Đường cong lợi suất đi ngang cảnh báo nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ

Giá dầu và khí đốt tăng vọt đã rung lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ suy thoái trên khắp thế giới. Nhưng một số liệu kinh tế khác đang bắt đầu gây lo ngại là đường cong lợi suất đi ngang.

Bảng chỉ số chứng khoán tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Các nhà đầu tư trên phố Wall đang theo dõi sát sao mức chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ ngắn hạn, đáng chú ý nhất là trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm và trái phiếu trái phiếu dài hạn như trái phiếu kỳ hạn 10 năm.

Khi mức chênh lệch giảm, các nhà đầu tư lo ngại đường cong lợi suất có thể đảo ngược, có nghĩa lợi suất trái phiếu ngắn hạn sẽ cao hơn lợi suất trái phiếu dài hạn.

Tính đến ngày 11/3, mức chênh chỉ là 0,25%, khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 2% và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm là 1,75%.

Mức chênh lệch này tăng nhẹ trong phiên 14/3, khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng lên 2,1% và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm tăng lên khoảng 1,82%, tức chênh 0,28%.

Đường cong lợi suất thường đảo ngược trước khi nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Đường cong lợi suất đã đảo ngược vào năm 2019, trước khi nền kinh tế rơi vào suy thoái do đại dịch bùng phát vào năm 2020. Đây cũng là điều đã xảy ra vào năm 2007, trước cuộc Đại suy thoái hay khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, hay vào đầu năm 2000, ngay trước khi bong bóng công nghệ vỡ.

Bộ trưởng Lao động Mỹ, Marty Walsh, cho rằng có nguy cơ suy thoái, nhưng nói thêm nền kinh tế Mỹ rất mạnh và thị trường việc làm đặc biệt vững.

Khi lợi suất trái phiếu ngắn hạn tăng, đây là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư lo ngại.

Theo một số nhà phân tích, lý do duy nhất khiến các nhà đầu tư lo ngại đường cong lợi suất có thể đảo ngược là xung đột giữa Nga và Ukraine và những tác động mạnh đến giá hàng hóa.

Nhà chiến lược tại ngân hàng Deutsche Bank (Đức) Jim Reid cho rằng nguy cơ suy thoái đang gia tăng nhưng suy thoái sẽ không xảy ra ngay lập tức, trừ phi căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn.

Theo nhiều dự đoán, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp trong tuần này, nhưng có thể thận trọng để không khiến lợi suất trái phiếu ngắn hạn tăng mạnh hơn nữa.

Khi lạm phát đã lên đến gần 8%, Fed không thể chần chừ trong việc tăng lãi suất từ mức 0-0,25%.

Tăng lãi suất nhưng phải duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế là thách thức đối với các quan chức Fed sau hai năm phục hồi nền kinh tế và thị trường việc làm từ cú sốc do đại dịch COVID-19.