015. Là chủ đầu tư của dự án trung tâm quận 1 với toàn bộ mặt tiền hướng ra sông Sài Gòn, thế nhưng kết quả kinh doanh của Tiến Phước và 990 giai đoạn gần đây vẫn vô cùng bết bát.

Theo tài liệu mà VietnamFinance có được, từ năm 2016 đến 2019, trong khi doanh thu của Tiến Phước và 990 tăng trưởng khá đều đặn với thực đạt lần lượt là 327,2 tỷ đồng, 354,9 tỷ đồng, 399,8 tỷ đồng và 475,9 tỷ đồng, nhưng dưới gánh nặng chi phí cao ngất ngưởng, chủ đầu tư dự án Tổ hợp Le Meridien Saigon chưa từng một lần có lãi trong suốt khoảng thời gian này.

Năm 2016, doanh nghiệp lỗ sau thuế sâu nhất với 330,5 tỷ đồng, con số này dần được giảm tải qua các năm và dừng ở mức 255,4 tỷ đồng vào cuối 2019.

Việc các khoản lỗ ngày càng chồng chất khiến cho doanh nghiệp lâm vào cảnh mất vốn, cũng như đè nặng lên dòng tiền duy trì hoạt động. Tại ngày 31/12/2019, vốn chủ sở hữu của Tiến Phước và 990 giảm còn 197,9 tỷ đồng, lỗ lũy kế xấp xỉ 1.200 tỷ đồng.

Để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn lực, doanh nghiệp buộc phải đẩy mạnh chiếm dụng vốn ngoài với khối nợ phải trả phình to hơn sau mỗi năm tài chính, đến cuối năm 2019 đã vượt lên ngưỡng 2.570 tỷ đồng, cao hơn 13 lần vốn chủ sở hữu.

Sử dụng đòn bẩy ở mức báo động là nguyên nhân chính dẫn tới những rủi ro tài chính đối với doanh nghiệp, trong đó là phải kể đến áp lực trả nợ vay.

Mặc dù không đề cập chi tiết đến các khoản nợ nần, tuy nhiên trong bản kết luận điều tra vụ án hình sự "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà và Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng" mà Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) hoàn tất hồi tháng 3/2020, khối nợ vay của Tiến phước và 990 đã tình cờ được hé mở.

Theo bản kết luận điều tra, ngày 18/3/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định tách vụ án hình sự số 07/CSKT-P13, tách hành vi BIDV cấp tín dụng cho Công ty Cổ phần Xi măng Phú Sơn và 7 công ty có dư nợ lớn tại BIDV có thực trạng hoạt động không hiệu quả, hoạt động cầm chừng hoặc đã dừng hoạt động, không có doanh thu, quá trình cho vay của BIDV có nhiều vi phạm.

Văn bản của Cơ quan Cảnh sát điều tra cho biết, Tiến Phước và 990 có dư nợ tại BIDV lên tới 1.823,742 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn có dư nợ tại 4 tổ chức tín dụng khác là 273,315 tỷ đồng.

Không chỉ riêng Công ty Cổ phần Tiến Phước và 990 mà còn nhiều doanh nghiệp thành viên khác nằm trong hệ sinh thái Tập đoàn Tiến Phước cũng đang hoạt động vô cùng èo uột, bết bát.

Có thể kể đến Công ty Cổ phần Sàn giao dịch Bất động sản Tiến Phước, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Kỹ thuật Mê Kông, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Mỹ Mỹ, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Công nghệ cao... hoặc ngay cả "sếu đầu đàn" là Công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phước cũng không ngoại lệ...

(Còn nữa)